Chủ nhân căn hộ bị thương do kính cường lực trong nhà tắm nổ. Ảnh: Nguyễn Thành

Chủ nhân căn hộ bị thương do kính cường lực trong nhà tắm nổ. Ảnh: Nguyễn Thành

Kính cường lực vì đâu bất ngờ vỡ?

(ĐTCK) Những vụ kính cường lực tự dưng phát nổ gần đây đã khiến cho nhiều người bày tỏ sự lo ngại trước sự an toàn của sản phẩm này.

Lý do gây nổ

Do có độ bền lớn, có khả năng cách âm, cách nhiệt, an toàn (khi vỡ tạo thành những hạt dạng tròn, không có cạnh sắc) và có tính thẩm mỹ cao, nên kính được sử dụng rất phổ biến từ nhà ở, văn phòng, cho đến các công trình kiến trúc khác.

Trong các tòa chung cư, kính cường lực hiện được sử dụng phổ biến ở phòng tắm, ban công, cầu thang, phòng khách để tạo cảm giác thoáng, rộng cho không gian. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện một số trường hợp kính cường lực bị nổ.

Chẳng hạn, tại Chung cư Mipec Riverside (quận Long Biên, Hà Nội), chị Lưu Ngọc Thúy, sống tại căn A1610 cho biết, kính cường lực trong phòng tắm căn hộ của chị bất ngỡ bị vỡ tan giữa đêm.

“May là đang đêm chứ không lại có người bị thương... Chỉ sợ còn những tấm khác, cũng không biết nó nổ lúc nào…”, chị Thúy lo lắng.

Trường hợp nổ kính khi không có người sử dụng như gia đình chị Thúy vẫn còn may mắn. Có trường hợp, chủ nhà đang sử dụng nhà tắm thì kính nổ và găm vào người phải đi bệnh viện cđể gắp dị vật ra khỏi cơ thể. Điều này đã gây ra mối lo cho không ít hộ dân, đặc biệt các cư dân chung cư, khi tần suất xuất hiện của kính cường lực trong căn hộ là không nhỏ.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân khiến kính cường lực bị nổ là do lỗi lắp đặt (vặn quá chặt hoặc thiếu gioăng đệm để lắp bản lề khiến kính bị kim loại hoặc vật liệu cứng tì mạnh vào gây vỡ, hoặc không tuân thủ đúng quy định về khe giãn nở của vật liệu…). Ngoài ra, tỷ lệ tự phát nổ cũng có, nhưng rất rất nhỏ, nên mọi người không nên quá lo lắng. Điều này xảy ra có thể do lỗi của nhà sản xuất khi không kiểm soát tốt Niken Sunfua (NiS) có trong kính.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện một công ty sản xuất kính cho biết, trong quá trình sản xuất kính, có các hạt NiS còn xót lại, ở nhiệt độ bình thường và kính chưa ủ (chưa cường lực) thì không gây nổ. Sau khi trải qua quá trình cường lực cho kính mà vẫn còn xót lại những hạt NiS, thì khi có sự thay đổi về nhiệt độ sẽ dẫn đến việc các hạt NiS giãn nở, có thể gây nổ kính.

Như vậy, việc kính cường lực tự phát nổ là hoàn toàn có thể xảy ra mà không cần ngoại lực tác động. Tuy nhiên, với các đơn vị sản xuất kính cường lực có quy trình sản xuất chặt chẽ, việc kiểm soát chất lượng kính được giám sát bởi quy trình kiểm tra, thử nghiệm nghiêm ngặt, thì có thể kiểm soát được tình trạng này.

“Trong quy trình sản xuất kính của các đơn vị, nếu đơn vị nào kiểm soát tốt về phôi kính, tránh hạt NiS còn sót lại thì có thể đảm bảo được độ bền của kính. Với công ty chúng tôi, sau quá trình cường lực cho kính, chúng tôi ủ nhiệt độ theo quy trình rất chặt chẽ, tấm nào còn sót hạt NiS thì sẽ nổ ngay trong quá trình kiểm tra và bị loại bỏ. Những tấm còn sót lại sẽ không có khả năng tự nổ nữa”, một đại diện Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu cho biết.

Bảo vệ cách nào?

Mặc dù tỷ lệ kính tự phát nổ là rất nhỏ, nhưng ít nhiều đã gây tâm lý bất an cho người sử dụng. Nhiều hộ gia đình đã lựa chọn sử dụng vật liệu thay thế, như thay thế kính cường lực trong nhà tắm bằng các loại rèm. Tuy nhiên, ở nhiều vị trí trong căn hộ, việc thay thế kính cường lực bằng vật liệu khác hầu như không khả thi do không đảm bảo tính mỹ quan, công năng sử dụng.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, cách tối ưu để loại bỏ mối lo kính nổ là dán hai tấm kính cường lực vào nhau để tăng độ bền, hoặc dán thêm lớp film, decan bảo vệ ngoài mặt kính. Như vậy, nếu kính có nổ thì các hạt thủy tinh cũng sẽ bị giữ lại và không gây thương tích cho người sử dụng. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chi phí dán film, decan cũng khá hợp lý, chỉ khoảng 60.000 đồng/m2.

Như vậy, trước khi có được những vật liệu thay thế vừa an toàn, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng, người tiêu dùng có thể lựa chọn giải pháp này để yên tâm hơn khi dùng kính cường lực. 

Kính cường lực được sản xuất theo phương pháp gia cường dao động. Kính được gia nhiệt đến điểm biến dạng ở nhiệt độ cao (khoảng 620 độ C), sau đó làm nguội nhanh chóng, điều này khiến phần bên trong của kính được ép căng, còn bề mặt bên ngoài sẽ được nén lại tạo khả năng chịu lực cho kính, cao gấp 4 - 5 lần so với kính thường. Về mặt trực quan, một người có thể cầm chày gỗ đập vào bề mặt kính có độ dày 12 - 19 mm gần như không thể vỡ. Kính có các độ dày cơ bản là 5 mm, 8 mm, 10 mm, 12 mm, 15 mm, 19 mm và 25 mm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan