Nhiều khách hàng điêu đứng vì những công ty làm ăn chụp giật

Nhiều khách hàng điêu đứng vì những công ty làm ăn chụp giật

Kinh doanh bất động sản, đạo đức phải trước luật

(ĐTCK) Câu chuyện đạo đức kinh doanh của chủ đầu tư, môi giới bất động sản không mới, nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự.

Tranh chấp ngày càng gia tăng

Năm 2017, thị trường chứng kiến các vụ chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý xảy ra ở hàng loạt chung cư tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong đó, tại TP.HCM, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), toàn Thành phố có 935 chung cư cao tầng, thì có 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tình hình tranh chấp gay gắt và phức tạp.

Còn tại Hà Nội, dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng năm qua, thị trường chứng kiến tranh chấp xảy ra tại hàng loạt chung cư như New Horizon City (số 87 đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai), Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, Thanh Xuân), Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm), Hồ Gươm Plaza (đường Trần Phú, quận Hà Đông), Chung cư Mipec Riverside (quận Long Biên), Chung cư Helios Tower (75 Tam Trinh, quận Hoàng Mai)…

Các vấn đề tranh chấp tập trung vào những nội dung như bàn giao nhà không đúng tiến độ, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, tranh chấp phần diện tích chung - riêng, cách đo diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, thay đổi thiết kế…

Theo các chuyên gia, dù có những yếu tố khách quan, nhưng những tranh chấp trên xuất phát chính từ lỗi của chủ đầu tư khi không giữ đúng lời hứa, thiếu trung thực.

Những tranh chấp trên, dù bức xúc, nhưng các khách hàng còn may mắn là đã nhận được nhà, trong khi đó, nhiều người mua sản phẩm từ các đơn vị môi giới gian dối, khách hàng còn tiền mất, tật mang.

Chẳng hạn, trong năm 2017, hàng loạt khách hàng đã gửi đơn tố cáo nhóm Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát và Công cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát, bởi nhóm công ty này đổi tên dự án và đổi tên chủ đầu tư rồi chào bán ra thị trường. Thậm chí, nhóm công ty này còn tự ý thay đổi quy hoạch 1/500, vẽ thêm tiện ích, hạ tầng để lừa người ta.

Đặc biệt, theo phản ánh của khách hàng, khi phát hiện mình bị lừa, nhiều khách hàng tìm đến trụ sở của Công ty Kim Phát tại địa chỉ 246 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 (TP.HCM) để đòi lại tiền đặt cọc, thì lãnh đạo công ty này cho nhân viên hăm dọa, uy hiếp, thậm chí còn hành hung khách hàng…

Hay cuối năm 2017, dù chưa được giao làm chủ đầu tư, nhưng Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc đã tự nhận là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3 để thu tiền đặt chỗ của khách hàng…

Đạo đức cần phải trước luật

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, đa số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM đều có trách niệm, có tâm, văn hoá doanh nghiệp, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, phục vụ người nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, cũng có nhiều doanh nghiệp môi giới uy tín, đã góp phần quan trọng trong kết nối chủ đầu tư với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị khiếu nại, tố cáo, hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường.

Đứng về góc độ pháp lý, luật sư Trương Thị Hoà, Phó chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay, có nhiều điều luật quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi có thêm quy định xử lý hình sự pháp nhân, trong đó có pháp nhân thương mại.

“Điều này có nghĩa, hành vi lừa dối, gian lận trong kinh doanh bất động sản sẽ bị xử lý hình sự”, bà Hòa nói.

Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ nghiêm các luật định của pháp luật, doanh nghiệp cần phải xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh, phải đặt đạo đức trước cả luật. Có như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, xã hội ổn định.

Với nhiều năm kinh doanh và cũng là một chủ đầu tư uy tín trên thị trường, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp chia sẻ, là người kinh doanh phải coi trọng tài sản của khách hàng như tài sản của mình, nhất là với nhiều người ngôi nhà là tài sản cả đời tích cóp…

“Để xây dựng được một thương hiệu như ngày hôm nay, tôi đã phải sang Nhật Bản học rất nhiều. Ở đó, họ dạy tôi từ cách quét rác cho đến việc pha trà đạo, đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh. Điều đó đã khai sáng và là nền tảng cho tôi trong việc kinh doanh của mình”, bà Mẫu nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan