THáp đôi Hòa Bình - mở đầu mối lương duyên với bất động sản của đại gia Đường "bia"

THáp đôi Hòa Bình - mở đầu mối lương duyên với bất động sản của đại gia Đường "bia"

Đường “bia”và mối lương duyên với bất động sản

(ĐTCK)Một anh đạp xích lô chở bia vươn lên thành đại gia nhờ sự ngay thẳng... 

Lần đầu tiên tôi gặp ông Đường “bia” (*) là dịp Công ty TNHH Hòa Bình tổ chức giới thiệu Dự án Hoa Binh Green City tại đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào tháng 10/2011. Qua câu chuyện ông kể về những ngày đầu lập nghiệp, hình ảnh những chiếc xích lô lặc lè chở đống “bom bia” cao chất ngất chầm chậm chạy trên đường Hoàng Hoa Thám mà tôi được chứng kiến hàng ngày trên đường đi học vào những năm 80 của thế kỷ trước lại ùa về trong ký ức.

Và thật ngẫu nhiên, công trình đầu tiên của ông: Tháp đôi Hòa Bình trên đường Hoàng Quốc Việt lại trở thành tiêu điểm tôi ngắm hàng ngày trên đường đi làm mấy năm nay.

 

Từ biệt danh “bia của ông Đường”…

Sinh ra tại Thường Tín, một huyện ngoại thành Hà Nội, năm 1975, ông Đường đi bộ đội. Năm 1979, ông ra quân và buôn bán nhì nhằng kiếm sống. Năm 1981, ông may mắn xin được làm một chân đạp xích lô chở bia thuê cho Công ty Bia Hà Nội. Ngày đó, bia hơi sản xuất ra được đựng trong những chiếc thùng nhôm có hình dạng giống như chiếc trống và được gọi là “bom bia”. Sau một thời gian, ông được cử làm tổ trưởng một tổ vận chuyển bia đi giao cho các cửa hàng.

Hồi đó, chẳng hiểu sao, bia để trong “bom” từ sáng đến chiều thường bị chua nên khách hàng hay chê là bia cũ. Tìm hiểu, ông Đường phát hiện ra rằng, do những thùng bia cũ không được xúc rửa sạch nên vẫn còn sót lại một chút bia đã chua ở trong thùng. Khi bơm bia mới vào, bia cũ bị lên men sẽ hòa lẫn trong bia mới, khiến cả thùng bia kém chất lượng. Từ đó, tất cả các thùng bia của tổ vận tải do ông Đường phụ trách đều được xúc rửa sạch trước khi đưa vào dây truyền để bơm bia mới.

Sau một thời gian, rất nhiều cửa hàng bán bia chỉ nhận nhập “bia của ông Đường”. Ông Đường kể, một chiều ông vào uống bia tại một cửa hàng trên đường Yên Phụ. Uống xong, ông vờ hỏi tại sao bia ở đây lại ngon hơn ở cửa hàng khác, cô bán hàng liền khẳng định: “Cửa hàng của chúng em chỉ nhập ‘bia của ông Đường’ nên để từ sáng đến chiều vẫn ngon, chứ nhập bia khác về là chua ngay”. Khi được hỏi ông Đường già hay trẻ, cô nhân viên ngớ ra cho biết chưa gặp ông Đường bao giờ, chỉ nghe tiếng mà nhập hàng thôi. “Mình được gọi bằng ‘ông’ khi mới ngoài 30 tuổi mới chết chứ”, ông Đường hóm hỉnh cười.

Sau gần 10 năm chở bia thuê cho Công ty Bia Hà Nội, đến năm 1989, ông thành lập DN tư nhân đầu tiên của Hà Nội sản xuất bia. Sau đó, ông quyết định đầu tư 250 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất malt. Đây là nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở Đông Nam Á với công nghệ hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức. Công ty Bia Sài Gòn, Công ty Bia Huế… đều là khách hàng lớn của ông.

 

đến “lời hứa của Đường bia”

Đang làm bia, làm malt thì ông Đường lại sang bất động sản. Công trình đầu tiên mà ông đầu tư là Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng trên đường Hoàng Quốc Việt, người ta quen gọi là Tháp đôi Hòa Bình.

Ông Đường cho biết, từ năm 2003, ông đã xác định phải xây dựng một công trình “để đời” với những công nghệ mới nhất. Nhiều người bảo ông “điên” khi đề ra những yêu cầu về kỹ thuật và công nghệ cao như kết cấu của các tòa nhà phải có khả năng chống chịu được động đất lên đến cấp 8; kính an toàn cách âm, cách nhiệt chất lượng cao… Và đặc biệt là cam kết cửa cầu thang máy sẽ được mạ vàng.

Bao nhiêu tiền của tích cóp được ông đã đổ hết vào công trình này. Kết cấu bê tông chống được động đất cấp 8 có giá cao hơn bê tông thường đến 4 lần; kính cách âm, cách nhiệt giá cao hơn kính thường gần gấp đôi, ông bảo, khi xây lên đến tầng 5 là ông hết tiền. Trong khi đó, cam kết cửa thang máy mạ vàng có nguy cơ không thực hiện được do đối tác nước ngoài từ chối.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, có người “xui” ông nên giảm bớt chất lượng, nhưng ông không chịu. “Đã hứa thì phải làm đến cùng”, ông nói và vận dụng mọi năng lực để xoay xở lo đủ vốn. Ông còn thuyết phục được một cơ sở mạ xây dựng bể mạ “siêu khủng” để mạ vàng cửa cầu thang máy cho ông.

Kết quả là đến năm 2006, một tòa tháp đôi hiện đại nhất Hà Nội với 2 sân bay trên nóc đã được đưa vào sử dụng. Một trung tâm thương mại có hệ thống văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn châu Âu đã hiện thực hóa “lời hứa của ông Đường”. Tòa nhà có 20.000 m2 văn phòng hạng A, 7.000 m2 trung tâm thương mại, hệ thống 11 thang máy được phủ vàng 24 kara, trong đó có 2 thang lồng kính và một thang cuốn tại trung tâm thương mại.

Ông Đường cho biết, chỉ sau 2 năm hoạt động, ông đã thu hồi đủ vốn của công trình này. “Thừa thắng xông lên” theo tinh thần của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông tiếp tục triển khai hàng loạt công trình khác như dự án Hoa Binh Green Apartment Đường Bưởi; Khách sạn Hoà Bình Palace ở Hàng Bè… Mới đây nhất là dự án Hoa Binh Green City với tiêu chí xanh để tạo sự thân thiện môi trường. “Tất cả các công trình này đều được xây dựng bằng công nghệ cao và mới nhất”, ông Đường cam kết.

 “Với tôi, mọi cung bậc của cuộc sống đều đã từng trải nghiệm. Cho đến thời điểm này, tôi cảm thấy mình có ‘lương duyên’ với bất động sản”, ông Đường nói và “bật mí”, trong năm tới sẽ xây dựng một nhà máy thứ 2 sản xuất malt để cung cấp cho thị trường phía Nam, đồng thời triển khai thủ tục để xây dựng một khách sạn lớn trên đường Kim Mã - Hà Nội.