Doanh nghiệp môi giới bất động sản, “thấy người sang bắt quàng làm họ”

Doanh nghiệp môi giới bất động sản, “thấy người sang bắt quàng làm họ”

(ĐTCK) Vietinhomes không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Vietinbank; Mailinh Land cũng không phải là công ty con của Tập đoàn Mai Linh; Vincomreal hề có họ hàng gì với Vincom (một thương hiệu nổi tiếng của Vingroup)... Đó chỉ là những doanh nghiệp môi giới bất động sản "mượn tên" ông lớn để dễ bề hoạt động.

Hầu hết người lao động khi nghe nhắc đến các thương hiệu nổi tiếng như Vietinbank, Techcombank, Vingroup, Mai Linh Group… đều mong muốn được đầu quân. Bởi các doanh nghiệp nổi tiếng đã có mặt trên thương trường hàng chục năm qua, với uy tín cao và luôn được tôn trọng nhất định từ khách hàng đến đối tác.

Vì vậy mà hoạt động của nhân viên trong các đơn vị đó cũng dễ dàng hơn, với mức thu nhập không tệ. Vậy nhưng, tiếng tốt ấy khiến nhiều người ăn theo. Đặc biệt, trên thị trường địa ốc gần đây, hàng loạt doanh nghiệp môi giới địa ốc ra đời “bám” theo các thương hiệu ấy…

Những “đứa con” ngang xương

Vietinhomes không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Vietinbank, càng không phải là công ty con của Ngân hàng nổi tiếng này. Doanh nghiệp được lập nên bởi một cá nhân lạ lẫm trên thương trường. Tương tự, Mailinh Land cũng không phải là công ty con của Tập đoàn vận tải nổi tiếng Mai Linh Group. Nhưng trên Website của Mailinh Land tràn lan những hình ảnh mang thương hiệu Mai Linh Group.

Vincomreal là doanh nghiệp có quan hệ “con cháu” với Vincom (một thương hiệu nổi tiếng của Vin Group)? Hoàn toàn chẳng có mối quan hệ liên đới nào. Vincomreal là doanh nghiệp dịch vụ môi giới với nhiều phân khúc sản phẩm, theo kiểu “Ai cần bán, Tôi môi giới”. Ngay cả An Gia Invest - một thương hiệu đầu tư bất động sản mới nổi với dự án “khủng” River City - cũng bị “nhái” thương hiệu. An Gia Real không có vốn đầu tư từ An Gia Invest và không có bất kỳ mối quan hệ “máu mủ” nào.

Gần đây, người lao động rất thường nghe đến những cái tên Techcomreal, VPReal, ANZHomes... và còn nhiều doanh nghiệp môi giới khác “ăn theo” thương hiệu của các ngân hàng nổi tiếng. Thực sự họ là ai? Có vốn đầu tư từ những ngân hàng nổi tiếng này không? Có phải là công ty con của những ngân hàng này? Không ai biết, ngoại trừ người trong cuộc.

Những thương hiệu bị được sự dụng vô tội vạ, tuyển dụng nhân sự đủ mọi phương thức. Người lao động hoàn toàn không biết được đâu là… “vàng thật, vàng giả” trong “mê hồn trận” thương hiệu môi giới bất động sản. 

Có thể hiểu được sức ép của các doanh nghiệp môi giới trong bối cảnh “vạn người bán, trăm người mua” như hiện nay. Năm 2016, một dự án lớn ở khu vực TP.HCM mở bán và thu hút tới gần 40 sàn giao dịch tham gia phân phối bởi hoa hồng cao và danh tiếng chủ đầu tư tốt.

Nhân sự hầu hết sàn môi giới hiện nay đều là “mỡ nó rán nó”, nếu bán được sản phẩm thì cắt hoa hồng mà không có lương thường xuyên. Tuy nhiên, nếu  vì áp lực phải rải quân ra bán hàng mà quảng cáo tuyển dụng “giật gân” đại loại như: “Thu nhập khủng. Vest phẳng lỳ, nước hoa thơm phức, đi xế hộp…” nhằm thu hút người lao động thì có vẻ hơi quá lố. 

Kinh doanh địa ốc: Cần chữ tâm!

Hiện nay, những lớp học kinh doanh bất động sản, bí quyết làm giàu, marketing online… xuất hiện ngày một dày đặc, tràn lan đến độ mất kiểm soát. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy như thế nào lại là một câu chuyện khác, bi hài và ly kỳ không kém phim hành động ở Hollywood.

Chẳng hạn, đang có một “nữ hoàng bất động sản” đang tổ chức các lớp học nhuốm màu đa cấp mà theo quảng cáo, đã có cả triệu người tham gia. Vị nữ diễn giả lên facbook giới thiệu kiếm lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi tháng và hiện trở thành triệu phú đô la từ một người ở dưới đáy xã hội chỉ sau vài năm.

Các doanh nghiệp dịch vụ môi giới địa ốc lần lượt được hình thành, mang theo hơi hướng của “trào lưu” khởi nghiệp. Họ cạnh tranh lẫn nhau trong hoạt động tuyển dụng, hứa hẹn với người lao động sẽ có thu nhập khủng, môi trường làm việc chuyên nghiệp… Tuy nhiên, những lời hứa không thành hiện thực đó đang hạ thấp nghề môi giới bất động sản, thậm chí đã có những trường hợp nhuốm màu đa cấp.

Vì tỷ lệ hoa hồng cao, vì món lợi nhuận lớn nên nhiều doanh nghiệp dịch vụ môi giới không ngần ngại khi đánh đổi… chữ Tâm, chữ Tín trong ngành. Chưa nói đến những nhân viên môi giới sẵn sang “hạ tỷ lệ hoa hồng” nhằm lôi kéo, tranh giành khách hàng với đồng nghiệp bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi mà chỉ có… dân trong nghề mới hiểu.

Đáng ngại hơn là những ngân hàng/doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu được gây dựng hàng chục năm đang bị “ăn theo” bởi nhà đơn vị dịch vụ môi giới địa ốc làm ăn thiếu quy củ à chụp giật. Thiết nghĩ, chính đại diện những thương hiệu trên cần lên tiếng để tự bảo vệ mình. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng cần có chế tài nghiêm khắc với những hành động “thấy người sang bắt quàng làm họ” nói trên.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan