Dự án Centana Thủ Thiêm có tới 3 chủ đầu tư cùng thực hiện. ảnh: Gia Huy

Dự án Centana Thủ Thiêm có tới 3 chủ đầu tư cùng thực hiện. ảnh: Gia Huy

Dự án nhiều chủ và nguy cơ “cha chung không ai khóc“

(ĐTCK) Thị trường bất động sản hiện nay đang xuất hiện tình trạng một dự án có nhiều chủ đầu tư. Về nguyên tắc, điều này là không sai, nhưng nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng mua nhà tại các dự án này sẽ gặp nhiều rủi ro.

Lấy mỡ nó rán nó

Dự án Centana Thủ Thiêm tại đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP.HCM dù đang trong quá trình xây móng, chưa có tên trong danh sách được bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng TP.HCM, nhưng đã được mở bán rầm rộ 2 đợt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, dự án này đang được Công ty Rioland phân phối với giá thông báo là 28 triệu đồng/m2, nhưng khi khách tới mua, thì doanh nghiệp thông báo giá đã gần 40 triệu đồng/m2, còn những căn hộ có giá 28 triệu đồng/m2 đã bán hết.

“Nếu anh chấp thuận mua thì đặt cọc 50 triệu đồng giữ chỗ, sau đó sẽ tiến hành làm hợp đồng mua bán”, một môi giới bán hàng tại dự án này nói với phóng viên.

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Công ty Rioland cho biết, dự án đang được công ty nhận đặt cọc giữ chỗ và thừa nhận, dự án chưa được Sở Xây dựng cấp phép mở bán.

Theo các chuyên gia, đây là hình thức lách luật trong kinh doanh bất động sản. Dù chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, chưa được phép bán, nhưng vẫn rầm rộ thông báo mở bán và làm hợp đồng đặt cọc giữ chỗ.

“Đây là chiêu không mới và đang diễn ra khá phổ biến tại TP.HCM, các chủ đầu tư hầu như hạn chế về tài chính, nên dùng chiêu này để huy động vốn của người dân, sau đó lấy chính tiền của dân làm dự án”, một chủ đầu tư bất động sản nói.

Nhìn lại thị trường cách đây nhiều năm, đã có tình trạng nhiều chủ đầu tư dùng chiêu này để huy động tiền của khách hàng và tới nay, nhiều người mua nhà phải vác đơn đi khắp nơi thưa kiện, nhưng vẫn không đòi được nhà và tiền. Chẳng hạn như dự án Phú Gia Nhà Bè (huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Công ty Cotec Land) làm chủ đầu tư. Dự án đã bán hết cho khách hàng từ năm 2003 với hình thức góp vốn. Dù khách đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai do vướng nhiều thủ tục, nên chưa được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, chủ đầu tư này cũng đã dùng tiền của khách làm việc khác.  

Một dự án 3 chủ đầu tư

Một hiện tượng mới trên thị trường bất động sản hiện nay là xuất hiện tình trạng một dự án có nhiều chủ đầu tư. Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đây là những dự án được hình thành từ lâu, tuy nhiên chủ đầu tư kém năng lực, không thể triển khai, nên kêu gọi nhiều doanh nghiệp khác cùng bỏ tiền thực hiện dự án. Đơn cử như tại dự án Centana Thủ Thiêm có 3 chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Điền Phúc Thành, Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty cổ phần Xây dựng Phước Thành cùng đơn vị phát triển là Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản RioLand.

Theo luật sư Đoàn Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), rủi ro từ dự án kiểu này sẽ rất cao. Ông Tuấn cho biết, về nguyên tắc, một dự án nhà ở có thể có từ hai doanh nghiệp trở lên cùng đóng vai trò chủ đầu tư. Khi đó, theo nguyên tắc về sở hữu chung của Bộ luật Dân sự, mọi quyết định phải có sự đồng thuận của tất cả các doanh nghiệp đó trên văn bản, đồng thời các doanh nghiệp cùng chịu trách nhiệm liên đới với khách hàng. Ngược lại, trên văn bản nếu không có đủ ý kiến của tất các doanh nghiệp, đó thì có thể xem như giao dịch đó, văn bản đó bị tuyên vô hiệu toàn bộ.

Luật sư Tuấn cũng cho biết, ông đang thụ lý một vụ kiện của người mua nhà tại khu Nam TP.HCM. Dự án chung cư chỉ 600 căn hộ, nhưng có tới 4 chủ đầu tư cùng thực hiện, tới khi gặp chuyện, thì không chủ đầu tư nào chịu nhận trách nhiệm.

“Trên thực tế, tại các dự án bất động sản hiện nay, đơn vị môi giới, tổng thầu thi công, bên tài trợ vốn…, thường tự phong mình làm chủ đầu tư, hay đồng chủ đầu tư, nhưng không được ghi nhận trên văn bản. Đều là mạo danh, gian dối với khách hàng. Thông thường, các trường hợp mạo danh này thường quên hoặc viện đủ lý do để trì hoãn không thời hạn công bố văn bản để chứng minh chủ đầu tư. Nếu khách hàng trót ký với một doanh nghiệp đã tuyên bố làm chủ đầu tư (hay đồng chủ đầu tư), nhưng không có tên trong văn bản về quyền sử dụng đất, phê duyệt dự án, thì giao dịch đó có thể bị tuyên vô hiệu, khách hàng lãnh trọn thiệt hại”, luật sư Tuấn nói.

Cũng theo luật sư này, hiện nay, các đơn vị công chứng đã từ chối công chứng ủy quyền cho người khác, chuyển nhượng hợp đồng mua bán đối với những thỏa thuận, hợp đồng không ký đúng với chủ đầu tư, dự án chưa đủ điều kiện giao dịch (Sở Xây dựng công bố), nên khách hàng bị mắc kẹt, nếu không biết để khởi kiện, mà chấp nhận đóng tiền tiếp, thì hậu quả càng ngày càng lớn hơn.    

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan