Sông Đà Thăng Long và Hải Phát Thủ đô được cho là “tiền trảm, hậu tấu” trong thương vụ chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City. Ảnh: Dũng Minh

Sông Đà Thăng Long và Hải Phát Thủ đô được cho là “tiền trảm, hậu tấu” trong thương vụ chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City. Ảnh: Dũng Minh

HPC Landmark 105: Dấu hỏi từ kết luận của Thanh tra Hà Nội

(ĐTCK) Tòa CT2-105 Usilk City (HPC Landmark 105) đã chính thức về tay Hải Phát sau văn bản chấp thuận cho chuyển nhượng của UBND TP. Hà Nội.  Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần xem tại dự án này, nhất là khi kết quả thanh tra toàn diện dự án Usilk City từ cách đây hơn 1 năm vẫn chưa được công bố.

Kết quả thanh tra này sẽ làm rõ và giải đáp nhiều vấn đề về quá trình huy động vốn của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Usilk City, quận Hà Đông, Hà Nội).

Trước đó, trong giai đoạn 2008 - 2016, Sông Đà Thăng Long đã huy động vốn cho dự án Usilk City thông qua nhiều hình thức như thu tiền từ hợp đồng mua bán của gần 1.700 khách hàng, huy động tiền từ hợp đồng hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp khác, cùng với việc thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng, phát hành trái phiếu…

Tuy nhiên, số tiền huy động để triển khai dự án Usilk City đã bị Sông Đà Thăng Long sử dụng không đúng mục đích. Kết quả khiến dự án bị chậm tiến độ và đắp chiếu hàng năm trời, vi phạm quyền lợi của nhiều khách hàng đã nộp tiền mua căn hộ tại dự án, trong đó có nhiều khách hàng đã nộp đủ tiền.

Trước việc tiền đã nộp nhưng nhà không được nhận, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Usilk City liên tục gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội tố cáo chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long có các dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Với thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã vào cuộc và cách đây hơn một năm, cơ quan này kết luận: “Do Usilk City là dự án có quy mô đầu tư lớn, chủ đầu tư cũng đã bán và thu một lượng tiền rất lớn của khách hàng, vì vậy, mức độ ảnh hưởng của dự án với xã hội là nghiêm trọng nếu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long không hoàn thành dự án”.

Sau đó, UBND TP.Hà Nội ra yêu cầu Thanh tra Thành phố sẽ có trách nhiệm tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án Usilk City.

Tuy nhiên, hiện trạng của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long rất bết bát, gần như không đủ lực để tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính 2015, tính đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế của Sông Đà Thăng Long lên tới 2.384 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm khoảng 2.205 tỷ đồng, nợ các tổ chức tín dụng, cá nhân (bao gồm nợ ngắn hạn, dài hạn) là 3.042 tỷ đồng và được xếp vào nhóm nợ rất xấu (4,5). Ngoài ra, Sông Đà Thăng long cũng chịu khoản lãi và phạt trả chậm ở một số tổ chức tín dụng lên tới hàng trăm tỷ đồng…

Ngoài việc chờ đợi những thông tin liên quan đến việc thanh tra huy động và sử dụng vốn của Sông Đà Thăng Long được công bố, người mua nhà tại dự án cũng chờ đợi kết quả thanh tra quá trình chuyển nhượng tòa 105 CT2 Usilk City từ Sông Đà Thăng Long sang Công ty cổ phần Hải Phát Thủ đô.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngày 14/10/2015, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long và Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án Usilk City (Tòa 105 CT2). Tuy nhiên, khó hiểu ở chỗ, sau thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng 10 ngày (tức ngày 24/10/2015), Sông Đà Thăng Long và Hải Phát Thủ đô mới tổ chức lấy ý kiến của khách hàng có liên quan về việc chuyển nhượng tòa 105 CT2.

Đến ngày 2/11/2015, Hải Phát Thủ đô và Sông Đà Thăng Long mới gửi hồ sơ lên Sở Xây dựng Hà Nội để làm thủ tục phê duyệt của UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi chủ đầu tư Dự án.

Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 48 về Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định rõ, nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, hai đơn vị này đã "tiền trảm, hậu tấu" trong thương vụ trên và thông tin này được cho là đã đưa vào Kết luật Thanh tra.

Thêm vào đó, theo phản ánh của người mua nhà, họ cũng trông chờ việc kết luận của Thanh tra Hà Nội về thông tin 100% khách hàng đã đồng ý với việc chuyển nhượng tại dự án.

Bởi theo thông tin Báo Đầu tư Bất động sản ghi nhận được từ một khách hàng mua nhà tại tòa CT2-105, thì tại hội nghị hôm đó (ngày 24/10/2015) mới chỉ có phân nửa chủ căn hộ trên tổng số 352 căn mà Sông Đà Thăng Long đã bán trước khi chuyển nhượng dự án CT2-105 cho Hải Phát Thủ đô đồng ý chuyển nhượng dự án.

Không phủ nhận, luật không đưa ra quy định phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến các khách hàng mới được chuyển nhượng dự án, nhưng quy định lại nêu rõ, dự án chỉ được chuyển nhượng khi không còn tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều này có nghĩa, nếu các khách hàng còn lại (từ những người đã đồng ý) không đồng ý với việc thanh lý hợp đồng và không đồng ý với thỏa thuận mới của Hải Phát Thủ đô và kiện ra tòa, thì quyết định chuyển nhượng tòa CT 2-105 có khả năng sẽ bị vô hiệu.

Ghi nhận trên một số trang rao vặt bất động sản, sau khi được UBND TP. Hà Nội chấp nhận chuyển đổi chủ đầu tư mới và đổi tên thành HPC Landmark 105, đã có nhiều người chào bán căn hộ tại dự án này với mức giá dao động từ 19,5 - 21 triệu đồng/m2.

Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu nội tình của thương vụ chuyển nhượng giữa Hải Phát Thủ đô và Sông Đà Thăng Long trong những bài tiếp theo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan