Việc huy động vốn triển khai Dự án Hanoi Landmark 51 của Sông Đà 1.01 có nhiều điểm cần làm rõ

Việc huy động vốn triển khai Dự án Hanoi Landmark 51 của Sông Đà 1.01 có nhiều điểm cần làm rõ

Hợp tác đồng chủ đầu tư dự án và nỗi lo “cha chung không ai khóc”

(ĐTCK) Qua hình thức hợp tác đầu tư, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) trở thành bên đi huy động vốn cho dự án Vinafor Hà Đông (Hanoi Landmark 51). Tuy nhiên, việc huy động vốn này cần làm rõ một số điểm.

Theo Nghị quyết 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/4/2015, SJC thông qua phát hành trái phiếu, vay vốn và bảo lãnh ngân hàng 400 tỷ đồng để phục vụ cho dự án Hà Nội Landmark 51.

Trong quá trình thực hiện dự án, SJC đã ký Hợp đồng vay số 468/2014/Songda1.01/HĐTD/PVB-40 vào tháng 8/2014, hạn mức tín dụng là 600 tỷ đồng với một ngân hàng, lãi suất cho vay bằng lãi suất tham chiếu cộng lãi suất biên tại thời điểm giải ngân, thời hạn rút vốn tối đa 31/7/2017. Mục đích vay phục vụ dự án tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (khu đất do Tổng công ty Lâm nghiệp - Vinafor quản lý).

Tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất của dự án Vinafor; tài sản hình thành trong tương lai trên đất là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor; nguồn thu từ dự án của Vinafor; 4 sàn thương mại tòa nhà CT1 Văn Khê và toàn bộ các nguồn thu, tài sản hợp pháp của Công ty.

Tuy nhiên, vào thời điểm SJC tiến hành thế chấp tài sản đảm bảo, Vinafor vẫn chưa tiến hành cổ phần hóa. Theo Quyết định số 933/1997/QĐ-TTg ngày 4/11/1997, Vinafor được xếp hạng là doanh nghiệp “Nhà nước hạng đặc biệt”. Ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2360/TTg-ĐMDN đồng ý chủ trương cổ phần hóa Vinafor.

Đến ngày 29/10/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển mới ban hành Quyết định số 4691/QĐ-BNN-QLDN về việc tiến hành cổ phần hóa đồng thời Công ty mẹ và các công ty con của Vinafor. Ngày 10/7/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2727/QĐ-BNN-QLDN sửa đổi Quyết định số 4691/QĐ-BNN-QLDN về việc tiến hành cổ phần hóa đồng thời Công ty mẹ - Vinafor và các công ty con do Vinafor sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đến ngày 3/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinafor. Ngày 1/9/2016, Vinafor chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, với việc Vinafor vào năm 2015 là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn, thì mọi hoạt động huy động vốn và thế chấp các tài sản của doanh nghiệp này sẽ phải áp dụng theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 và Thông tư 220/2013/TT-BTC (có hiệu lực năm 2014).

Theo đó, việc huy động vốn phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo khả năng thanh toán nợ và người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

Đồng thời, việc vay vốn của tổ chức kinh tế phải thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng vay lại đứng dưới tên Sông Đà 1.01 chứ không phải là Vinafor.

Do việc chủ đầu tư chỉ đứng ra bảo lãnh khoản vay, nên trong báo cáo tài chính của Vinafor không thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của bên thế chấp. Hay nói một cách khác, cơ quan nhà nước chủ quản của doanh nghiệp nhà nước và các cổ đông có thể không biết việc bảo lãnh và rủi ro này. Điều này, Vinafor chưa tuân thủ đúng theo nguyên tắc về thế chấp của doanh nghiệp, đồng thời trái với nguyên tắc quản lý và sử dụng vốn đối với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

Riêng với 4 sàn thương mại tòa nhà CT1 Văn Khê, trong báo cáo tài chính của Sông Đà 1.01 không nêu rõ đây là dự án nào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, tại Văn Khê chỉ có duy nhất dự án Khu đô thị Văn Khê (hay còn được gọi là Usilk City) do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư.

Theo nguồn tin của Đầu tư Bất động sản, toàn bộ phần tài sản hình thành trong tương lai (bao gồm cả sàn thương mại ) tại các lô đất CT1, CT2, CT3 và CT4 đã được Sông Đà Thăng Long đem thế chấp ngân hàng. Trong trường hợp tòa nhà CT1 Văn Khê mà Sông Đà 1.01 nêu ra chính là tòa CT1 Usilk City, thì việc ngân hàng trên nhận thế chấp tiếp sàn thương mại của Sông Đà 1.01 là 1 tài sản thế chấp tại 2 ngân hàng thông qua 2 pháp nhân, hậu quả là hợp đồng thế chấp với ngân hàng này bị coi là vô hiệu. Điều này dẫn đến nguy cơ ngân hàng này chịu rủi ro.

Theo đánh giá của luật sư Trần Đức Phượng, về phía người mua nhà, nếu ký hợp đồng mua phải dự án đang bị thế chấp ngân hàng, ký không đúng với chủ thể chủ đầu tư của dự án, không có bảo lãnh ngân hàng khi mở bán, thì hợp đồng vô hiệu, dẫn đến không được nhận nhà mà có nguy cơ mất trắng nếu dự án bị đổ bể, như những trường hợp đã diễn ra tại dự án PetroVietnam Landmark.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan