Dự án 584 Lilama xây xong tầng 7 năm 2013 thì chủ đầu tư bị khách hàng khiếu kiện, Sở Xây dựng TP.HCM phải đề nghị UBND Thành phố rút dự án này khỏi danh sách nhà ở xã hội

Dự án 584 Lilama xây xong tầng 7 năm 2013 thì chủ đầu tư bị khách hàng khiếu kiện, Sở Xây dựng TP.HCM phải đề nghị UBND Thành phố rút dự án này khỏi danh sách nhà ở xã hội

Hơn 500 dự án bất động sản tại TP. HCM ngừng thi công

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM hiện có 502 dự án bất động sản đang ngừng thi công và chưa khởi công, chiếm 41,18% số dự án đã được cấp phép, trong đó nhiều dự án “hấp hối” ngay từ khâu đền bù giải tỏa.

Nhiều dự án “hấp hối” xuất hiện

Theo một báo cáo mới được Sở Xây dựng TP.HCM công bố, sau một thời gian rà soát và xóa bỏ những dự án chậm triển khai do quá hạn thời gian được cấp phép, hiện tại Thành phố còn 1.219 dự án bất động sản trong thời gian đang triển khai. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, có nhiều dự án vẫn chưa biết ngày hoàn thành, vì chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án được liệt vào diện “hấp hối” của Thành phố xuất khá nhiều. Chẳng hạn tại quận Thủ Đức, hiện Dự án Căn hộ Green House (phường Linh Tây) do Công ty TCP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVL) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ giữa năm 2010. Sau khi xây dựng xong phần móng và chính thức công bố bán từ đầu năm 2011… thì dừng thi công, vì chủ đầu tư hết vốn!

Tại quận Tân Phú, Dự án 584 Lilama, khi vừa xây xong tầng 7 của công trình năm 2013 cũng đã kịp điền tên mình vào danh sách các dự án “hấp hối” vì chủ đầu tư bị khách hàng khiếu kiện, khiến Sở Xây dựng yêu cầu UBND Thành phố rút dự án này khỏi danh sách nhà ở xã hội.

Vượt lên trên Thủ Đức, với 11 dự án, Bình Chánh là huyện có nhiều dự án chậm triển khai nhất. Theo đó, Dự án Khu dân cư Sadeco - An Phú (xã An Phú Tây), Khu thương mại và dân cư tại xã An Phú Tây... đều chậm tiến độ ngay từ khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Thêm nữa là Dự án Phước Kiểng (huyện Nhà Bè, chủ đầu tư là Công ty Quốc Cường Gia Lai). Với quy mô 90 héc-ta, nhiều năm qua, công ty này cũng chỉ đền bù giải tỏa được 82% dự án, 18% còn lại không thể giả tỏa do các chủ đất không chịu di dời. Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận 100% với người dân.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, các dự án “hấp hối” được chia làm 2 loại chính. Một là, dự án chưa thể triển khai vì chủ đầu tư đã kiệt quệ vốn sau thời gian dài thị trường BĐS xuống đáy và khó tái khởi động bởi ngân hàng không chấp thuận cho vay vốn để triển khai tiếp; hai là, các dự án không thể hoàn thành đền bù giải tỏa mặt bằng.

“Chết dự án” vì đền bù giải toả

Năm 2012, Dự án Khu dân cư Nguyễn Xiển (Quận 9) của Công ty Gia Phát được chấp thuận triển khai trên diện tích hơn 24 héc-ta và tất nhiên, để thực hiện, Công ty phải tự thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án.    

HoREA đề nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường được từ 80% diện tích đất để chủ đầu tư có điều kiện thực hiện triển khai dự án.

Ông Trần Duy Trinh, Giám đốc Công ty Gia Phát cho biết, tới nay, dự án mới chỉ đền bù giải tỏa xong 80% diện tích, phần còn lại, dù Công ty “đã làm đủ mọi cách để thỏa thuận”, nhưng những hộ dân còn lại “tiếp tục trong tình trạng... quay mặt đi”.

Doanh nghiệp Bất động sản Trần Anh Long An cũng đang gặp tình trạng tương tự. Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết, năm 2013, doanh nghiệp này được tỉnh Long An chấp nhận cho thực hiện dự án nhà ở xã hội trên diện tích 48 héc-ta tại huyện Đức Hòa. Đáng lẽ, dự án phải thực hiện năm 2014, nhưng dù đã trễ gần 2 năm, tới nay Dự án vẫn vướng khâu đền bù giải tỏa.

Ông Vinh cho biết thêm, ngoài những hộ dân không đồng thuận với doanh nghiệp, ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã có khá nhiều “nhà đầu cơ thứ cấp” tới mua lại đất dự án rồi mặc cả “bán lại” cho doanh nghiệp, với mức giá cao hơn gấp gần 4 lần khung giá đền bù được áp từ trước đó. Tình trạng này đã khiến, phần thì do thấy giá bán bị hớ, các hộ đã được giải tỏa quay lại tái lấn chiếm, phần thì các hộ dân đang đàm phán đều nhất loạt tăng giá!

Theo người đứng đầu HoREA, trước tình trạng các dự án “chết vì vướng đền bù giải tỏa” như hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Theo Điều 62, Luật Đất đai 2013, "Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các dự án khu đô thị mới, nhà ở xã hội”. Vì vậy, ông Châu cho rằng, các dự án bất động sản tại TP.HCM cần được thực hiện theo phương thức nhà nước thu hồi đất.

Với lập luận trên, HoREA đề nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường được từ 80% diện tích đất để chủ đầu tư có điều kiện thực hiện triển khai dự án.

“Cùng với việc Thành phố hỗ trợ đền bù, thì giá bồi thường phần diện tích còn lại của dự án không được thấp hơn mức giá bồi thường cao nhất mà doanh nghiệp đã thực hiện trước đây, hoặc có cơ chế giao cho các cơ quan thẩm định giá độc lập để quyết định giá bồi thường”, ông Châu nói.

TS. Phạm Thái Sơn (Trường Đại học Việt – Đức) cho rằng, trước tình trạng Thành phố có quá nhiều dự án chậm, hoặc ngừng triển khai như hiện nay, UBND Thành phố và Sở Xây dựng cần siết chặt hơn công tác giám sát phát triển dự án, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất của các dự án đã được giao hoặc cho thuê.

“Thành phố cần lên kế hoạch gom và thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư cho phát triển trong những năm tới. Sở Xây dựng cũng cần công khai thông tin quy hoạch đã được duyệt, để chủ đầu tư và người dân có thể theo dõi và tiếp cận dễ dàng hơn với việc quy hoạch và tiến độ dự án”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan