Hạ tầng giao thông phát triển tạo cú huých cho bất động sản quận 2 nói riêng và khu Đông TP.HCM nói chung - Ảnh: Lê Toàn.

Hạ tầng giao thông phát triển tạo cú huých cho bất động sản quận 2 nói riêng và khu Đông TP.HCM nói chung - Ảnh: Lê Toàn.

Đòn bẩy hạ tầng đốt nóng bất động sản khu Đông

(ĐTCK) Khu Đông từ lâu đã trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM và với sự phát triển bứt phá của các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian qua, thị trường bất động sản khu vực này càng trở nên đắt đỏ.

Cơn lốc đổ vốn vào hạ tầng khu Đông

Trong định hướng chiến lược phát triển đô thị chung, TP.HCM sẽ phát triển theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Song với lợi thế hướng mở, là cửa ngõ kết nối của toàn vùng Nam bộ, nên chính sách phát triển hạ tầng của TP.HCM có vẻ như dồn mạnh hơn vào khu vực phía Đông gồm các quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Đến thời điểm này, hầu hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2 nối từ trung tâm Thành phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức…

Không chỉ thế, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng nối trực tiếp khu Đông với Đồng Nai, rồi dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1), đang được xây dựng, dự kiến sẽ chính thức đưa vào khai thác vận hành năm 2020, cũng kéo dài xuyên suốt từ khu Đông vào trung tâm TP.HCM.

Đặc biệt gần đây, TP.HCM có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hàng công trình hạ tầng giao thông vào khu Đông. Theo sở Giao thông - Vận Tải TP.HCM, trong năm 2017 - 2018, sẽ triển khai 3 dự án giao thông quan trọng thuộc tuyến đường vành đai 2 nhằm thông suốt và giảm ùn tắc giao thông cục bộ với số vốn hơn 13.115 tỷ đồng.

Trong đó, 2 dự án giao thông điểm của khu Đông cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Giá sản phẩm Dự án Lakeview City (quận 2, TP.HCM) của Novaland tăng từ 6 tỷ đồng/căn lên 7 - 8 tỷ đồng/căn

Sau khi các dự án này được triển khai, sẽ giúp khép kín tuyến đường vành đai 2 dài 69 km được xác định với lộ trình kết nối toàn vùng của khu Đông từ nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Quốc lộ 1, quận Thủ Đức) với nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với Quốc lộ 13), cầu Rạch Chiếc (quận 9) và vầu Phú Mỹ (quận 2) sang quận 7.

Một khu vực đáng chú ý về sự phát triển hạ tầng thời gian gần đây quận Thủ Đức. Ngoài tuyến đường huyết mạch quan trọng Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức còn có hàng loạt dự án hạ tầng khác như đường số 12 nối đường Kha Vạn Cân với xa lộ Hà Nội. Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã quyết định đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Tô Ngọc Vân tại quận Thủ Đức lên 30 m.

Dự án này tuy có chiều dài chỉ 3 km, nhưng lại là tuyến đường có vai trò quan trọng kết nối đến Sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Dự án sẽ chính thức triển khai trong 2017 và dự kiến hoàn đưa vào sử dụng năm 2020…

Xác lập mặt bằng giá mới

Sự bứt phá trong hạ tầng đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản khu Đông, khiến giá bất động sản của khu vực này liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Real cho biết, nếu cách đây chừng 5 năm về trước, giá đất ở các quận trung tâm như Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3… so với giá đất tại khu Đông có mức chênh lệch khá cao, thì hiện nay, mức giá ở các quận này đã xấp xỉ nhau, thậm chí nhiều khu vực ở các quận Thủ Đức, quận 2 còn cao hơn nhiều so với các quận trung tâm.

Theo phân tích của giới chuyên môn, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng giá là điều dễ hiểu, trong đó yếu tố chính là do sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm Thành phố.

Theo ông Đinh Duy Trình, Giám đốc Công ty Bất động sản VN Group, xét ở góc độ nhu cầu chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông vẫn đang là chựa chọn hấp dẫn nhất.

Đâu sẽ là “điểm nóng” trên thị trường địa ốc TP.HCM nửa cuối năm?

“Hiện nay, áp lực về tình trạng quá tải giao thông đô thị đã khiến nhiều người trước nay sống ở khu Nam hay ở các quận như Tân Phú, Tần Bình, Bình Tân, Bình Chánh, ngày phải đối mặt với tình trạng kẹt xe đã tính đến chuyện phải chuyển về khu Đông để sinh sống”, ông Trinh nói và cho biết, hiện nay, tình trạng kẹt xe ở các quận kể trên khó có thể giảm, mà chỉ có thể ngày càng trầm trọng hơn do đây là những khu vực dân cư hiện hữu ổn định, khó có thể mở rộng đường, trong khi khu Đông nhờ phát triển sau, nên hướng mở về giao thông rất thông thoáng. Do vậy, việc ngày càng nhiều muốn chuyển về khu Đông để an cư đã trở thành xu hướng của nhiều người muốn tìm sự thông thoáng và tránh tình trạng kẹt xe.

Qua khảo sát thực tế của Báo Đầu tư Bất động sản thời gian qua, tính thanh khoản lẫn giá nhà đất tại khu Đông luôn tăng mạnh. Theo đó, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá đất nền tại một số khu vực có giao thông kết nối thuận lới có mức tăng mạnh nhất, từ 40 - 60%.

Chẳng hạn, một số dự án khu đô thị dọc tuyến đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đều có mức tăng mạnh như Lakeview City của Novaland tăng từ 6 tỷ đồng/căn lên 7 - 8 tỷ đồng/căn; các dự án khu dân cư Merita của Khang Điền đã tăng khoảng 2 tỷ đồng/căn so với thời điểm đầu năm 2016; Khu đô thị Palm City của Kepple Land cũng tăng khoảng 40% chỉ trong vài tháng công bố dự án ra thị trường…

Tại quận Thủ Đức, giá đất nền của Dự án Him Lam Phú Đông do Him Lam Land làm chủ đầu tư giá đất đã tăng từ 23 triệu đồng/m2 lên 30 - 38 triệu đồng/m2. Hay như dự án đất nền thương mại MoonLight residences trên đường Đặng Văn Bi của Hưng Thịnh đã tăng từ 65 triệu đồng/m2 lên 80 - 85 triệu đồng/m2…

Không chỉ đất dự án, mà đất thổ cư khu Đông thời gian qua cũng chứng kiến mức tăng khá cao. Theo khảo sát, so với cách đây 2 năm, giá nhà đất tại các khu dân cư thuộc các quận của khu Đông đều tăng ít nhất 30%.

Trước nhu cầu lớn về nhà ở, dù giá tăng cao, nhưng giao dịch tại khu Đông cũng diễn ra rất sôi động. Trong khi, nhiều dự án từ căn hộ và đất nền ở các khu vực khác ít nhiều gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng, thì ở khu Đông, hầu hết các dự án vừa tung ra thị trường đều nhận được kết quả bán hàng khá tốt.

Chính từ thực tế này, hiện nay, khu Đông đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà phát triển dự án lớn. Hầu hết các đại gia có tiềm lực về tài chính như Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điều, Đại Quang Minh, Đất Xanh, Thủ Đức House, Vingroup…, đều có dự án đầu tư tại khu Đông. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư ở các tỉnh lẻ, nay cũng đã bắt đầu đặt chân vào thị trường khu Đông như Công ty Địa ốc Kim Oanh, Công ty Tấc Đất Tấc Vàng…

Theo các chuyên gia bất động sản, với nhiều lợi thế đã, đang và sẽ có, cùng với quỹ đất phát triển còn khá dồi dào, khu Đông sẽ là sân chơi lớn nhất của thị trường địa ốc TP.HCM trong thời gian tới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan