Nứt bê tông tường là hiện tượng xuất hiện tại nhiều công trình xây dựng. Ảnh: Lê Toàn

Nứt bê tông tường là hiện tượng xuất hiện tại nhiều công trình xây dựng. Ảnh: Lê Toàn

“Giải mã” nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng nứt bê tông

(ĐTCK) Ở các công trình xây dựng, hiện tượng nứt bê tông tường xuất hiện khá nhiều và người dân, cũng như chủ đầu tư xây dựng đang đau đầu tìm lời giải thích hiện tượng này.

“Giải mã” nguyên nhân

Bà Lê Thị Thu, số nhà 202/9 đường Quốc Lộ 13, quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, gia đình bà xây dựng căn nhà 1 trệt 2 lầu, nhưng sau thời gian sử dụng, căn nhà xuất hiện các vết nứt bê tông tường. Bà Thu bức xúc và cho rằng, lỗi do đơn vị thi công xây dựng đã làm không đúng thiết kế và bắt công ty này phải sửa chữa khắc phục sự cố…

Phía công ty xây dựng thì cho rằng, mình làm đúng thiết kế, dùng vật liệu đúng và không có chuyện làm ăn gian dối trong công thình xây dựng nhà cho bà Thu…

Giải thích hiện tượng này, ông Trần Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Xây dựng Gia Phú cho biết, hiện tượng nứt bê tông tại các công trình xây dựng xảy ra khá nhiều, không chỉ ở các công trình xây dựng nhà dân, mà ngay cả những công trình lớn như chung cư, biệt thự…, cũng xuất hiện những trường hợp này.

Theo ông Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Thứ nhất là do tác động của các yếu tố thời tiết. Yếu tố này làm cho công trình có những vết nứt nhỏ, vết nứt này không đáng lo ngại. Nguyên nhân nữa là do chủ quan của những người thi công công trình, họ không tính toán đúng kết cấu của ngôi nhà, không có kết cấu thép phù hợp, chưa đạt tiêu chuẩn về mác bê tông...

“Ngoài ra, có những yếu tố gây nên hiện tượng nứt bê tông tường, như bê tông có cường độ chịu nén cao (lớn hơn 300 kg/cm2) sẽ dễ xảy ra hiện tượng nứt. Hay nứt bê tông tập trung nhiều vào kết cấu sàn, tường bê tông có diện tích lớn.

Dùng lượng hóa chất đông cứng nhanh vượt quá định mức cho phép và thời gian tháo cốt pha càng nhanh, thì khả năng nứt sàn càng cao. Đổ bê tông lúc nhiệt độ ngoài trời cao, bảo dưỡng bê tông chưa tốt…, cũng là nguyên nhân gây nứt tường bê tông cho nhà dân”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, với những nguyên nhân trên, việc thi công công trình sau đó dẫn tới hiện tượng nứt bê tông là phổ biến và lỗi có thể không hoàn toàn thuộc về chủ thầu xây dựng. Chính vì vậy, việc người dân đổ lỗi cho công ty xây dựng có phẩn oan uổng cho họ. Đặc biệt, các công ty xây dựng luôn có thời gian 1 - 2 năm bảo hành cho công trình và chủ nhà cũng sẽ giữ lại một khoản tiền để giữ chân chủ thầu, tới thời điểm hết thời gian bảo hành thì chủ nhà sẽ thanh toán số tiền còn lại này.

Hiện tượng nứt tường nhà hay công trình xuống cấp trong thời gian 1 - 2 năm thì chủ nhà có quyền yêu cầu đơn vị thi công thực hiện khắc phục lại những sự cố này theo thỏa thuận…

Nứt tường và cách khắc phục

Bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho rằng, cách khắc phục những lỗi này không hề khó. Đơn cử như việc các vết nứt chân chim nhẹ, những vết nứt này thường chỉ nằm ở lớp vữa trát, không ăn sâu vào tường gạch...

Các viết nứt này thường do kỹ thuật tô tường, như tường khô quá vẫn tô, hồ trộn không đều, hồ tô mỏng - tối thiểu phải 1 cm, tô xong bị nắng nhiều, không dưỡng hộ đúng... Hoặc việc tô trát và sơn nước không đúng kỹ thuật, thi công sai quy trình.

“Ở các lý do trên, cần đục lớp hồ cũ dọc theo các vết nứt, xử lý kỹ, đủ ẩm và tô lại bằng vữa già xi măng, cát mịn. Nếu bị dộp, cần đục bỏ toàn bộ mảng tường để tô lại. Lớp hồ tô phải để tối thiểu 7 ngày mới cho xử lý chà, trét, sơn nước”, bà Linh cho biết.

“Giải mã” nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng nứt bê tông ảnh 1

 Nhiều công trình xây dựng dân dụng bị nứt tường do nhiều nguyên nhân

Đối với vết nứt sâu, xuyên qua tường xây, bà Linh đưa ra giải pháp là cần phải xem kỹ vết nứt bê tông ở mép tiếp giáp tường - cột do kỹ thuật thi công, đã không đặt hay đặt không đủ thép râu neo vào tường. Trường hợp này, dùng máy cắt tạo rãnh sâu, làm sạch, ẩm và phụt vữa sửa chữa loại đông cứng nhanh bán sẵn và trát lại bằng vữa trát thông thường.

Với nứt bê tông ở mép tiếp giáp tường - dạ đà, lỗi này cũng do khi thi công đã không xử lý hồ dầu và ẩm đúng, đồng thời xây không đúng quy định như xây xiên, xây bằng gạch đinh, gạch thẻ, các góc trống phải miết kỹ hồ. Hệ quả là trong quá trình đông cứng, tường và cả hồ xây, trát đều co ngót một phần làm xuất hiện vết nứt bê tông ngang. Giải pháp là có thể dùng biện pháp sửa chữa vết nứt như trên, hoặc đục hàng gạch trên cùng ra để xây lại theo đúng quy định.

Đối với nứt bê tông ở mép tiếp giáp tường - mặt trên đà thường thấy ở các tầng, lỗi này được xác định do lỗi kỹ thuật thi công. Sau khi đúc đà, sàn các tầng, trước khi xây tường, ở mặt bê tông sẽ xây phải làm thật sạch, đủ ẩm; phải có một lớp hồ dầu, miết kỹ. Nên xây trước tối thiểu là 3 hàng gạch đặc.

Ðộ cứng được chuyển dần từ đà sàn bê tông sang gạch đặc, gạch ống, sẽ hạn chế xuất hiện khe nứt. Nếu không thực hiện chuẩn, có thể có vết nứt. Cách sửa có thể bằng vữa cao cấp như đã nêu, tuy nhiên giá thành khá đắt.

Những vết nứt này chủ yếu do đà sàn bị võng. Do đó, tiết diện các cấu đà phải đủ độ cứng cần thiết và cốt thép đủ sao cho độ võng này không đáng kể. Chính những vết nứt này, ở tường ngăn khu vệ sinh, ở tường đầu hồi là chỗ dễ thấm nước, gây loang lổ.

Đối với các vết nứt bê tông ở mép cửa thường xuất hiện ở các góc trên cửa đi, bà Linh cho biết, loại vết nứt này xảy ra do đà lanh tô cửa không đủ dài, không đủ đoạn neo gối lên hai đầu tường và trong quá trình sử dụng đã có lúc tường bị đóng quá mạnh. Muốn ngừa ngay từ đầu, các đà lanh tô trên đầu cửa đi, cửa sổ phải đủ dài, vươn khỏi đố cửa tối thiểu 20 cm, nếu được thì nên đúc đà lanh tô qua cột. Việc tiết kiệm chiều dài đà lanh tô dẫn đến kết quả là rất khó sửa các loại vết nứt này.

Cách sửa hiệu quả nhất là đục lấy hẳn đà lanh tô ra, thay lại đà khác dài hơn, đủ neo hơn. Việc đập vỡ cục bộ đầu lanh tô, đắp vữa vào chỉ tăng độ cứng rất ít, thường không hiệu quả, nghĩa là sẽ bị nứt lại một thời gian sau đó, nhất là khi cửa đóng mạnh.

Các vết nứt bê tông nghiêng trên tường là loại vết nứt "khó chịu" nhất và sẽ khó sửa nhất. Thường nó có thể xuất hiện tại nhiều mảng tường, ở nhiều tầng. Quy luật là xuất hiện sát mép sàn, gần các cột và xiên dần vào giữa mảng tường; hoặc xuất hiện ở các góc dưới của bậu cửa sổ, xiên xuống dưới.

Nguyên nhân là nhà hay công trình đã bị lún ít nhiều. Muốn sửa phải chống lún bằng nhiều giải pháp khác nhau, đều có khó khăn và tốn kém. Việc đục rỗng vết nứt, đóng đinh đỉa để "khâu" vết nứt lại chỉ tạm thời, không hiệu quả, vì không ngăn chặn được nguyên nhân gây ra và sẽ bị nứt lại, có thể là chỗ cũ hay quanh đó.

“Ngoài ra, không nên dùng loại bê tông có cường độ chịu nén cao trong các công trình nhà tư nhân, nên dùng loại có cường độ 200 kg/cm2. Hạn chế dùng hóa chất đông cứng nhanh. Nên đổ bê tông vào ban đêm, bảo dưỡng ngay khi bê tông mới đông cứng. Thi công xây dựng phần thô cần có khe co giãn nhiệt khi cạnh sàn quá dài vượt quá 40 m”, bà Linh tư vấn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan