Ecolife Capitol là một trong những dự án đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận EDGE của Tổ chức IFC

Ecolife Capitol là một trong những dự án đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận EDGE của Tổ chức IFC

Định giá dự án xanh, không chỉ nhìn trong ngắn hạn

(ĐTCK) Việc xác định giá trị thật của một dự án bất động sản đã khó, định giá cho một dự án mác xanh còn khó hơn, bởi "xanh" là một tiêu chí mang tính định tính nhiều hơn định lượng.

Nghi ngờ trong ngắn hạn

Cuối tháng 11/2015, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Thủ đô (Capital House) chính thức mở bán dự án Ecolife Capitol ra thị trường. Nằm ở trục đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), dự án gây chú ý khi là một trong những dự án đầu tiên được giới thiệu ra thị trường gắn mác "xanh" với chứng nhận EDGE do Tổ chức IFC cấp. Dù giá bán không hề thấp, lên tới 28 triệu đồng/m2, nhưng dự án vẫn có thanh khoản thuộc loại tốt nhất thời điểm đó, với gần 90% số căn được bán.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Capital House lúc đó, để triển khai dự án xanh, chủ đầu tư đã mạnh dạn thay đổi hoàn toàn phương án thiết kế để theo bộ nguyên tắc của IFC.

"Người mua nhà hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, mức giá mình bỏ ra là xứng đáng 'đồng tiền bát gạo', với một thiên đường sống xanh, lành mạnh, thân thiện với môi trường", vị này khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi bàn giao nhà, dự án đã gặp phải nhiều phản đối từ phía khách hàng, bởi họ cho rằng, dự án không đúng với những gì quảng cáo về "xanh". Ngoài ra, các thiết bị, chi tiết sàn gỗ, tay nắm cửa, bồn tắm, vách kính khu bếp…, không đúng theo hợp đồng mua bán đã ký.

Tương tự Ecolife Capitol, Anland Complex do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư cũng là dự án đạt tiêu chuẩn xanh EDGE của IFC. Dù dự án vẫn đang trong quá trình triển khai, nhưng có một số ý kiến nghi ngờ về khả năng dự án đạt được ngưỡng cân bằng năng lượng như mong muốn ở thông điệp "zero energy", nhất là khi chi phí dành cho thiết kế chưa đầy 1%, trong khi khoản phí này ở một số nước lên tới 10% tổng vốn đầu tư.

Lợi ích trong dài hạn

Theo đánh giá của ông Richard Colville, Giám đốc Dịch vụ quản lý tài sản, CBRE Việt Nam, trong dài hạn, một dự án bất động sản phát triển theo tiêu chí xanh sẽ mang lại nhiều giá trị lợi ích cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư.

Các lợi ích đó bao gồm tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước hiệu quả, giảm lượng khí thải CO2, cải thiện chất lượng môi trường không chỉ bên ngoài, mà quan trọng hơn là bên trong ngôi nhà. Cụ thể, hệ thống thông gió hiệu quả hơn sẽ giúp giảm nấm mốc, ẩm ướt, tạo sự thoải mái và cải thiện sức khỏe cho gia chủ. Nó cũng giúp giảm năng lượng thụ động, giảm đáng kể nhiệt bên trong nhà, qua đó tiết kiệm hóa đơn tiền điện. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu không có chất độc hại cũng giúp cải thiện sức khỏe hô hấp cho cư dân.

Một số lợi ích nữa là dự án xanh là giúp tăng cường nguồn ánh sáng tự nhiên, giảm sử dụng năng lượng, giúp nâng cao cảnh quan, tạo sự thoải mái và hạnh phúc cho toàn cư dân. Kiểm soát lượng nước cấp, thoát của công trình hiệu quả cũng sẽ giảm chi phí và áp lực cho hệ thống cống rãnh công cộng. Tăng cường cây xanh, cảnh quan giúp “làm mát” dự án, cải thiện việc tiếp cận cho cư dân và giảm ô nhiễm.

Bên cạnh đó, việc thiết kế và thi công công trình xanh sẽ cải thiện được khả năng quản lý công trình và tăng tuổi thọ của tòa nhà.

Tuy nhiên, thực tế, các tiêu chí này không dễ nhận ra và không dễ đánh giá, bởi nó mang tính định tính nhiều hơn định lượng. Dù có định lượng được, nhưng do chưa thực sự quan tâm, hoặc không có thời gian kiểm chứng, nên người sử dụng sẽ không thấy nhiều sự khác biệt trong thời gian đầu sinh sống. Vì thế, tâm lý người mua nhà sẽ có sự so sánh về mức giá khi về sinh sống tại các công trình, nhưng về dài hạn các tiêu chí này mới rõ ràng hơn.

Ông Đặng Thành Long, đại diện của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) cho biết, mặc dù thị trường đã bắt đầu nhìn thấy thực tế là các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể, đặc biệt là những người mua nhà và sinh sống trực tiếp tại các dự án này, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhận thức của người tiêu thụ về các dự án “xanh” vẫn không được cải thiện nhiều, dẫn đến hệ quả là có sự lẫn lộn giữa các dự án "xanh thật sự" và "gắn mác xanh".

Tuy nhiên, khi nhiều công trình xanh thật sự đi vào hoạt động, người mua nhà được nâng cấp hơn về vấn đề xanh hóa tại các dự án, khi đó, công trình xanh sẽ phát huy được những lợi thế đặc biệt của mình so với các công trình thông thường cùng chung phân khúc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan