Các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm đến các dự án bất động sản cao cấp. Ảnh: Nguyễn Thành

Các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm đến các dự án bất động sản cao cấp. Ảnh: Nguyễn Thành

FDI đổ vào bất động sản: Hai mặt lượng - chất

(ĐTCK) Dòng vốn FDI đổ vào bất động sản cho thấy sức hút tiềm năng của thị trường này. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự nhìn nhận, đánh giá về hiệu quả của đồng vốn, chứ không chỉ nhìn vào số lượng vốn đăng ký.

Cần phục vụ các nhu cầu bức thiết

6 tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 4 về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,15 tỷ USD. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia, chúng ta cũng cần có sự nhìn nhận thích đáng, phân tích tác dụng vốn ngoại trong lĩnh vực bất động sản.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Hút được nhiều vốn FDI là tốt, nhưng nếu vốn đầu tư đổ quá nhiều vào bất động sản thì cũng cần xem xét . Đặc biệt, nếu dòng vốn chủ yếu chạy vào các sản phẩm bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng thì chỉ làm nóng thị trường, làm dư thường nguồn cung ở phân khúc đó, chứ không tạo ra lực đẩy cho kinh tế, cho xã hội”.

Tương tự, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng, số vốn đăng ký cao cũng chưa nên mừng vội. Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là tìm cách biến số vốn đầu tư đăng ký thành hiện thực.

Theo các chuyên gia, nếu vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản phục vụ cho các nhu cầu bức thiết của xã hội như bất động sản dành cho người thu nhập thấp, trung bình, bất động sản công nghiệp thì rất tốt, nên khuyến khích và cần đẩy mạnh việc thu hút vốn vào phân khúc này.

Để làm được điều này, chúng ta cần có những thống kê, tổng hợp một cách đầy đủ về vốn FDI trong bất động sản, để xem cơ cấu dòng vốn đổ vào các phân khúc ra sao. Từ đó, có được cái nhìn chính xác và cân nhắc có nên tiếp tục khuyến khích FDI đổ vào bất động sản không, hay cần có sự điều chỉnh cho hợp lý, tránh phát triển nóng và tạo ra sự dư thừa nguồn cung ở một số phân khúc.

Cẩn trọng trong thẩm định dự án

Không thể phủ nhận nguồn vốn FDI có những vai trò, tác động nhất định với lĩnh vực bất động sản như tính chuyên nghiệp, chuẩn mực quốc tế, từ khâu lựa chọn dự án, xây dựng, cho đến công tác vận hành, quản lý. Tuy nhiên, việc thẩm định kỹ càng nguồn vốn, dự án cũng là việc rất nên làm.

Một góc khuất khác từng xảy ra với dự án FDI bất động sản trong quá khứ, đó là việc nhiều dự án bị đắp chiếu, rồi teo tóp lại so với cam kết ban đầu, điển hình như siêu dự án 4,3 tỷ USD New City tại Phú Yên đã phải giảm quy mô đầu tư xuống còn 1 tỷ USD và đổi chủ, hay Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn 4,1 tỷ USD cũng đắp chiếu nhiều năm trời,…

Mặc dù được các địa phương ưu ái cho những khu đất đẹp, nhưng sự bất động của các dự án kiểu này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, làm xấu bộ mặt đô thị, mà còn tạo nên sức ỳ cho phát triển kinh tế địa phương, trở thành rào cản cho các nhà đầu tư khác.

Theo các chuyên gia, trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng cho các dự án, các cơ quan quản lý cần xem tính khả thi của dự án, kiểm tra năng lực tài chính, sức khỏe thương hiệu của các nhà đầu tư. Với các địa phương, không nên chỉ chăm chăm lo hút vốn mà quên mất các yếu tố này.

Với sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo, nguồn vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có sự nhìn nhận chính xác, có những đánh giá đầy đủ để nguồn vốn phát huy hiệu quả và đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển của ngành, chúng ta cần có những thống kê một cách đầy đủ nhất về cơ cấu của nguồn vốn, từ đó có sự điều chỉnh cả về mặt chính sách thu hút vốn, để FDI thực sự trở thành liều kích thích với thị trường.

Tin bài liên quan