Địa ốc 7 ngày: Thị trường rục rịch đầu Xuân

Địa ốc 7 ngày: Thị trường rục rịch đầu Xuân

(ĐTCK) Doanh nghiệp đua mở bán nhà đất giá rẻ tại Tây Bắc TP.Hồ Chí Minh, CBRE dự báo giá bất động sản năm 2016, các ý kiến xoay quanh quy định siết van tín dụng với bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là những thông tin đáng chú ý trên thị trường địa ốc đầu năm Bính Thân.

1. Doanh nghiệp bán khai xuân nhà đất giá rẻ khu vực Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh.

Ghi nhận thị trường những ngày đầu năm mới, tại TP.Hồ Chí Minh các sản phẩm nhà đất giá rẻ có vị trí thuộc hoặc tiếp giáp các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, chếch về phía Tây Bắc thành phố là sản phẩm được các Công ty bất động sản mở bán khai xuân.

Khảo sát của VnExpress, mùng 6-10 Tết khá đông doanh nghiệp bất động sản đã đồng loạt khai trương và bán hàng ngay trong ngày. Khai trương ngày 15/2(mùng 8 Tết), Công ty địa ốc Thắng Lợi tiến hành mở bán dự án Newlife An Hạ tại huyện Bình Chánh. Đất nền, nhà liên kế và nhà vườn dự án này giá 500-700 triệu đồng và cao nhất không quá một tỷ đồng/sản phẩm.

Địa ốc 7 ngày: Thị trường rục rịch đầu Xuân ảnh 1

Dự án Cát Tường Phú Nguyên 

Địa ốc Cát Tường Đức Hòa cũng mở bán khu đô thị thương mại dịch vụ Cát Tường Phú Nguyên tọa lạc ngay mặt tiền Tỉnh lộ 824, cách Hóc Môn 3 km. Dự án thuộc địa phận tỉnh Long An nhưng giáp ranh khu Tây Bắc TP HCM nên các nền đất, nhà phố có giá khá mềm, dao động khoảng 260-550 triệu đồng một sản phẩm.

Ngoài ra, nguồn cung bán vét, những đợt bán kế tiếp từ các dự án giá rẻ tại khu vực Tây Bắc Sài Gòn vẫn đang xả hàng rầm rộ ngay sau Tết gồm: Daresco Residence, An Hạ Lotus, Ecity Tân Đức…

Nhận định về diễn biến này, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho rằng có 4 lý do các dự án phía Tây Bắc thành phố được bung hàng sớm nhất trong năm Bính Thân.

4 lý do gồm hạ tầng có khả năng cải thiện trong thời gian tới; môi trường trong lành, nhiều mảng xanh và sông nước tự nhiên; là nơi phù hợp giãn các khu công nghiệp về ; diện tích đất đai còn lớn và mật độ cư dân thấp, giá rẻ hơn khu chính Tây, Tây Nam trung bình 40%.

Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy và kinh doanh bất động sản tại TP HCM khuyến cáo, với dòng vốn rẻ, vị trí khuất hơn so với hướng chính Tây, Tây Nam và trục Đông - Nam, khu Tây Bắc tuy có nhiều tiềm năng nhưng thời gian hình thành cụm đô thị khá dài (từ 5-10 năm). Nếu phù hợp quãng đường di chuyển, mua để ở là quyết định khá ổn. Trường hợp đầu tư, cần phải chấp nhận cuộc đua đường trường mới có tỷ suất sinh lời mong đợi.

2. CBRE dự báo giá bất động sản tiếp tục tăng trong năm 2016

Theo báo cáo “Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam 2016” của CBRE, tại TP.HCM, nhìn về tương lai, nhiều dự án nổi bật hàng đầu sẽ được mở bán trong 2-3 năm tới.

CBRE ước tính hơn 18.200 căn hộ hạng sang và cao cấp sẽ được chào bán trong năm 2016. Xét về nguồn cầu, tỷ lệ tiêu thụ năm 2016 dự kiến sẽ chậm hơn so với năm 2015 bởi các dự án mới đều chào giá cao hơn hẳn và người mua cần thời gian để thích ứng với ngưỡng giá mới này.

Đánh giá triển vọng tương lai, CBRE dự báo giá có thể đạt đỉnh vào năm 2016 và giảm dần trong giai đoạn 2017 – 2018. Trước thực tế người mua ngày càng kén chọn hơn trong khi nguồn cung dồi dào hơn, chủ đầu tư sẽ phải cẩn trọng trong việc tăng giá để đảm bảo mục tiêu doanh số như kế hoạch đề ra.

Vì vậy, giá chỉ tăng chủ yếu nhờ những dự án ở vị trí vàng và những dự án cao cấp quy mô lớn nằm trong khu trung tâm mở rộng hay tại Quận 2 trong năm 2016 và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tại Quận 7 trong năm 2017.  

Địa ốc 7 ngày: Thị trường rục rịch đầu Xuân ảnh 2

Tại Hà Nội, các dự án cao cấp với quy mô lớn đã được công bố và dự kiến được mở bán trong 2-3 năm tới. CBRE ước tính khoảng hơn 6.000 căn hộ cao cấp sẽ được tung ra thị trường trong năm 2016, tương đương 2015.

Xét về nhu cầu, độ hút khách trong năm 2016 dự kiến sẽ ở mức tương tự hoặc cao hơn năm 2015. Nhìn vào tương lai đến năm 2016 và xa hơn nữa, CBRE dự đoán rằng giá sẽ ổn định và tăng trưởng ở mức khiêm tốn.

Vì lý do người mua hiện tại có nhận thức rõ ràng hơn và nguồn cung cũng dồi dào hơn, các nhà đầu tư cũng đang thận trọng trong việc tăng giá bán để đảm bảo tiến độ bán hàng theo kế hoạch. CBRE dự đoán rằng tốc độ tăng giá có thể mạnh mẽ nhất trong năm 2016 và có khả năng chậm lại trong năm 2017-2018.

3. Nhiều ý kiến trái chiều về quy định siết cho vay bất động sản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với các điều khoản siết van tín dụng với bất động sản. Tác động chính của việc này này là kiểm soát và thu hẹp tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản.

Địa ốc 7 ngày: Thị trường rục rịch đầu Xuân ảnh 3

Cụ thể tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn được giảm mạnh, từ mức 60% xuống 40% đối với các Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Hợp tác xã; giảm từ 200% xuống 80% đối với các các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Một sửa đổi được cho là tác động tới nhiều doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng là nâng tỷ trọng rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%.

Các chuyên gia nhận định, khi hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản nâng lên, các ngân hàng sẽ phải trích tiền vào quỹ dự phòng rủi ro cao hơn, đồng nghĩa số tiền cho ra đối với bất động sản giảm đi. Lúc này có hai tình huống có thể xảy ra, một là lãi suất mua nhà sẽ tăng vì tiền cho vay ra ít, khả năng thứ hai là lãi suất không tăng nhưng giá nhà lại tăng.

Về phía, nhà đầu tư và đại diện sàn giao dịch, nhóm này lo ngại chủ đầu tư và ngân hàng có thể bắt tay nhau, cho vay lãi suất rẻ nhưng lại nâng giá để bù vào số tiền vay ngân hàng của chủ đầu tư.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, việc nâng hệ số rủi ro đối với bất động sản là cần thiết khi dòng tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản có dấu hiệu tăng nóng thời gian qua. Nguy cơ bong bóng, nợ xấu có thể tái diễn khi giới đầu cơ lợi dụng vay tiền ngân hàng để đổ vào bất động sản.

Chuyển động địa ốc

Ngày 16/2, ThaiGroup và tập đoàn khách sạn Hyatt vừa ký thỏa thuận xây dựng khách sạn 5 sao Park Hyatt trị giá 165 triệu USD tại Hà Nội.

Địa ốc 7 ngày: Thị trường rục rịch đầu Xuân ảnh 4

Nhiều nguồn tin phỏng đoán vị trí của khách sạn này sẽ được xây dựng trên nền khách sạn Kim Liên cũ.
 

Trước đó, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT ThaiGroup đã chi trên 1.000 tỉ đồng để mua trọn lô “đất vàng” của CTCP Du lịch Kim Liên(Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội) cuối năm 2015.

Ngày 17/2/2016, tại Thái Nguyên, lễ động thổ xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc chính thức được tổ chức. Chủ đầu tư là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) của Tỷ phú Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình.

Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước, vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035. Diện tích quy hoạch sử dụng đất: khoảng 18.940 ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha). 

Tin bài liên quan