IoT đang khiến mọi người vừa phấn khích, vừa tò mò

IoT đang khiến mọi người vừa phấn khích, vừa tò mò

IoT sẽ tạo ra cuộc cách mạng nhà ở

(ĐTCK) Dù cuộc chơi mới bắt đầu, nhưng Internet vạn vật (IoT) đang thu hút sự chú ý của nhiều chủ đầu tư bất động sản khi “nhà thông minh” đang là từ khóa truyền thông đầy hấp dẫn.

Cuộc chơi mới với nhiều hào hứng…

Báo cáo mới đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hiện chính phủ các nước đang tích cực sử dụng IoT để phục vụ công dân của mình tốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp phải những rào cản nhất định, như còn ít sáng kiến vượt qua khỏi giai đoạn thí điểm, mô hình kinh doanh chưa phát triển đủ mức để duy trì hạ tầng IoT lâu dài…

Thực tế, IoT đã tạo nên hiệu ứng tìm kiếm thông tin và vô số sự tô vẽ về sự “nhiệm màu” của công nghệ. Tuy nhiên, theo nhận định của nhóm nghiên cứu, phần lớn các dự án thí điểm thường chỉ tập trung ở một số ý tưởng khá giống nhau, như hệ thống đèn đường thông minh, quản lý giao thông/vận tải, xử lý rác thải rắn, an ninh công cộng liên quan đến giám sát an ninh, các hệ thống năng lượng thông minh…, Trong khi trên thực tế, việc triển khai IoT hiện vẫn chưa tương xứng với những gì được kỳ vọng.

Nhận định về những tác động của IoT, ông Prasanna Lal Das, chuyên gia WB cho biết, mọi ngóc ngách trong cuộc sống đều đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ công nghệ. Các chính phủ, doanh nghiệp đều hiểu được điều này. IoT là công nghệ để tạo ra các công nghệ khác. Vì vậy, các chính phủ, doanh nghiệp cần có cái nhìn cởi mở và có cách ứng phó với IoT một cách chủ động hơn.

Còn theo ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển và chưa hưởng lợi nhiều từ cách mạng 4.0, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta triển khai các hoạt động này mạnh mẽ hơn. IoT sẽ giúp tạo công bằng cho cuộc chơi, sẽ không còn quá quan trọng với mô hình doanh nghiệp, dù là lớn hay nhỏ. Điều đáng mừng là các bộ phận trong xã hội đều có nhận biết tích cực về IoT.

…nhưng còn nhiều thách thức

Với IoT, các đô thị hay dự án bất động sản, nhà ở sẽ có được ứng dụng mạnh mẽ, tạo nên những đổi thay to lớn. Theo các chuyên gia, thương hiệu đô thị thông minh đang là một động lực chính cho các chương trình IoT được triển khai và ứng dụng. Ở các quốc gia như Đức, Estonia, Anh…, IoT được tích hợp vào hệ thống quan trắc năng lượng thông minh tại các thành phố. Còn ở Kazakhstan, IoT được tích hợp để kiểm tra, theo dõi đường sắt từ xa.

 IoT đã manh nha được áp dụng trên thị trường bất động sản...

Hiệu quả của việc triển khai IoT cũng đã dược kiểm chứng. Tại Astana, Kazakhstan, nhờ việc triển khai lắp đặt thiết bị cảm biến kiểm soát nhiên liệu trên xe chở rác, đã tiết giảm được đáng kể chi phí cho thành phố và tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải phòng chống hiệu quả nạn trộm, cắp xăng dầu.

Theo ông Prasanna Lal Das, một trong những rào cản với các đô thị khi triển khai IoT là những hạn chế về hạ tầng, kể cả với những nước phát triển như Đức, Canada. Để thực hiện IoT, đòi hỏi phải tư duy vượt ngoài các tư duy về kỹ thuật đơn thuần. Thực tế cho thấy, có dự án chiếu sáng thông minh chỉ có thể làm được ở quy mô 3 khu phố, chứ không thể nhân rộng. Với IoT, việc làm thử nghiệm thành công không khó, nhưng nhân rộng quy mô thì rất khó.

Tại Việt Nam, theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ công nghệ Thông tin (Bộ thông tin và Truyền thông), chúng ta đang trong quá trình hội nhập được tiếp cận với nhiều công nghệ mới. Câu hỏi đặt ra là chúng ta tiếp cận, thẩm thấu, làm chủ công nghệ như thế nào để mang lại lợi ích.

“Để đưa IoT vào Việt Nam, nên nhìn vào kinh nghiệm của quốc tế. Chúng ta cần vượt qua được những rào cản về hạ tầng, về nền tảng, vấn đề về chuẩn…”, ông Khả nói và cho biết, hạ tầng như chất lượng hệ thống mạng, đường truyền cần được nâng cấp; về nền tảng, cần phát triển nhiều sản phẩm với sản phẩm sau rẻ hơn sản phẩm trước. Còn vấn đề về chuẩn, phải tích hợp các công nghệ với nhau, từ các nhà sản xuất, các ứng dụng riêng biệt để có thể kết hợp làm một.

 ... tuy nhiên, đó sẽ là xu hướng của tương lai

Theo các chuyên gia, ngoài các yếu tố như hạ tầng, nền tảng, vấn đề về chuẩn dữ liệu, môi trường cũng có vai trò quan trọng. Nếu môi trường của IoT chưa đạt tới độ chính muồi để thì rất khó để đưa ra giải pháp có tính hiệu quả. Có trường hợp thử nghiệm không thành công vì độ chính chung của thị trường chưa đủ, chứ không phải năng lực doanh nghiệp Việt Nam kém.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ DTT cho biết, giai đoạn này, cả Việt Nam và thế giới vẫn đang thử nghiệm. Một ứng dụng khá điển hình là nhà thông minh.

“Trên những trải nghiệm của tôi, tôi nghĩ rằng, những gì về sử dụng cá nhân (có ứng dụng IoT) thì Việt Nam không thua kém gì nước ngoài. Đơn cử như smartphone, smartwatch, hay các ổ khóa thông minh cho các căn hộ cũng vậy, giờ rất phổ biến.

Tuy nhiên, với các hệ thống lớn hơn, cần sự đảm bảo tính bền vững của môi trường, của một hệ thống bất động sản chẳng hạn, thì chúng ta hầu như chưa có những hoạt động đáng kể, dù đây là lĩnh vực có thể ứng dụng IoT rất nhiều”, ông Trung đánh giá.

Cũng theo ông Trung, với IoT, lĩnh vực bất động sản có thể triển khai rất nhiều hạng mục. Chẳng hạn, có thể đó một khu đô thị nào đó có chỉ số môi trường ra sao, nước thải, nước sạch như thế nào? Có thể kiểm soát việc dùng điện, nước thế nào để hướng đến phát triển bền vững của khu đô thị, thậm chí cả thành phố, hay lớn hơn là cả đất nước. Tuy nhiên, những ứng dụng quy mô lớn như vậy thì ở Việt Nam chưa triển khai và còn thua kém các nước.

Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp là đối tượng đưa ra lời giải tốt nhất cho chuyển đổi số, vì họ có bài toán kinh doanh, sẽ xem xét giải pháp có phù hợp hay không, hiệu quả hay không mới bỏ tiền đầu tư. Vì vậy, nếu có nhiều doanh nghiệp đi vào chuyển đổi số nhanh, thì đất nước sẽ được hưởng lợi.

“Chúng ta cần đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với IoT, vì hiện Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động, dân số trẻ. Việc triển khai các công nghệ mở sẽ mang lại hiệu quả to lớn và có thể tích hợp với thế giới”, ông Trung đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Trung tâm IoT, VNPT cho biết: “Chúng tôi thiết kế các ứng dụng dạng mở và mong muốn kết hợp cùng các nhà phát triển ứng dụng, để xây dựng nên hệ sinh thái các thiết bị được kết nối (có dây, không dây hay kiểu kết nối khác). Chẳng hạn,với smarthome, khách hàng có thể lựa chọn các nhà sản xuất ứng dụng, sản xuất thiệt bị khác nhau, nhưng vẫn có thể tích hợp thành một”.

Còn theo ông Khả, để thành công với IoT, điều không thể thiếu là sự nghiêm túc, kiên trì.

“Tôi muốn nhấn mạnh, để có thể một công nghệ mới vào Việt Nam, chúng ta phải làm với tất cả chất lượng và sự kiên trì. Nhận thức phải từ cấp lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp đến người hưởng thụ sản phẩm. Doanh nghiệp thì thuận hơn, vì nhìn thấy lợi ích sẽ đầu tư, nhưng việc đầu tư cũng cần sự dũng cảm, vì có khi phải thay đổi mô hình, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Điều này cũng gay cấn và mạo hiểm tương tự như việc rắn lột xác”, ông Khả nhấn mạnh và kiến nghị, Chính phủ phải đảm bảo các điều kiện tốt về hạ tầng, pháp lý cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp kịp lớn mạnh trước khi bị cạnh tranh, thậm chí bị tiêu diệt bởi các đối thủ ngoại. Có vậy, ngành IoT Việt Nam mới thực sự phát triển.    

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan