Dự án Ecolife Capitol vừa được trao chứng chỉ EDGE.

Dự án Ecolife Capitol vừa được trao chứng chỉ EDGE.

Dự án “xanh”, xu thế phát triển bền vững

(ĐTCK) Phát triển các dự án “xanh” là xu thế tất yếu, mang lại giá trị bền vững trong dài hạn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Tuy nhiên, việc lựa chọn phát triển dự án xanh như thế nào cho đúng cách lại là bài toán không dễ giải.
 

Theo đánh giá của các chuyên gia, một dự án “xanh” phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bao gồm không gian sống tự nhiên, trong lành, tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng, tạo ra môi trường phát triển bền vững cho khu vực và cộng đồng dân cư.

Rất nhiều dự án bất động sản sử dụng mác “xanh”, “sinh thái” như một cách để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà, nhưng phần nhiều trong số này lại không đạt, hoặc mỗi dự án lại tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng. Điều này khiến cho khách hàng có băn khoăn.

Theo đánh giá của ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), nhiều dự án chung cư gắn mác "xanh" được thiết kế không theo tiêu chuẩn xanh nào, phần lớn phục vụ mục đích bán hàng.

“Một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án”, ông Long phân tích

Một dự án chỉ được gọi là “xanh” khi trong suốt vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, cho tới thi công công trình, sử dụng, vận hành, sửa chữa..., đều tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, hạn chế chất thải và tạo không gian sống tốt nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề là xác định được những tiêu chí như vậy thường rất khó.

Hiện tại, do nước ta chưa có tiêu chuẩn xanh quốc gia, nên hầu hết các dự án xanh đều do chủ đầu tư lựa chọn tiêu chuẩn của các đơn vị tư vấn nước ngoài như EDGE (của Tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới), Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus của VGBC Việt Nam.

Các tiêu chuẩn trên đều giống nhau ở 6 yếu tố cơ bản mà quốc gia nào cũng áp dụng là địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; chất lượng môi trường trong nhà tốt; thiết kế sáng tạo, mới mẻ.

Thế nhưng, thực tế, mỗi tiêu chuẩn lại đưa ra một công thức tính toán khác nhau và không hoàn toàn phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc, do phải đáp ứng theo xu hướng của thị trường, các doanh nghiệp phải tốn nhiều công sức và tiền của để hướng tới các tiêu chí này, mặc dù có thể hiệu quả mang lại không thực sự như mong muốn, cũng như khiến cho giá thành sản phẩm của dự án cao hơn so với giá trị thật mà người mua nhà có thể được hưởng.

Chẳng hạn, tiêu chí xanh Lotus của VGBC Việt Nam chú trọng đánh giá các tác động tiêu cực tới môi trường; sử dụng tài nguyên hiệu quả; mức độ tiện nghi của người sử dụng trong các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành... Trong khi, tiêu chí EDGE của Mỹ chỉ cần công trình tiết kiệm từ 20% năng lượng, nước và vật liệu.

Theo đại diện của một doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư một dự án “xanh” trên đường Lê Văn Lương, xu hướng “xanh” trong thiết kế các công trình, dự án xây dựng đã được phát triển ở rất nhiều nơi trên thế giới và cũng đang có mặt ở Việt Nam. Nó là hướng đi mới, tích cực vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Thế nhưng, làm sao cho lý tưởng “xanh” này không rối rắm, mang lại giá trị cộng hưởng cho không chỉ một dự án, mà cả một cộng đồng là bài toán không hề dễ giải. Do đó, cần thiết phải có sự tham gia nhiều hơn của các cơ quan quản lý trong việc sớm ban hành một tiêu chuẩn xanh phù hợp tại Việt Nam.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan