Quang cảnh đìu hiu của một gian hàng tại TTTM Lotte Tây Sơn

Quang cảnh đìu hiu của một gian hàng tại TTTM Lotte Tây Sơn

Kinh doanh trung tâm thương mại, tốn và... kém

(ĐTCK) Thị trường bán lẻ gặp khó khăn kéo dài, hàng loạt trung tâm thương mại (TTTM) buộc phải thay đổi để tồn tại. Điều này thường mang lại nhiều mất mát cho doanh nghiệp, nhưng chưa hẳn giúp doanh nghiệp gặt hái được thành công.

“Thay máu” và… đóng cửa

Tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, nhưng TTTM Tràng Tiền Plaza lại có số phận tương đối lận đận.

Trước năm 2011, dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, nhưng Tràng Tiền Plaza hoạt động giống như một TTTM bình dân và không mang lại hiệu quả.

Năm 2012, Tràng Tiền Plaza được doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư khoảng 20 triệu USD để cải tạo lại hoàn toàn, trở thành trung tâm hàng hiệu cao cấp lớn nhất tại Hà Nội. Tràng Tiền Plaza được khai trương trở lại vào tháng 4/2013.

Kinh doanh trung tâm thương mại, tốn và... kém ảnh 1

Thế nhưng, việc định vị Tràng Tiền Plaza là một trung tâm hàng hiệu xa xỉ cũng chẳng khiến hoạt động kinh doanh của TTTM này khá khẩm hơn, thậm chí ngày càng vắng khách. Vì vậy, chỉ sau khoảng 1 năm hoạt động, Tràng Tiền Plaza lại phải cơ cấu lại, dành một diện tích không nhỏ cho các mặt hàng có giá bình dân hơn để “có khách”.

Bươn chải, thay đổi liên tục trong nhiều năm liền, nhưng “vận khó” vẫn chưa buông tha Tràng Tiền Plaza khi hoạt động của thị trường bán lẻ nói chung tại Hà Nội vẫn rất khó khăn.

Grand Plaza, một TTTM tiếng tăm khác tại Hà Nội, thậm chí còn rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Sự khó khăn của thị trường và những định hướng sai lầm “chết người” của đơn vị quản lý đã khiến Grand Plaza phải đóng cửa vài lần, trong đó lần đóng cửa lâu nhất gần đây kéo dài tới hơn 2 năm.

Ngày 16/1/2016, sau một thời gian dài “ngủ đông”, Grand Plaza đã chính thức mở cửa trở lại. Trong lần mở cửa trở lại này, Grand Plaza đã thay đổi toàn diện, từ tên thương hiệu đến các ngành hàng trưng bày.

Cụ thể, TTTM Grand Plaza được đổi tên thành Kasa Grand. Toàn bộ diện tích của Kasa Grand lên đến 15.000 m2, được đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, trưng bày và bán các sản phẩm chuyên về nội thất, biến Kasa Grand trở thành siêu thị đồ nội thất lớn nhất Việt Nam.

Việc “thay máu” của Grand Plaza từ một TTTM tổng hợp thành “đại siêu thị” nội thất cho thấy, chủ đầu tư đang đón bắt xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Kasa Grand có thành công hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Bởi tại Hà Nội, hàng loạt chuỗi siêu thị nội thất cao cấp khác được đầu tư bài bản và bán những sản phẩm của những thương hiệu cao cấp nhất trên thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất chấp thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực. 

Mập mờ số phận

Không chỉ hai TTTM kể trên, nhiều TTTM khác tại Hà Nội cũng đã được “thay máu” sau khi về tay chủ mới, hoặc hoạt động không hiệu quả nên được đơn vị quản lý cơ cấu lại.

Chẳng hạn như TTTM Mipec Tower, sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả đã phải đổi chủ và được đổi tên thành TTTM Lotte Tây Sơn. Lotte Tây Sơn tiếp tục được cơ cấu, thay đổi rất nhiều, từ danh mục hàng hóa, cơ cấu gian hàng và gia tăng các loại hình dịch vụ nên đã thu hút được lượng khách nhất định.

Thế nhưng, việc “đại siêu thị” Vincom Mega Mall Royal City ngay bên cạnh khai trương sau đó, đã lấy mất phần lớn khách hàng của Lotte Tây Sơn, khiến TTTM này “sống dở, chết dở” vì vắng khách.

Kinh doanh trung tâm thương mại, tốn và... kém ảnh 2 

Một trường hợp đáng chú ý nữa là TTTM Keangnam Landmark 72, TTTM lớn nhất ở phía Tây Hà Nội, nhưng cũng đang trong cảnh mập mờ về số phận.

TTTM Keangnam Landmark 72 trước đây được vận hành bởi Tập đoàn Parkson. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, Parkson đã rút lui khỏi dự án này vào đầu năm 2015, khiến TTTM này bị đóng cửa.

Tòa tháp Keangnam Landmark 72 mới đây đã được AON Holding, một tập đoàn tài chính của Hàn Quốc mua lại, rất có thể TTTM Keangnam Landmark 72 sẽ lại được “thay máu”, tái khởi động trở lại trong thời gian tới.

Theo báo cáo thị trường quý IV/2015 của CBRE và Savills Việt Nam mới đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các nhà bán lẻ trong nước gần đây cũng mạnh mẽ mở rộng hệ thống bán lẻ của mình.

Việc thị trường bán lẻ được doanh nghiệp đầu tư mạnh tay khiến tình trạng cạnh tranh ngày một lớn hơn. Đặc biệt, xu hướng “bình dân hóa” của thị trường mặt bằng bán lẻ đang trở thành xu hướng nổi bật. Vì thế, sẽ không bất ngờ khi việc “thay máu” ở các TTTM hoạt động không hiệu quả tiếp tục diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan