Bất động sản khu Nam TP.HCM vẫn còn những điểm nghẽn để có thể hồi phục trở lại. Ảnh: Gia Huy

Bất động sản khu Nam TP.HCM vẫn còn những điểm nghẽn để có thể hồi phục trở lại. Ảnh: Gia Huy

Giấc mơ trỗi dậy của khu Nam TP.HCM vẫn còn xa vời

(ĐTCK) Từ năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản khu Nam TP.HCM đi xuống khi đón nhận những thông tin không thuận lợi từ hạ tầng tới ô nhiễm môi trường. Trong năm 2018, nhiều chủ đầu tư đánh tiếng khởi động dự án tại khu Nam, đem lại kỳ vọng về sự trỗi dậy của khu vực này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, giấc mơ này vẫn còn xa vời.

Điệu buồn khu Nam

Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Bất động sản Sài Gòn Xanh cho biết, giới đầu tư bất động sản TP.HCM vẫn còn nhớ những năm 2006, khi thị trường bất động sản TP.HCM lên ngôi, khi đó khu Đông và khu Tây chỉ nhạt nhòa vài dự án, còn khu Nam có những siêu dự án như Phú Mỹ Hưng, Dự án của Sacomreal…

Tới những năm 2009, khi thị trường vỡ “bong bóng”, hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM “đắp chiếu” thì khu Nam vẫn xuất hiện những dự án mới của Novaland, Him Lam Land, Phú Mỹ Hưng… Điều này cho thấy, thị trường bất động sản khu Nam đứng ngoài cơn lạnh của thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn đó.

Lý do khiến bất động sản khu Nam phát triển ngay cả khi thị trường toàn quốc đóng băng được cho là đến từ việc hạ tầng khu vực được đầu tư phát triển mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, lúc đó, TP.HCM đã chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng dự án hạ tầng trọng điểm tại khu vực này, như tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, trục đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Nguyễn Văn Kiệt… Tất cả đưa khu Nam Sài Gòn trở thành khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TP.HCM khi đó.

Tuy nhiên, bất động sản khu Nam dù qua được thời điểm thị trường khó khăn nhất, nhưng tới năm 2015, thị trường bắt đầu đi xuống và rõ rệt trong năm 2016 khi giao thông kết nối trở nên quá tải, tình trạng ngập nước dần xuất hiện nhiều nơi và đặc biệt là mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước tại huyện Bình Chánh, khiến người mua nhà xa lánh khu vực này. Vì vậy, khu Nam được đánh giá là khu vực có nhiều dự án đắp chiếu nhất TP.HCM hiện nay.

Việc TP.HCM thông qua gói đầu tư hạ tầng trị giá 5 tỷ USD để nâng cấp và xây mới hạ tầng giao thông khu Nam Sài Gòn với hàng loạt dự án nổi bật như xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ 2.600 tỷ đồng; cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 tổng vốn 1.250 tỷ đồng; mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với quận 4, quận 7 và Nhà Bè với vốn đầu tư hơn 6.744 tỷ đồng; xây dựng cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng dự kiến hoàn thành trong quý I/2018; xây dựng Dự án metro số 4…, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản khu vực này hồi phục trở lại.

Bất động sản khu Nam TP.HCM chờ ngày trở lại

Tuy nhiên, cú huých hạ tầng này vẫn không đủ lực để đánh thức bất động sản khu Nam tỉnh giấc, minh chứng là hiện khu vực này rất ít có dự án bất động sản mới được tung ra thị trường, ngoài một dự án chung cư thuộc giai đoạn 3 của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Khu vực này cũng đã có sự trở lại của các dự án đắp chiếu như Dự án Kenton Residences nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư vừa được tái khởi động với tên gọi mới Kenton Node. Hay Dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7, TP HCM) của Tập đoàn Vạn Phát Hưng vừa được Công ty An Gia Investment mua lại vào tháng 3 vừa qua và đổi tên thành River Panorama, vừa tiến hành mở bán vào ngày 29/7 vừa qua.

Thế nhưng, ghi nhận ở hai dự án này vẫn chỉ là sự trầm lắng, thậm chí ở Dự án Kenton Residences, chủ đầu tư chưa thể mở bán.

Trong khi đó, nhiều dự án nổi tiếng tại khu Nam của Phát Đạt, hay dự án Mũi Đèn Đỏ tại quận 7 của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, khu nhà ở Phước Kiển của Công ty Quốc Cường Gia Lai… vẫn đang bị dừng triển khai, tạo ra hình ảnh một tấm "da beo" cho thị trường khu vực này.

Giấc mơ còn xa vời

Sau gần 3 năm trầm lắng, thị trường bất động sản khu Nam đang được kỳ vọng sẽ trở lại khi nhiều chủ đầu tư có quỹ đất lớn tại đây cho biết ý định sẽ kích hoạt việc phát triển lại dự án trong năm 2018.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đang làm mọi cách để kích hoạt Dự án Khu đô thị Mizuki Park quy mô 26 ha, nằm trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh. Việc kích hoạt dự án này được cho là khả dĩ nhất khu vực, bởi trong tháng 6 vừa qua, Nam Long đã có cái bắt tay với hai doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon
Railroad để triển khai Dự án.

Ngoài Nam Long, Hưng Thịnh Crop cũng cho biết, hiện đang có quỹ đất xây dựng dự án chung cư với hơn 3.000 căn hộ tại khu Nam. Trong đó, năm 2017, đơn vị này đã thành công trong việc phát triển Dự án SaiGon Mia tại huyện Bình Chánh. Hay như HimLam Land đang còn quỹ đất tại trục đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và có dự định tái khởi động vào năm 2018.

Bất động sản khu Nam gặp nạn vì mùi hôi, khu Đông hưởng lợi

Thêm vào đó, Phát Đạt cũng vừa phát đi thông báo đang tích cực trong việc làm thủ tục pháp lý để tái khởi động Dự án River City tại quận 7. Cũng tại quận 7, Phú Mỹ Hưng thì đang tiếp tục phát triển giai đạn 3 của Dự án Phú Mỹ Hưng…

Giới quan sát cho rằng, việc các chủ đầu tư phát tín hiệu sẽ tái khởi động, hoặc phát triển dự án mới tại khu Nam trong năm 2018 là tín hiệu tích cực cho bất động sản nơi đây. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố cản trở sự phát triển trở lại của bất động sản khu Nam. Đơn cử, các trục đường kết nối vào khu Nam như đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Diệu, Quốc lộ 50, đường Đồng Văn Cống (quận 2) nối vào cầu Phú Mỹ về khu Nam… vẫn còn quá tải và chưa được nâng cấp mở rộng.

Thêm vào đó, việc Trung tâm chống ngập TP.HCM đưa ra số liệu cho thấy, khu Nam đang dần thấp hơn các khu vực khác, khiến tình trạng ngập lụt ngày càng nặng hơn cũng tạo ra sự e ngại cho người mua nhà. Đó là lý do, những dự án khu Nam khi mở bán gần đây nhận được ít sự quan tâm của khách hàng, thậm chí có chủ đầu tư còn không tổ chức mở bán dự án tại dự án, mà phải thuê trung tâm sự kiện tại quận 1 như Công ty An Gia Investment mở bán dự án River Panorama.

Ngoài ra, việc ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải Đa Phước vẫn chưa xử lý triệt để, cũng là một điểm ngẽn của thị trường khu Nam.

“Giấc mơ trở lại của khu Nam trong năm 2018 còn gặp nhiều khó khăn, lý do vì hạ tầng kết nối, ngập nước, ô nhiễm… chưa xử lý hết. Tất cả kéo khu Nam phát triển chậm lại dù nơi đây được cho là thị trường có nhiều quỹ đất nhất TP.HCM hiện nay”, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding nhận định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan