Với sự vào cuộc của BID Group, Dự án Garden Hill Tower đã được giải cứu.

Với sự vào cuộc của BID Group, Dự án Garden Hill Tower đã được giải cứu.

Giải cứu dự án chết, nhìn từ câu chuyện tại dự án 99 Trần Bình

(ĐTCK) Đằng sau chuyện giải cứu những "ngôi nhà mơ ước" giờ hoen rỉ những móng cọc sắt của những "mạnh thường quân" là những gập ghềnh khó nói đến từ nhiều phía.

Một trong những câu chuyện giải cứu dự án tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất thời gian vừa qua phải kể đến công cuộc "giải cứu" dự án Tòa nhà Đa năng Đức Phương của Công ty cổ phần Đức Phương. Nằm ở vị trí khá đẹp ngay số 99 Trần Bình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dự án từng được giới thiệu khá nhiều, nhưng ngay khi mới triển khai, đã phải dừng thi công do vướng pháp lý cũng như rắc rối về việc huy động vốn.

Cụ thể, từ năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty Đức Phương có Giấy ủy quyền với nội dung "đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội huy động 20% vốn từ các khách hàng góp vốn với diện tích 5.800 m2 từ tầng 6 đến tầng 9, cùng với ký thỏa thuận tự nguyện góp vốn hợp tác ngày 24/10/2009 trước đó".

Ngay sau khi có ủy quyền, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội đã nhanh chóng ký thỏa thuận với 63 khách hàng và thu tổng số tiền xấp xỉ 21,6 tỷ đồng. Sau khi thu tiền góp vốn của nhóm khách hàng trên, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội thay vì chuyển tiền cho Công ty cổ phần Đức Phương để triển khai dự án, đã không nộp cho chủ đầu.

Cuối năm 2014, đại diện hai pháp nhân này sang gặp Công ty cổ phần BID Group đề nghị hợp tác đầu tư phát triển dự án 99 Trần Bình. Ngày 23/3/2015, 3 công ty đã ký một phụ lục hợp tác kinh doanh ba bên với nội dung: Do khách hàng cũ đã rút vốn 3.400 m2, nên chỉ còn 2.400 m2, tương đương với khoảng 25 khách hàng góp vốn tiếp tục theo dự án, nên Công ty Đức Phương đồng ý lấy lại phần diện tích 3.400 m2 và phải chuyển lại cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội phải giải quyết những quyền lợi liên quan đến số khách hàng cũ đã rút vốn 3.400 m2, Công ty Đức Phương không còn ràng buộc và có trách nhiệm với những khách hàng cũ đó. Còn đối với số khách hàng tham gia góp vốn 2.400 m2, Công ty Đức Phương và BID Group đồng ý ký hợp đồng với giá 21 triệu đồng/m2 ngay sau khi đủ điều kiện mở bán.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, mặc dù phụ lục hợp tác đã nói rõ: "Khách hàng cũ đã rút vốn 3.400 m2, nên chỉ còn 2.400 m2, tương đương với khoảng 25 khách hàng góp vốn", tuy nhiên thực tế, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội không hề trả lại cho khách hàng. Sự việc chỉ vỡ lở ra sau khi ông Lương Xuân Cường, đại diện hợp pháp của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội bị bắt vào tháng 5/2015, vì lừa Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị - BID Việt Nam (nay là BID Group) 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty này còn huy động 25% của khách hàng góp vốn.

Đứng trước khó khăn do việc làm trái quy định pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội, Công ty Đức Phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án với sự nhập cuộc của BID Group.

Theo đó, vào cuối năm 2014, Công ty Đức Phương đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư ới BID Group để đầu tư xây dựng toàn bộ tòa nhà đa năng Đức Phương. Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, hai bên cũng thống nhất BID Group sẽ đầu tư toàn bộ vốn để xây dựng dự án, nên Công ty Đức Phương ủy quyền cho BID thay mình làm chủ đầu tư, điều hành giải quyết toàn bộ công việc liên quan của dự án.

Đến năm 2015, Công ty Đức Phương bán cổ phần cho BID, sau đó BID là chủ sở hữu Công ty Đức Phương và đổi tên dự án “Tòa nhà đa năng Đức Phương” thành “The Garden Hill Tower”. Về phía quyền lợi khách hàng, BID và Đức Phương đã ký văn bản thống nhất đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm trong “Thỏa thuận hợp tác đầu tư” đã ký với các khách hàng góp vốn mua căn hộ để thực hiện tiếp dự án.

Đến tháng 11/2015, sau khi tiếp nhận từ Đức Phương, BID Group và Đức Phương đã hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án 99 Trần Bình từ đất thuê 50 năm sang đất ở lâu dài. Đồng thời, cũng tiến hành phối hợp mở rộng con đường đi vào dự án và nâng cấp thiết kế của tòa nhà lên thành cao cấp. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đưa ra đề xuất nâng mức giá bán từ 18,5 triệu đồng lên hơn 25 triệu đồng/m2. 

Sự việc này đã vấp phải sự phản đối của nhóm khách hàng cũ khi cho rằng, chủ đầu tư mới đã không tôn trọng thỏa thuận hợp tác đầu tư ban đầu, đồng thời căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối. Sự việc chỉ được giải quyết sau khi BID Group và Đức Phương kiên trì đối thoại với khách hàng, trong đó có cuộc gặp vào tháng 4/2017, khi chủ đầu tư trần tình mọi vấn đề với khách hàng. 

Trong đó, dù cùng là nạn nhân của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Hà Nội, nhưng với trách nhiệm là chủ dự án, Đức Phương và BID Group vẫn sẵn sàng tạo điều kiện cho các khách hàng. Ngoài việc hỗ trợ chiết khấu 15% so với giá bán cộng với hỗ trợ lãi suất cho khoản tiền 25% mà khách hàng đã góp vốn, khách hàng còn được tùy ý lựa chọn những căn hộ còn lại (trừ những căn đã bán) theo ý muốn, từ hướng, tầng đến diện tích.

Nhờ đó, 57/63 khách hàng đã đồng ý ký vào thỏa thuận mới (chiếm 90%) và chỉ còn 7 khách hàng chưa ký vào thỏa thuận đồng ý. Theo chia sẻ của đại diện BID Group, các khách hàng còn lại vướng một số yêu cầu, tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn sẽ cố gắng giải quyết thấu đáo quyền lợi để đảm bảo dự án The Garden Hill về đích như mong muốn.

Như vậy, câu chuyện giải cứu dự án 99 Trần Bình đã đi đến hồi kết sau 7 năm đằng đẵng chờ đợi. Thế nhưng, dự án rất có thể đã không được như vậy nếu thiếu đi tiếng nói chung giữa BID Group và Đức Phương, Đức Phương từ chối làm việc với khách hàng cũ và các khách hàng cũ không đồng thuận với cách giải quyết của chủ đầu tư.

Với các dự án đắp chiếu, thì thường mỗi dự án một bệnh. Có thể là sản phẩm dự án bị lỗi thiết kế thi công, định vị sai sản phẩm, không thể thay đổi được. Có thể là dự án nợ vay ngân hàng hoặc nợ khách hàng cũ hoặc năng lực chủ đầu tư cũ có vấn đề hoặc công tác tiếp thị bán hàng chưa đúng...

Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới vẫn có thể đưa ra giải pháp khắc phục hoặc có lợi nhuận khi giải cứu các dự án này, tất nhiên họ phải nghiên cữu rất kỹ. Các thương vụ này chỉ thành công khi các đối tác làm việc cởi mở, hợp tác, đàm phán không quá căng thẳng và đòi hỏi quyền lợi quá cao.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan