Nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư các tòa nhà có liên quan đến phí quản lý - Ảnh: VNE

Nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư các tòa nhà có liên quan đến phí quản lý - Ảnh: VNE

Giá dịch vụ chung cư: Đã đến lúc nghĩ khác?

Mặc dù tốn không ít bút mực và khiến cơ quan quản lý đau đầu tìm cách giải quyết từ nhiều năm qua, tới thời điểm hiện tại, phí dịch vụ chung cư vẫn rất rối rắm.

Theo nhiều chuyên gia, dù tìm cách cải thiện ở mức độ nào, nếu Nhà nước vẫn giữ phương án quản lý bằng khung giá, bảng giá, tranh chấp chắc chắn vẫn xảy ra.

Rối tung

Việc cư dân và ban quản lý (BQL) chung cư cao cấp Vincom Center Bà Triệu xảy ra mâu thuẫn vì BQL quyết định tăng phí nước nóng, là vụ tranh chấp mới nhất xoay quanh phí dịch vụ chung trên địa bàn Hà Nội. Điều này càng khiến các phương án về giá dịch vụ nhà chung cư (dự kiến sẽ được ban hành và áp dụng trong quý II-2013) trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Trên lý thuyết, Hà Nội sẽ chọn 1 trong 4 phương án để áp dụng: bỏ hẳn (như cách TPHCM dự kiến áp dụng), công bố khung giá, công bố một vài mức để tham khảo và cuối cùng là tiến hành điều chỉnh giá. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, cả 4 phương án này đều có những ưu, nhược điểm và chọn phương án nào cũng không yên tâm.

Sự thiếu tự tin này từ phía cơ quan chức năng đã khiến nhiều người lo ngại. Bởi lẽ, hầu hết tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội như Keangnam, The Manor, Golden Westlake, Kinh Đô… đều rất phức tạp, kéo dài và áp dụng phương án nào trong 4 phương án trên đều không thể giải quyết được.

Trên thực tế, gần 1 năm qua, việc có hay không giá trần, ban hành hay không khung giá dịch vụ chung cư và nếu ban hành thì theo phương án nào, đã khiến Sở Xây dựng Hà Nội thực sự “nhức đầu”.

Bởi lẽ, qua nhiều năm vừa áp dụng vừa điều chỉnh, từ việc Nhà nước quản lý hoàn toàn, rồi linh hoạt Nhà nước chỉ quản lý một phần bằng khung giá, đều lộ ra nhiều nhược điểm và quan trọng nhất là những tranh cãi, kiện tụng quanh giá dịch vụ chung cư không hề thuyên giảm.

Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn cho rằng nếu khung giá, bảng giá, có cũng như không hoặc vai trò quá mờ nhạt, thành phố cần xem xét lại hoặc tính thêm phương án khác.

 

Cần đơn vị quản lý chuyên nghiệp

Dù tốc độ phát triển nhanh, nhà chung cư vẫn là loại hình nhà ở khá mới mẻ ở nước ta. Chính vì phát triển quá nhanh trong khi việc quản lý chưa được nghiên cứu thấu đáo, đã khiến cơ quan chức năng lúng túng, từ đó nảy sinh tình trạng vừa làm vừa gỡ, nhưng gỡ không ra.

Ngay trong việc ban hành khung giá dịch vụ chung cư, Sở Xây dựng Hà Nội và Bộ Xây dựng cũng đã “vênh” nhau rõ rệt. Trong khi sở muốn phương án linh hoạt, mềm dẻo, thậm chí bỏ hẳn, thì bộ cho rằng việc quy định giá dịch vụ nhà chung cư vẫn phải tiếp tục, nếu không người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi chủ đầu tư tự ý áp đặt mức phí.

Từ những bất cập của bảng giá, khung giá, đã đến lúc các cơ quan chức năng lẫn chủ đầu tư nên tìm những cách làm chuyên nghiệp, linh hoạt và thoáng hơn, thay vì nhất thiết ban hành một khung giá cứng, rồi ngồi phân xử kiện tụng. Trên thực tế, hiện nay giữa 2 chủ thể người dân - chủ đầu tư chỉ có cầu nối là BQL, ban quản trị tòa nhà.

Trong khi BQL là của chủ đầu tư thì ban quản trị lại đóng vai trò mờ nhạt hoặc không có, các thành viên của ban quản trị cũng không có nghiệp vụ quản lý nên mọi việc dễ “rối tung”. Để khắc phục vấn đề này, BQL nên do các công ty, đơn vị chuyên nghiệp đảm nhiệm.

Do là đơn vị kinh doanh độc lập, họ sẽ có được sự thỏa thuận hợp lý với người dân và chủ đầu tư, dễ dàng minh bạch chi phí, tránh tình trạng xung đột, không tìm được tiếng nói chung như hiện nay. Mỗi khu chung cư sẽ được các doanh nghiệp này lên một bảng giá cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở chung cư đó, nếu không đồng ý, cư dân sẽ phản hồi, thay vì đấu tố với chủ đầu tư như hiện nay.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam , mức phí cao hay thấp sẽ do tính chất nội dung công việc, lượng nhân công thuê mướn quyết định, không phụ thuộc vào cao cấp hay thấp cấp.

Trong bối cảnh chưa tìm ra phương án Nhà nước quản lý vẹn toàn, một đơn vị trung gian làm cầu nối cân bằng giữa người dân và chủ đầu tư là hoàn toàn cần thiết.

Ngoài việc áp dụng khung giá dịch vụ như thế nào, thiết nghĩ Hà Nội nên phát triển thêm các phương án phụ trợ. Bởi lẽ dù có chi tiết đến thế nào, một khung giá cũng không thể điều chỉnh hết hàng trăm khu đô thị như hiện nay.