Dự án Saigon One Tower đang được cho là làm xấu xí TP. HCM. Ảnh: Gia Huy

Dự án Saigon One Tower đang được cho là làm xấu xí TP. HCM. Ảnh: Gia Huy

Điểm mặt những dự án bất động sản làm xấu TP.HCM

(ĐTCK) Tại buổi  buổi làm việc với các doanh nghiệp hạ tầng và bất động sản cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ ra 3 dự án “điểm” làm xấu thành phố gồm Saigon One Tower, tòa tháp SJC và Lavenue Crown. 

Nhan nhản dự án “xấu xí”

“Tôi không hài lòng với việc các dự án đất vàng đang trong tình trạng dang dở làm xấu TP. HCM. Tôi đề nghị Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các công trình xây dựng đang triển khai. Dự án nào đang dở dang thì tập trung xử lý, dự án nào chưa khởi công thì phải xem lại cụ thể có khởi công được hay không để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm”, đây là bức xúc của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM tại buổi làm việc với các doanh nghiệp hạ tầng và bất động sản cuối tuần qua. 

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thành Phong chỉ ra 3 dự án “điểm” làm xấu thành phố gồm Saigon One Tower, tòa tháp SJC và Lavenue Crown. Tuy nhiên, các chuyên gia và người dân lại cho rằng, danh sách này chưa đủ. Thực chất, TP. HCM đang có hàng trăm dự án đang làm xấu bộ mặt quy hoạch phát triển Thành phố.

Dự án Saigon One Tower được nhắc tới ở trên nằm tại số 34 Tôn Đức Thắng, khởi công từ năm 2007, dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP. HCM (trên 195 m).

Với diện tích 6.672 m2, thiết kế là một tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao. Tổng số vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng và có lối kiến trúc độc đáo, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt Thành phố.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng được khoảng 80% phần thô thì công trình này ngưng thi công từ năm 2011 đến nay. Sau thời gian dài, nhiều hạng mục dự án xuống cấp, hoen rỉ. Dự án này nằm cách toà nhà Bitexco chỉ một con đường Hàm Nghi chưa đến 200 m nên đứng từ trung tâm Thành phố nhìn ra rất dễ thấy những hạng mục chưa hoàn thiện nằm bất động suốt thời gian dài.

Dự án Saigon One Tower đang được cho là làm xấu xí TP. HCM. Ảnh: Gia Huy 

Trong khi đó, tòa tháp SJC tọa lạc tại khu đất vàng có mặt tiền trên tuyến đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi. Dự kiến trên khu đất rộng 8.600 m2 này sẽ có sự hiện diện của tòa nhà 54 tầng, 6 tầng hầm, cao 200 m với mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi được phê duyệt vào năm 2007 đến nay, dự án này chỉ là một bãi đất trống, được bao bọc bởi hàng rào tôn.

Bên cạnh đó, dự án Lavenue Crown nằm cạnh Trung tâm thương mại Diamond, đối diện cửa chính UBND quận 1, được thiết kế là khu phức hợp căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại. Dự án này có quy mô xây dựng lớn nhất trục đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng với 36 tầng, rộng 4.921 m2. Tuy nhiên, đến nay mảnh đất này vẫn là bãi giữ xe.

Ngoài ra, tại quận 1 còn tồn tại những dự án làm xấu Thành phố như dự án khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu Mả Lạng quận 1. Dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2007, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện, khu vực này biến thành khu ổ chuột giữa TP. HCM.

Không chỉ ở quận 1, dự án xóa nhà ven kênh được TP. HCM triển khai từ năm 1993 nhằm giải tỏa hàng chục ngàn ngôi nhà ổ chuột tại 67 tuyến kênh trên toàn Thành phố, nhưng tới nay vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn mọc thêm hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven các kênh rạch.

Trong đó, nhiều nhất là địa bàn quận 8, với hơn 9.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung tại các tuyến kênh như Kênh Đôi, Tàu Hũ, Lò Gốm, Ruột Ngựa, Ông Bé... Tại quận Bình Thạnh, hệ thống rạch xuyên tâm với chiều dài là 8,2 km có hơn 1.600 hộ dân sống… Đây chỉ là số ít trong 67 tuyến kênh rạch tại Thành phố bị người dân xây nhà bên trên sinh sống.

Ngoài ra, còn tồn tại những dự án quy hoạch khu đô thị đã 20 năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện như khu bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh được quy hoạch từ những năm 1996 nhưng tới nay, nơi đây vẫn là những cánh đồng bạt ngàn…

Mạnh tay liệu đã là giải pháp?

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Xây dựng TP. HCM rà soát lại tất cả các công trình xây dựng đang triển khai. Dự án nào đang dở dang thì tập trung xử lý, còn dự án nào chưa khởi công thì phải xem lại cụ thể. Bởi các dự án trên đất vàng đang trong tình trạng dở dang là yếu tố làm xấu đi diện mạo Thành phố.

Theo nhiều chuyên gia, đến nay mới thực hiện rà soát các dự án không đúng tiến độ là chậm. Bởi hiện tại đã có những dự án hết hoặc gần hết hạn đầu tư. Chẳng hạn, hợp đồng cho thuê khu đất của dự án Lavenue Crown sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Khu đất cũng đang được trả lại mặt bằng. Trong khi đó, đại diện Công ty Kinh Đô một lần nữa khẳng định, dự án sẽ khởi động vào cuối năm 2017.

Lý giải về việc chậm triển khai, đại diện Kinh Đô cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ triển khai dự án ở các khu "đất vàng". Trong đó, thủ tục chậm, vướng giải phóng mặt bằng, diễn biến ảm đạm của thị trường thời gian qua, việc triển khai dự án không đúng lúc, sản phẩm không bán được sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bài toán kinh doanh của nhà đầu tư...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, những dự án “bất động” hiện nay rất khó phát triển trở lại nếu vẫn thuộc sở hữu của các chủ đầu tư cũ, bởi số nợ vay ngân hàng để phát triển dự án đã vượt quá khả năng của chủ đầu tư. Ngoài ra, ít có khả năng kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn nhằm tiếp tục thực hiện bởi khó mang lại lợi nhuận đủ sức hút.

Việc bán lại dự án cũng không thể, vì nhiều dự án vay ngân hàng, qua nhiều năm số nợ và lãi quá cao, trong khi chủ đầu tư muốn bán có lãi. Vậy là những dự án như Saigon One Tower vẫn chết lâm sàng.

“Để những dự án này phát triển lại, Thành phố cần có giải pháp như hỗ trợ vốn vay cho chủ đầu tư”, ông Châu nói.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lãnh đạo Thành phố quyết định “mạnh tay” với những dự án làm xấu thành phố là đúng nhưng chưa đủ; cần phải có giải pháp lâu dài và cơ chế rõ ràng. Đơn cử việc chủ đầu tư dự án Lavenue Crown cho rằng, chậm thực hiện dự án do vướng thủ tục hành chính.

Đây là “lý do muôn thủa” thường được các nhà đầu tư sử dụng. Chính quyền Thành phố cần có biện pháp giải quyết dứt điểm lý do này: nếu đúng đang bị vướng thì xử lý ngay, nếu không thì cần “mạnh tay” với các nhà đầu tư chây ỳ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan