Dự án Kenton Node vẫn chật vật tìm cách bán hàng sau khi được hồi sinh. Ảnh: Gia Huy

Dự án Kenton Node vẫn chật vật tìm cách bán hàng sau khi được hồi sinh. Ảnh: Gia Huy

Dự án “đắp chiếu” chật vật đường hồi sinh

Từ đầu năm 2017 tới nay, đã có những dự án bất động sản đắp chiếu tại TP.HCM được chủ đầu tư phát triển trở lại. Tuy nhiên, con đường hồi sinh của các dự án này còn không ít khó khăn…

Khó hồi sinh

Dự án Kenton Residences trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư vừa được tái khởi động với tên gọi mới Kenton Node. Dự án xuất hiện từ năm 2009, gồm 9 tòa nhà, với 1.640 căn hộ cao cấp, giá trị đầu tư lên đến 300 triệu USD. Trước khi bị đắp chiếu sau 3 năm xây dựng, chủ đầu tư đã mở bán 100 căn hộ, với giá bán trên 2.000 USD/m2.

Tháng 4 vừa qua, Tài Nguyên công bố có trong tay hơn 1.600 tỷ đồng và tái khởi động đại dự án Kenton Node với sản phẩm “độc” trong khuôn viên là nhạc nước nghệ thuật. Hiện một số block trong Dự án đã hoàn thiện phần thô hoặc móng. Tại khu nhà mẫu của Dự án, nhân viên tư vấn cho biết, ngày 12/8, Dự án sẽ mở bán chính thức, nhưng khách quan tâm có thể đóng ngay 100 triệu đồng để giữ chỗ. Đa phần các căn hộ trong Dự án có diện tích từ 85 đến 140 m2. Với mức 40 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ tại đây có giá từ 3 tỷ đồng trở lên.

So với nhiều dự án cùng phân khúc trên thị trường, Kenton Node đang đứng trước rất nhiều áp lực cạnh tranh: vị trí xa trung tâm, nằm trên trục đường kẹt xe liên miên; giá thành quá cao, lịch thanh toán 5%/tháng trong khi một số dự án đang đưa ra lịch thanh toán 1%/tháng; khách hàng lo ngại công trình bị xuống cấp do phơi mưa nắng nhiều năm... Do đó, việc chủ đầu tư công bố đầu tư show nhạc nước nghệ thuật trị giá 3 triệu USD tại Dự án được xem là “mồi nhử” nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với siêu dự án “chết” bên chân cầu Rạch Đĩa này.

Ngày 29/7, An Gia Investment cũng mở bán Dự án River Panorama (quận 7, TP.HCM), tiền thân là Dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa của Tập đoàn Vạn Phát Hưng, đắp chiếu từ năm 2011, được An Gia Investment mua lại vào tháng 3/2017. Giới phân tích đánh giá, điểm lợi của dự án này là đã được Vạn Phát Hưng xây dựng xong phần thô, An Gia Investment chỉ cần hoàn thiện để tiếp tục bán dự án.

Cũng như Kenton Node, River Panorama đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Đó là việc chủ đầu tư đã đưa ra giá bán trung bình đến 33 triệu đồng/m2, mức giá được cho quá cao ở thời điểm này tại quận 7. Thêm vào đó, thiết kế căn hộ đã cũ, tình trạng kẹt đường, ô nhiễm mùi hôi và ngập nước… là những khó khăn lớn của chủ đầu tư khi hồi sinh dự án này.

Tháng 3/2017, HungThinh Land đã mở bán Dự án Moonlight Park View tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM. Dự án này được HungThinh Land mua lại của Công ty BCCI Bình Chánh sau khi dự án này nằm đắp chiếu nhiều năm, với phần móng và hai tầng nổi đã xây xong.

Trên thị trường cũng có không ít dự án bị ngưng trệ nhiều năm, đã được doanh nghiệp khác mua để phát triển trở lại. Trong đó, phải kể đến việc Tập đoàn Novaland thâu tóm hàng loạt dự án như: The Sun Avenue (quận 2), Lucky Palace (quận 6), Orchard Garden, Garden Gate (quận Phú Nhuận)…; Công ty Địa ốc Hưng Thịnh với các dự án như: Tân Hương Tower, 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Plus, 12 View...

Mớ “bòng bong” pháp lý

Luật sư Trần Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, những dự án bị đắp chiếu thời gian dài sẽ gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, vốn đầu tư và cả những rủi ro cho đơn vị phát triển dự án, người mua nhà trước và sau khi dự án tái khởi động. “Do đó, ngay sau khi đổ tiền thâu tóm dự án, nhiều đơn vị phát triển dự án đã tổ chức hoàn thiện pháp lý dự án. Song song đó, họ cũng chạy trước việc huy động vốn từ đối tác và người mua nhà, kể cả khi chưa đủ điều kiện giao dịch”, Luật sư Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, thực tế cho thấy, có không ít dự án khi thêm đối tác mới lại chỉ thêm những rắc rối, thậm chí còn lấn sâu hơn trong vũng lầy. Có những đơn vị tham gia dự án chỉ với vai trò nhà quản lý triển khai, bỏ một số vốn rất nhỏ rồi huy động phần còn lại từ các đối tác khác, thậm chí còn buộc chủ đầu tư phải thế chấp dự án để lấy tiền đổ vào dự án theo kiểu “nấu cháo bằng rìu”.

Khi đánh giá các dự án nhà ở được phát triển trở lại, ngoài uy tín của đơn vị phát triển dự án, thì số vốn họ bỏ vào dự án mới phản ánh thực chất của vấn đề. Những dự án càng được công bố rõ ràng về tài chính, nguồn vốn huy động, số vốn huy động thì càng thể hiện rõ khả năng vực dậy thành công. Ngược lại, những dự án ít công khai về nguồn vốn huy động, mà chỉ tập trung vào tên tuổi của doanh nghiệp, thì người mua nên cẩn trọng trong việc đánh giá về dự án.

“Người mua không nên chỉ đánh giá vào uy danh của các đơn vị phát triển dự án để lơ là, bỏ qua chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Đối với các hợp đồng mua bán nhà ở đã được ký kết mà không kèm theo chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, thì người mua vẫn có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện việc bảo lãnh”, Luật sư Tuấn nói.

Tin bài liên quan