Nhiều khách hàng mua nhà liền kề, biệt thự tại Dự án Khu đô thị Dương Nội lo sợ lô đất mình đã mua bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng.  Ảnh: Dũng Minh

Nhiều khách hàng mua nhà liền kề, biệt thự tại Dự án Khu đô thị Dương Nội lo sợ lô đất mình đã mua bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Khách hàng và doanh nghiệp địa ốc bất an với thông tin dự án thế chấp

(ĐTCK) Giống như thị trường bất động sản TP. HCM tuần trước đó, các doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà tại Hà Nội tuần qua cũng đứng ngồi không yên với danh sách các dự án đang được thế chấp tại ngân hàng vừa được Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội công bố.

Khách hàng hoang mang

Trong danh sách 34 dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng mới được Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội công bố, có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh đia ốc, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Cụ thể, Tập đoàn Nam Cường trước năm 2011 từng bán rất nhiều sản phẩm đất nền và chung cư tại Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông). Tuy nhiên mấy năm qua, gần như doanh nghiệp này không tự triển khai xây dựng tại dự án này, mà chuyển nhượng từng phần dự án cho các đối tác khác triển khai.

Thế nhưng, trong danh sách doanh nghiệp cầm cố quyền sử dụng đất tại ngân hàng, Nam Cường vẫn có tên khi cầm cố quyền sử dụng đất của hàng loạt thửa đất, lô đất tại Khu đô thị Dương Nội.

Thông tin này khiến nhiều khách hàng mua nhà liền kề, biệt thự tại Dự án Khu đô thị Dương Nội trong mấy ngày qua đứng ngồi không yên, vì lo ngại lô đất mình đã mua bị chủ đầu tư thế chấp.

Có tên trong danh sách dự án thế chấp ngân hàng còn có Dự án Khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông). Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án này tỏ ra không đồng tình với cách công bố thông tin không đầy đủ của cơ quan chức năng, khiến nhiều khách hàng hoang mang, ảnh hưởng đến dự án và doanh nghiệp.

Đại diện chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Phú Lương cho biết, sau khi thông tin Dự án Khu đô thị Phú Lương đang bị thế chấp tại ngân hàng được công bố và được các phương tiện truyền thông đăng tải, có rất nhiều khách hàng đã gọi điện, liên hệ với chủ đầu tư để tìm hiểu về việc dự án bị thế chấp và rủi ro khi mua sản phẩm tại dự án.

Theo đại diện này, việc chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất tại dự án là bình thường. Phía ngân hàng trước khi thế chấp đã rà soát tài sản đảm bảo rất thận trọng, khó có chuyện doanh nghiệp thế chấp được dự án đã bán cho khách hàng. Vì thế, vị này cho rằng, mặc dù có tên trong danh sách dự án thế chấp ngân hàng, nhưng khách mua nhà vẫn được đảm bảo quyền lợi. Vấn đề hiện nay, theo vị này là việc công bố thông tin của cơ quan chức năng cần rõ ràng và đầy đủ hơn, để tránh gây hoang mang cho khách hàng.

Khi được hỏi về dự án có tên trong danh sách, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) cho biết, tất cả diện tích đất thế chấp (đã được liệt kê) hiện thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư, trong đó đa phần là các lô Geleximco chưa bán được, một số lô Geleximco đã ký hợp đồng vay vốn với khách hàng từ năm 2010, nhưng do thị trường xuống, khách hàng chưa đến đóng tiền để triển khai xây dựng, nên chưa đủ điều kiện ra hợp đồng mua
bán và xin làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng.

“Với thực tế hiện nay, chủ đầu tư rất mong các khách hàng hợp tác, sớm đến đóng thêm tiền để đủ điều kiện chuyển sang hợp đồng mua nhà và chủ đầu tư có thể tiến hành thủ tục xin cấp sổ đỏ cho khách hàng (giải chấp). Geleximco cam kết quyền lợi của các khách hàng có hợp tác với Tập đoàn luôn được đảm bảo, thực tế từ trước đến nay các khách hàng luôn được đảm bảo quyền lợi”, đại diện Geleximco cho biết. 

Doanh nghiệp gặp khó

Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, trong danh sách dự án bị chủ đầu tư cầm cố tại ngân hàng, có hàng loạt dự án đã hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Chẳng hạn, mới đây, Dự án Dolphin Plaza tại 28 Trần Bình, quận Nam Từ Liêm của Công ty cổ phần TID đã được bàn giao từ hơn 1 năm nay, bất ngờ được công bố đang thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai khiến người mua nhà tại dự án này giật mình.

Mặc dù chủ đầu tư sau đó lên tiếng khẳng định “không ảnh hưởng” đến quyền lợi khách hàng, nhưng người mua nhà không khỏi hoang mang, bởi thông tin này khách hàng chỉ được biết khi cơ quan chức năng công bố.

Ngoài Dolphin Plaza, hàng loạt dự án khác, như Tổ hợp Home City Trung Kính của Văn Phú Invest…, khách hàng cũng giật mình vì đến khi dự án sắp hoàn thiện, mới biết dự án đã bị thế chấp tại ngân hàng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một đại diện chủ đầu tư có dự án thế chấp vừa được Sở Tài Nguyên và Môi trường công bố khẳng định, việc thế chấp dự án là một thực tế khá phổ biến và nếu có, quyền lợi của khách hàng mua nhà vẫn được chủ đầu tư đảm bảo.

Thế nhưng, việc công bố danh sách dự án bị thế chấp tại ngân hàng một cách chưa đầy đủ vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có dự án đang trong giai đoạn mở bán.

Ngoài các dự án đã và sắp hoàn thành như trên, trong danh sách dự án "cắm" ngân hàng vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố còn có nhiều dự án đang trong giai đoạn triển khai và bán hàng ra ngoài thị trường.

Chẳng hạn, Dự án Bright City (huyện Hoài Đức) của Công ty Bánh kẹo Thăng Long; Dự án 265 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) của CTCP Hóa chất và Vật tư khoa học kỹ thuật; Dự án Mai Trang Tower 16 Phạm Hùng của Công ty TNHH Mai Trang…

Một đại diện đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội khẳng định, tất cả các dự án đang mở bán có tên trong danh sách thế chấp ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc mở bán sau này, bởi khách hàng sẽ cảnh giác hơn trước khi mua nhà, thậm chí trì hoãn hẳn kế hoạch mua nhà tại các dự án này vì lo ngại rủi ro.

Liên quan đến hoạt động thế chấp dự án tại ngân hàng ở Hà Nội, nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, danh sách không chỉ dừng lại ở 34 dự án vừa được công bố. Việc tiếp tục công khai dự án thế chấp là việc nên làm, bởi qua đó, khách hàng mới đánh giá được chính xác hiện trạng của những dự án họ sẽ bỏ ra tiền để mua nhà.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan