Địa ốc 7 ngày: Dự án quy mô ”khủng” tại Đà Nẵng bị đình chỉ thi công

Địa ốc 7 ngày: Dự án quy mô ”khủng” tại Đà Nẵng bị đình chỉ thi công

(ĐTCK) Chủ đầu tư CT12 - Khu đô thị Văn Phú bị tố “làm khó” cư dân; mối lo cho nhà đầu tư đua theo sốt đất Đà Nẵng; khu đô thị biển quy mô "khủng'' bị đình chỉ thi công   

1. Bàn giao sổ đỏ: Chủ đầu tư Khu đô thị Văn Phú bị tố “làm khó” cư dân

Theo phản ánh của cư dân Tòa nhà CT12 - Khu đô thị Văn Phú (Hà Nội), chủ đầu tư dự án là CTCP Xây dựng Hạ Đình gần đây có thông báo về việc nhận bàn giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ đỏ). Theo đó, hạn cuối là 29/3, nơi nhận lại là thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Địa ốc 7 ngày: Dự án quy mô ”khủng” tại Đà Nẵng bị đình chỉ thi công    ảnh 1

Tòa nhà CT12 Văn Phú

Trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ không đến nhận bàn giao sổ tại địa điểm và vào thời gian nói trên, công ty sẽ không bàn giao trong vòng 24 tháng. Khách đến nhận sổ sau đó sẽ phải chịu khoản phí quản lý và trông giữ sổ 20.000 đồng mỗi ngày, tương đương 14,6 triệu đồng cho 2 năm tới.

Theo ghi nhận, nguyên nhân của vụ việc là do vài tháng trước, khi công ty vẫn duy trì trụ sở tại Hà Nội, đơn vị này đã nhiều lần gửi thông báo mời khách hàng lên nhận nhưng không thành công, do 2 bên không đồng thuận về khoản phí nhận sổ mà chủ đầu tư sẽ thu là 2,2 triệu đồng. 

Các cư dân cho rằng việc bàn giao sổ đỏ cho cư dân là trách nhiệm của chủ đầu tư và đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Việc chủ đầu tư yêu cầu cư dân lên tận Sơn La để nhận sổ rõ ràng là làm khó khách hàng.

Về khoản phí nhận sổ, cư dân cho rằng nó không nằm trong điều khoản của các hợp đồng mua bán nhà, cũng như thỏa thuận của chủ đầu tư với cư dân trước khi làm thủ tục cấp sổ.

Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư, đây là các khoản thuế, phí cũng như tiền thuê công ty tư vấn thực hiện dịch vụ làm sổ đỏ cho cư dân.

Trả lời trên Vnexpress, Luật sư Phùng Viết Vĩnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc chủ đầu tư yêu cầu cư dân nộp phí 2,2 triệu đồng khi làm sổ là không đúng quy định. Với các khoản phí dịch vụ (nếu có) thì do chủ đầu tư chi trả bởi đó là trách nhiệm của doanh nghiệp đã được quy định trong hợp đồng mua bán.

Về mức phí giữ sổ 20.000 đồng mỗi ngày, ông Vĩnh cho biết cần phải thực hiện theo bảng niêm yết của từng ngân hàng và cũng phải có hóa đơn. Việc chủ đầu tư giữ sổ đỏ của cư dân tới 2 năm thì không đúng luật, có thể đó chỉ là cách mà chủ đầu tư thực hiện để gây sức ép với cư dân.

2.  Rủi ro cho nhà đầu tư đưa theo cơn sốt đất Đà Nẵng

Câu chuyện được ghi nhận về nhà đầu tư Lê Văn. Hơn một năm trước, ông Văn mua mảnh đất mặt tiền đường Võ Văn Kiệt với giá 42 triệu đồng, trong đó bao gồm cả tiền chênh ngoài hợp đồng. Nhưng gần đây, các lô đất ngay bên cạnh bất ngờ được các nhà đầu tư săn lùng và sẵn sàng trả giá 75-80 triệu đồng/m2.

Nhưng đó mới chỉ là những vị trí gần về phía Cầu Rồng, còn càng gần về phía biển, giá đã được đẩy lên 120-130 triệu đồng/m2. “Giá đất tăng như lên đồng,” ông Văn tỏ vẻ ngạc nhiên.

Những khu đất trước đây ít ai để ý như khu vực quận Sơn Trà cũng sốt xình xịch. Khi xuất hiện kế hoạch xây hầm chui từ trung tâm thành phố qua Sơn Trà, đất khu vực này đã hơn tăng gấp đôi trong thời gian ngắn. Mấy tháng trước giá chỉ 9-11 triệu đồng/m2 thì sau đó được đẩy lên 25-28 triệu đồng/m2.

Cơn sốt nhà đất ở trung tâm và ven biển lan toả dần sang vùng ven khiến cho đất nền giá rẻ cũng sốt xình xịch. Một dự án ở quận Cẩm Lệ trước đây giá chỉ 500 triệu đồng/lô thì hiện nay đã tăng gấp đôi lên 900-1,1 tỷ đồng.

Địa ốc 7 ngày: Dự án quy mô ”khủng” tại Đà Nẵng bị đình chỉ thi công    ảnh 2 

Theo Enternews, trong khi những nhà đầu tư như ông Văn ngỡ ngàng vì giá đất tăng ngoài dự đoán thì ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Công ty bất động sản Five Star Property lại không mấy ngạc nhiên.

Theo ông Cường, việc tăng giá ở một số khu vực cũng không có gì bất thường. Nhất là khu vực ven biển kéo dài từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn có thể kinh doanh nhà hàng, khách sạn hiệu quả nhưng đất càng ngày càng hiếm nên đương nhiên càng có giá trị.

Nếu so với đất mặt tiền đường Trần Phú – Nha Trang lên tới 200 triệu đồng/m2 thì đất đường Võ Nguyễn Giáp ở Đà Nẵng mới khoảng 150 triệu đồng/m2 thì vẫn thấp hơn.

Khi rót tiền vào nhà đất Đà Nẵng, giới đầu tư cũng nhìn nhận tiềm năng sinh lời lớn. Đó là giá nhà đất đã giảm rất sâu sau thời gian thị trường khủng hoảng cách đây vào năm. Dù đã tăng lại nhưng so với những nơi khác thì vẫn còn rẻ.

Trong khi đó, giá trị bất động sản lại được hưởng lợi từ thị trường du lịch đang tăng trưởng, hạ tầng du lịch đang phát triển, sân bay nâng cấp tăng gấp đôi công suất. Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm nay cũng tác động không nhỏ đến thị trường nhà đất.

Chưa biết đà tăng giá của bất động sản Đà Nẵng bao giờ mới tới điểm dừng, nhưng một số nhà đầu tư đã bắt đầu chùn tay khi nhận thấy những rủi ro ngày càng hiện rõ.

Theo các thống kê, phần lớn những nhà đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng đến từ Hà Nội. Vì đất nền ở Đà Nẵng rẻ hơn 3-4 lần so với Hà Nội nên nhiều nhà đầu tư từ Thủ đô không ngần ngại xuống tiền. Giá vì thế cứ bị đẩy lên hàng ngày, khiến cho các nhà đầu tư địa phương cũng sốt ruột và nhảy vào cuộc.

Một nhà môi giới bất động sản kỳ cựu cho rằng, những khu đất có giá trị thương mại cao, như có thể kinh doanh khách sạn, nhà hàng, hoặc đất đẹp ở trung tâm thành phố có thể ở ngay thì sẽ giữ giá. Hoặc những dự án ngay ven đô và có thể nhanh chóng bị đô thị hoá thì cũng có thể đầu tư được.   

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường chỉ có các nhà đầu tư mua đi bán lại với nhau? Đó là những dự án đất nền ở xa trung tâm, không hạ tầng, không tiện ích nhưng giá lại bị đẩy lên rất cao trong một thời gian ngắn. Trong khi người mua chủ yếu đến từ Hà Nội và họ chỉ quan tâm đến kiếm lời từ mua đi bán lại và không có nhu cầu ở thì những dự án có nhiều nhà đầu tư kiểu này sẽ biến thành những “khu đô thị ma”, không có người ở. Khi đó, nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt.

Bằng chứng mà nhà đầu tư có thể tham khảo là cơn sốt đất phía Tây Hà Nội cách đây một thập kỷ.

Liệu tình cảnh tương tự có xảy ra ở Đà Nẵng? Thực tế, đã có thời đất đai Đà Nẵng lên cơn sốt, các nhà đầu tư nhắm mắt mua, nhưng hiện nay lại đang mắc kẹt trong những khu đô thị bỏ hoang.

3.  Dự án Sunrise bay bị đình chỉ thi công

Sáng 31/3, ông Trần Văn Dũng, chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết ngày 27/3, Thanh tra Sở đã lập biên bản đình chỉ xây dựng dự án The Sunrise bay (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Khu đô thị Sunrise Bay có tổng diện tích 230 ha hướng ra vịnh Đà Nẵng, nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành (bao gồm phường Thanh Bình và Thuận Phước, quận Hải Châu). Dự án này bao gồm nhà phố, biệt thự, sân golf, bãi biển, bến du thuyền... với không gian sinh sống cho khoảng 40.000 người dân. Dự án do công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ đầu tư.

Theo thông tin chính quyền địa phương, công trình được cấp phép đầy đủ về xây dựng hạng mục bờ kè lấn biển, san lấp năm 2008 và cấp phép xây dựng hạng mục hạ tầng kỹ thuật năm 2017.

Tuy nhiên, riêng hạng mục hạ tầng kỹ thuật phân kỳ 1, chủ đầu tư đang tiến hành đào đất làm mương thoát nước khi chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường (hồ sơ này đã nộp tại Bộ TN-MT đang chờ kết quả). Vì vậy, thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đã lập biên bản ngừng thi công xây dựng đối với công trình dự án.

Lý do dừng thi công: Đối với hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án (phân kỳ 1-46,6ha) dừng thi công do chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường, thẩm định PCCC. Công trình chỉ được phép thi công sau khi hoàn thành các thủ tục trên.

Đối với hạng mục bờ kè lấn biển và san lấp theo giấy phép năm 2008: Dừng thi công để chủ đầu tư giải trình nguồn gốc vật liệu dùng để san lấp mặt bằng và thi công bờ kè. Hiện chủ đầu tư đã có văn bản giải trình về nguồn gốc vật liệu và kiến nghị được thi công trở lại. Sở Xây dựng đang xem xét giải trình này.

Trước đó, ngày 28-3 UBND quận Hải Châu cũng đã có văn bản chỉ đạo phường Thuận Phước, Thanh Bình giám sát việc thi công xây dựng theo quy định.

Chuyển động địa ốc

Ngày 29/3, tại buổi làm việc giữa UBND TP. Hà Nội và các doanh nghiệp nợ thuế, phí, nợ tiền sử dụng đất lớn, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế, thành phố kiên quyết không cấp phép thêm các dự án mới, thậm chí tiến hành các biện pháp cưỡng chế, không cho thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế như cam kết.

Ngày 2/4, tại khách sạn Meliá Hanoi (44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), chủ đầu tư Empire Group tổ chức lễ ra mắt dự án Coco Ocean-Spa Resort tại khu vực miền Bắc.

Phát triển theo hướng Wellness Condotel, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, Dự án đầu tư tổng diện tích khu vực Spa, Fitness, Yoga lên đến 4.500m2. Trong đó, Spa Center rộng hơn 3.000m2 được đầu tư thiết bị hiện đại, nhân sự chuyên nghiệp và liệu trình khoa học.

Tin bài liên quan