Góp vốn thực hiện dự án BĐS, khi niềm tin thành “cục nợ”

Góp vốn thực hiện dự án BĐS, khi niềm tin thành “cục nợ”

Số tiền mà Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây lần chần khi trả cho khách đặt mua căn hộ The Sun Garden (89 - Phùng Hưng, Hà Đông) không nhiều, nhưng qua việc này, uy tín Công ty bị giảm sút nghiêm trọng.

Dự án tòa nhà hỗn hợp, trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại số 89 - Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) còn được biết đến với tên gọi The Sun Garden, do Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư. Năm 2012, Tổng giám đốc Công ty, bà Phạm Thị Thu Hường đã đứng ra ký hợp đồng nhận đặt cọc mua bán căn hộ với khách hàng là ông Huỳnh Tấn Quyền, trú tại B1, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đến thời điểm này, sau 4 năm nhận tiền cọc, hợp đồng mua bán căn hộ đã không được 2 bên ký kết, Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây dù đã đồng ý thanh lý hợp đồng đặt cọc, nhưng không hoàn trả tiền cọc theo cam kết. Phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần liên hệ với Ban lãnh đạo công ty này (tầng 3, tòa nhà số 7, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), nhưng nhân viên Công ty luôn báo lãnh đạo đi công tác vắng nên không thể trả lời gì thêm. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vụ việc, ông Huỳnh Tấn Quyền cho biết, đầu năm 2012, cùng với nhiều người khác, ông nhận được lời mời góp vốn vào Dự án trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại số 89 - Phùng Hưng. Hợp đồng đặt cọc số 1204/HĐĐC/2012 về việc đảm bảo ký Hợp đồng mua bán căn hộ số 1204 (diện tích 67 m2) được lập giữa ông và Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây ngày 8/6/2012 với thời hạn 6 tháng.

Sau khoảng thời gian này, 2 bên sẽ chuyển sang thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ. Mức giá căn hộ dự kiến là gần 17,5 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư cam kết không tăng giá bán căn hộ trong suốt quá trình thực hiện Dự án. Ngày 11 và 13/6/2012, ông Quyền đã nộp cho Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây số tiền 175.410.000 đồng theo thỏa thuận đặt cọc.

Tuy nhiên, Dự án sau đó đã không được Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây xây dựng theo tiến độ cam kết. Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là “còn 1 hộ dân không chịu nhận thỏa thuận đền bù để giải phóng mặt bằng”. Sau nhiều lần thương lượng, ngày 5/7/2014, Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng số 1204/TLHĐ - HĐĐC/TMHT. Khoản tiền cọc sẽ được Công ty trả lại cho ông Quyền làm 3 đợt. Đợt 1 vào ngày 9/9/2014 với số tiền là 55,4 triệu đồng; đợt 2 vào ngày 15/10/2014 với số tiền là 60 triệu đồng và đợt 3 vào ngày 18/11/2014 với số tiền 60 triệu đồng.

“Dù các nội dung này đã được 2 bên thống nhất bằng văn bản, nhưng đến tận tháng 5/2015, Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây mới trả lại cho tôi vỏn vẹn 20 triệu đồng. Từ chỗ là đối tác, nhà đầu tư của Dự án, khách mua nhà đã bị công ty này chiếm dụng vốn và trở thành chủ nợ bất đắc dĩ”, ông Quyền bức xúc.

Trao đổi về vụ việc mà chúng tôi đề cập ở trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, câu chuyện đã làm xấu đi hình ảnh của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản khi thực hiện huy động vốn, nhưng không thực hiện xây dựng dự án theo tiến độ cam kết. Trong quá khứ, nhiều chủ doanh nghiệp đã vướng vòng lao lý vì cầm tiền của khách hàng, nhà đầu tư, nhưng không thực hiện dự án.

Ở chiều người lại, đây cũng là bài học đắt giá cho những ai chuẩn bị ký vào các bản hợp đồng giao dịch địa ốc khi đã không tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về Dự án, về chủ đầu tư khi giao tài sản, tiền bạc cho một chủ đầu tư không có uy tín và kinh nghiệm triển khai thực hiện Dự án. “Người mua trước khi thực hiện đặt cọc hoặc góp vốn vào dự án, cần tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư đó là ai, lịch sử kinh doanh của công ty và cần có sự tư vấn của luật sư về hợp đồng mua bán trước khi giao tiền đặt cọc”, ông Đính khuyến cáo.

Tin bài liên quan