Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hứa rồi thất hứa

(ĐTCK) Để khách hàng tin tưởng xuống tiền mua căn hộ, nhiều đơn vị phân phối và chủ đầu tư, ngoài việc đưa ra  “đòn bẩy tài chính”, còn kèm theo những lời hứa rất cụ thể về tiến độ, chất lượng sản phẩm...

Tuy nhiên, bên cạnh phần đông “nói được, làm được”, thì vẫn có những dự án cam kết theo kiểu “trăm voi không được bát nước xáo"!

Đầu năm 2012, khi thị trường bất động sản chìm vào suy thoái, một số khách hàng rục rịch đòi tiền mua nhà đã nộp tại nhiều dự án, thì tại Dự án Deawoo Cleve, quận Hà Đông, người mua vẫn đổ xô đến đóng tiền.

Lý do đầu tiên nhiều người mua nhà tại dự án này, theo một số khách hàng chia sẻ với Đầu tư Bất động sản là vì họ tin rằng, một chủ đầu tư nước ngoài, tiềm lực tài chính lớn, nên không thể chây ỳ tiến độ như nhiều chủ đầu tư trong nước.

Lý do thứ hai là vì chủ đầu tư  “hứa” rằng, khách hàng chỉ cần đóng tiền đợt đầu. Các đợt sau, chủ đầu tư sẽ “ứng tiền” túi cho khách hàng vay, với lãi suất 12%/năm, khi lãi suất thực tế trên thị trường khi ấy lên tới 16 - 19%/năm, thậm chí cao hơn.

Được quá nhiều cái lợi, nên đã có hàng trăm khách mua nhà, nộp hàng chục tỷ đồng cho chủ đầu tư. Thế nhưng, dự án chỉ được xây đến phần đế đã bị “đắp chiếu”.

Những lời hứa tái khởi động dự án của chủ đầu tư này cũng bay theo gió, khi hạn bàn giao nhà quý IV/2014 qua cả năm nay và hiện dự án vẫn bị bỏ hoang. Trong khi đó, hàng chục khách hàng nhiều năm qua vất vả đòi rút vốn cũng không được chủ đầu tư chuyển trả.

Việc đưa ra những “mồi nhử” hấp dẫn rồi sau đó thất hứa tại Dự án Deawoo Cleve không phải là câu chuyện hy hữu. Bởi khi thị trường địa ốc khó khăn, việc đưa ra những chiêu trò hay “đòn bẩy tài chính” (thực tế chỉ là cái bẫy) làm mồi nhử để khách hàng xuống tiền là câu chuyện rất phổ biến, như tại Dự án Usilk City của chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long, hay Dự án Tricon Tower của CTCP Đầu tư Minh Việt.

Cụ thể, Sông Đà Thăng Long từng hứa tặng khách mua nhà hàng chục mét vuông sàn thương mại, nếu khách hàng chấp nhận nộp 100% tiền mua nhà, trong khi Công ty Minh Việt “chiết khấu” hàng chục nghìn USD cho khách hàng chịu trả phần lớn tiền mua nhà.

Tuy nhiên, sau khi “đánh quả”, thu phần lớn tiền của khách, các doanh nghiệp này “đắp chiếu” dự án, hoặc bỏ trốn ra nước ngoài, khiến khách hàng không thể đòi được tiền lẫn nhà.

Hiện nay, khi thị trường bất động sản hồi phục, các doanh nghiệp lại đua nhau làm dự án cao cấp để tối ưu hóa lợi nhuận. Vì thế, chỉ sau chưa đầy 2 năm, thị trường căn hộ cao cấp Hà Nội đã chịu áp lực nguồn cung rất lớn. Việc bán sản phẩm với nhiều dự án vì thế, bắt đầu xuất hiện những khó khăn.

Và để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những lời hứa gây sốc. Cụ thể, trong đợt mở bán căn hộ Dự án Hanoi Landmark 51, quận Hà Đông mới đây, Sàn Bất động sản Hoàng Vương đưa ra cam kết sẽ mua lại căn hộ của khách hàng sau 6 tháng ký hợp đồng, với mức giá đã mua cộng thêm mức lãi suất lên đến 15%/năm.

Việc đưa ra cam kết lạ trên có thể thu hút nhiều khách hàng. Và cũng chưa thể khẳng định, Sàn Hoàng Vương đang cho khách hàng “ăn bánh vẽ”, bởi mọi chuyện vẫn còn ở thì tương lai. Tuy nhiên, phản hồi với đường dây nóng Đầu tư Bất động sản, nhiều người tỏ rõ sự băn khoăn.

Băn khoăn bởi theo họ, Sàn Hoàng Vương trước đó cũng có những lùm xùm khi bị tố đã phân phối đất nền, thu phần lớn tiền của khách mua nhà tại một dự án tại huyện Mê Linh, nhưng sau đó, dự án “đắp chiếu”, nhiều khách hàng ròng rã nhiều năm theo đuổi đòi tiền, đòi nhà, nhưng không được đáp ứng.

Giải đáp những băn khoăn này là trách nhiệm, cũng là quyền lợi của đơn vị phân phối nếu muốn khách hàng yên tâm sở hữu sản phẩm của các đơn vị này mở bán.                                           

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan