Địa ốc dưới 20 triệu đồng/m2 sẽ là “hàng hiếm”

Địa ốc dưới 20 triệu đồng/m2 sẽ là “hàng hiếm”

Đây là khẳng định của tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc nghiệp vụ, bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí khi bối cảnh thị trường bất động sản đang lâm vào cảnh “ngủ đông”.

Ông Sử Ngọc Khương

Ông Sử Ngọc Khương

Khi mà các phân khúc bất động sản từ cao cấp đến trung cấp đang “ế” thì phân khúc có giá bình dân 20 triệu đồng một m2 trở xuống lại có vẻ đắt hàng và bán tốt. Theo ông, tại sao lại có sự chuyển đổi định hướng phân khúc từ người mua?

Sự chuyển đổi định hướng đầu tư của người mua vào phân khúc dưới 20 triệu đồng một m2 là do họ đã chọn đúng “điểm rơi” của thị trường. Trên thực tế, phân khúc này dành cho đại bộ phận người dân có mức thu nhập trung bình còn đang bị bỏ ngỏ, không được chủ đầu tư chú trọng.

 

Liệu đây có phải  là xu hướng sắp tới của thị trường địa ốc không?

Trong bối cảnh hiện tại, phân khúc nhà giá rẻ dưới 20 triệu đồng một m2 đang được nhiều người mua quan tâm thì phân khúc trung và cao cấp lại “đắp chiếu” do khó khăn về nguồn tiền và không có tính thanh khoản nhanh. Sở dĩ, phân khúc thấp bung ra vào thời điểm này là hợp lý vì đáp ứng được đa phần thị hiếu người mua ở thực, cộng với tinh thanh khoản tốt.

Thậm chí, có thể coi đây là xu hướng chủ đạo của thị trường bất động sản thời gian tới. Vì tâm lý “liệu cơm gắp mắm” của người tiêu dùng ngày càng được bộc lộ rõ rệt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Chính vì lẽ đó, trong vòng một năm tới, nhu cầu người mua sẽ chú trọng vào phân khúc bất động sản có giá dao động từ 10 đến dưới 20 triệu đồng một m2, do hợp với túi tiền.

Bên cạnh đó, từ giờ đến cuối năm không có điều chỉnh nào về kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản sẽ quay về phục vụ cho những người có nhu cầu ở thực, không còn chỗ trú ẩn cho những nhà đầu tư lướt song, tạo “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường.

 

Vậy, phân khúc trung và cao cấp sẽ diễn tiến như thế nào?

Việc bị thắt chặt tín dụng nên phân khúc trung và cao cấp bị người tiêu dùng “quay lưng” là điều dễ hiểu. 2 - 3 năm trước, cán cân thuộc người bán còn hiện nay cán cân thuộc về người mua. Đây là thời điểm thanh lọc giữa người mua và người bán ở phân khúc từ trung đến cao cấp. Chỉ khi chủ đầu tư có cam kết về tiến độ dự án, chất lượng công trình, hạ tầng kỹ thuật… mới có thể làm cho người mua những phân khúc này mở hầu bao.

 

Lời khuyên cho người mua bất động sản trong thời điểm khó khăn hiện nay là gì?

Giữa lúc thị trường gặp khó khăn thì theo tôi, đây lại là thời điểm tốt cho những người có nhu cầu mua nhà thực sự, vì cán cân đang thuộc về người mua. Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hiện tại buộc phải tăng mãi lực và cải thiện hoạt động kinh doanh với nhiều “chiêu” như: Công khai thông tin dự án, tăng cường thông tin minh bạch, cam kết bàn giao nhà đúng dự kiến… Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải tái cơ cấu danh mục đầu tư bằng cách chuyển nhượng dự án để sản sinh ra tiền đầu tư vào những dự án còn đang dở dang, làm tăng thêm nguồn cung vào thị trường.

Theo các chuyên gia, phân khúc địa ốc có giá trên dưới 20 triệu đồng một m2 đang được nhiều người tìm mua và đặt hàng do giá cả phù hợp. Ông Trần Quốc Khánh, CT HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ ước tính, Hà Nội hiện có khoảng trên dưới 1.000 căn hộ thuộc phân khúc này, đang được các chủ đầu tư chào bán trên thị trường như: Dự án Tân Việt có giá từ 14-15 triệu đồng/m2, khu căn hộ Làng BIDV tại huyện Mê Linh có giá 13,8 triệu đồng/m2 hay dự án Nam Đô Complex 22 triệu đồng/m2…