Điều đọng lại sau những kết luận thanh tra

Điều đọng lại sau những kết luận thanh tra

(ĐTCK) Liên tục trong một vài tuần vừa qua, một loạt kết luận thanh tra của cơ quan quản lý được công bố liên quan đến việc quản lý, đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, dự án nhà ở, khu đô thị tại nhiều địa phương, trong đó có TP. Hà Nội và TP.HCM.

Thông qua kết luận thanh tra, nhiều vi phạm được nêu ra, từ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quản lý và cấp phép đầu tư, xây dựng khi chưa có giấy phép…, đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của nhiều chủ đầu tư chưa đúng, chưa đủ và chưa nộp lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Các kết luận không khẳng định mức độ vi phạm, nhưng với tâm lý gần đây chỉ quen với những vi phạm “nhỏ nhặt” như xây vượt tầng, chưa đảm bảo PCCC, hay nợ thuế đất một vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, thị trường dường như chịu một cú sốc lớn về quy mô của các hành vi được kết luận là sai phạm.

Do đó, không ngạc nhiên khi hiệu ứng của các kết luận này ngay lập tức bao phủ một tâm lý ảm đạm lên toàn bộ thị trường, bởi những doanh nghiệp bị kết luận với nhiều vi phạm nhất đều nằm trong Top doanh nghiệp dẫn dắt thị trường bất động sản với loạt dự án trải dài.

Tuy nhiên, một số bản kết luận thanh tra dường như chưa khiến các bên liên quan tâm phục, khẩu phục!

Một số đối tượng thanh tra cho rằng, họ chưa nhận được kết luận thanh tra để phản hồi những điểm theo họ là chưa thấu đáo, trong khi nhiều phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội gieo rắc những thông tin sốc khiến thương hiệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Và một trường hợp hy hữu là ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về một dự án của Tập đoàn FLC tại địa phương vi phạm một số thủ tục, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đăng đàn phản hồi.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định đầu tiên xin nhận trách nhiệm về việc cho phép hành vi "vi phạm" vừa thực hiện dự án vừa hoàn thiện thủ tục diễn ra, nhưng cũng cho rằng, nếu cứ tuần tự theo thủ tục thì phải kéo dài hàng năm và khiến nhà đầu tư nản lỏng bỏ đi.

Lo ngại của ông Dũng là có lý trong bối cảnh nhà đầu tư lớn hiếm như “sao buổi sớm”. Địa phương nào cũng mong ngóng chào mời, bởi chỉ một vài đại dự án là có thể khiến đời sống kinh tế cả tỉnh “lên hương”.

Ngay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị thu hút đầu tư vào Quảng Nam mới đây cũng khẳng định tầm quan trọng của những “con sếu đầu đàn” trong việc phát triển kinh tế các địa phương.

Ở tầm vi mô hơn, nếu đặt vé máy bay đi Bình Định vào những ngày hè năm nay đều thấy các chuyến bay kín chỗ. Và những bác tài taxi từ Sân bay Phù Cát về các dự án nghỉ dưỡng của FLC luôn tươi rói vì thu nhập như họ cho biết là “tăng lên dăm bảy lần so với khi chưa có dự án”.

Vậy nên, vi phạm của nhà đầu tư nếu có, hẳn sẽ được lãnh đạo Bình Định nói riêng và các địa phương nói chung coi là “cái lỗi nhỏ so với cái công to”. Chưa kể, rất nhiều doanh nghiệp từng bộc bạch với người viết, họ sợ các cuộc thanh tra hàng năm, ít thì 1 - 2 lần, nhiều thì 5 - 6 lần từ các bộ, ban, ngành khác nhau.

Ở góc nhìn chính sách, từ các bản kết luận thanh tra, theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, có lẽ các cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại các thủ tục, cơ chế…, để hạn chế thấp nhất những chính sách “đúng nhưng không còn hợp thời”, để các chủ đầu tư không phải “tặc lưỡi” vi phạm trong quá trình triển khai dự án.      

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan