Nhiều chủ đầu tư dự án sẽ gặp khó khăn khi bị cấm bù trừ lỗ, bởi 70% trong số khoảng 1.700 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều chủ đầu tư dự án sẽ gặp khó khăn khi bị cấm bù trừ lỗ, bởi 70% trong số khoảng 1.700 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp bất động sản đang chịu thành kiến về thuế

Không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng lâu nay, kinh doanh bất động sản vẫn gánh chịu nhiều thành kiến mà câu chuyện cấn trừ lãi - lỗ của khối doanh nghiệp này là ví dụ “kinh điển”.     

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về quy định cấm lấy lãi từ kinh doanh bất động sản để bù cho khoản lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp trong tính thuế thu nhập, ông Lê Xuân Anh, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) không khỏi bức xúc. Theo ông Anh, kinh doanh bất động sản không phải là ngành kinh doanh “có điều kiện” hoặc độc quyền, nhưng lại đang có sự phân biệt trong chính sách thuế với khối doanh nghiệp này.

“Như mọi doanh nghiệp, mọi ngành nghề, kinh doanh bất động sản cũng bắt đầu từ những đồng vốn góp của mỗi cá nhân và tài sản của gia đình họ. Khi thua lỗ, chủ doanh nghiệp cũng bán nhà,  thậm chí đi tù”, ông Anh nói.

Trong khi đó, Luật thuế sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 quy định, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế” (Điều 1, khoản 3).

"Chính sách thuế riêng cho hoạt động kinh doanh bất động sản vô hình trung tạo ra sự bất công trong môi trường kinh doanh" - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính.

Nghị định số 218/2014/NĐ-CP và Thông tư số 78/2014/TT-BTC cũng quy định, trường hợp trong các kỳ tính thuế trước, doanh nghiệp đang bị lỗ (nếu còn trong thời hạn chuyển lỗ) thì doanh nghiệp phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản).

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy định như vậy đã đánh đồng hoạt động kinh doanh bất động sản với khai thác khoáng sản – một ngành kinh doanh có điều kiện.

Kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo HoREA bày tỏ, bất động sản là một trong những ngành kinh tế nền tảng của đất nước, có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế khác, cung ứng nhiều sản phẩm, đặc biệt là nhà ở và góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Do đó, cơ chế hạch toán thuế của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng cần bình đẳng như tất cả doanh nghiệp khác. Đó là, doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề có thể dùng lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tối ưu thuế.

Là người theo đuổi hoạt động kinh doanh bất động sản trong nhiều năm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, bất động sản không phải là ngành kinh doanh “siêu lợi nhuận” như đồn đại.

Thực tế, cả nước có khoảng 1.700 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản,  nhưng hơn 70% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng. Ngược lại, 70 - 80% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp là vốn vay ngân hàng. Với quy định hiện nay, khi chuyển nhượng bất động sản có lãi, doanh nghiệp phải hạch toán riêng, dù hoạt động sản xuất kinh doanh khác đang thua lỗ. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp nộp thuế xong, số tiền còn lại cũng không đủ để trả ngân hàng.

Theo ông Đính, những quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đều cho phép doanh nghiệp được hạch toán lãi - lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được bù trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở ASEAN, hiện chỉ có Việt Nam và Malaysia chưa cho phép bù trừ lãi - lỗ của các hoạt động kinh doanh với nhau. Lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản vẫn phải kê khai riêng, cho dù doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động kinh doanh khác.

“Chính sách thuế riêng cho hoạt động kinh doanh bất động sản vô hình trung tạo ra sự bất công trong môi trường kinh doanh. Đây là vấn đề cần sớm loại bỏ”, ông Đính đề nghị.

Tin bài liên quan