Địa ốc 7 ngày: Bế tắc chuyện tìm “lối đi” tại Home City Trung Kính

Địa ốc 7 ngày: Bế tắc chuyện tìm “lối đi” tại Home City Trung Kính

(ĐTCK) Đề xuất "xây nhà dưới 25m2" bị bác bỏ;  Công ty Văn Phú giải trình chuyện “mập mờ” lối đi tại Home City Trung kính; Hiểm họa cháy nổ từ các Dự án “treo” là các thông tin địa ốc đáng chú ý trong tuần qua. 

1.  Xây nhà dưới 25m2: Ý tưởng của HOREA bị bác bỏ

Trước thực trạng TP.Hồ Chí Minh tồn tại nhiều nhà trọ chật chội, lụp xụp, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đưa ra đề xuất cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà trọ, căn hộ cho thuê với diện tích dưới 25m2.

HoREA cho biết thành phố đang thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và căn hộ thương mại cho thuê giá rẻ giá từ 1-3 triệu đồng một tháng. Địa phương muốn giải quyết nhu cầu cấp bách này trước hết phải có nhiều căn hộ cho thuê giá rẻ và có đủ tiện ích cơ bản cho người dân thuê.

Địa ốc 7 ngày: Bế tắc chuyện tìm “lối đi” tại Home City Trung Kính ảnh 1 

Theo HoREA, nếu được phép xây dựng các căn nhà cho thuê dưới 25m2 sẽ giải quyết tốt bài toán chỗ ở cho đại đa số những người có thu nhập thấp đang sinh sống tại TP.HCM. Môi trường sống cũng được cải thiện đáng kể, thay vì phải sống trong các khu trọ tồi tàn và mất an ninh với quy mô hộ gia đình, cá nhân được xây dựng như hiện nay.

Mặc dù vậy, trong thông báo mới nhất, HoREA cho biết đề xuất không được Bộ Xây dựng đồng tình vì cho rằng sẽ phá vỡ quy hoạch, giảm chất chất lượng sống người dân.

Trước đó trong năm 2016, Bộ Xây dựng ra thông tư quy định chỉ cho phép cá nhân xây nhà trọ để bán, thuê, tối thiểu 10m2/căn. Còn doanh nghiệp phải xây dựng nhà ở xã hội có diện tích trên 25m2 và theo dự án cụ thể.

Quan điểm của bộ cho rằng, làm như vậy mới đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng sống của người dân.

Theo Bộ Xây dựng, quy định này nhằm khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Còn với doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở xã hội thì diện tích tối thiểu là 25m2 và phải thực hiện theo dự án. Khi đó người dân mới được đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường cũng như điều kiện sống tốt hơn.

2. Văn Phú giải trình chuyện “mập mờ” lối đi tại Home City Trung kính

Trước bức xúc của cư dân về một loạt các vấn đề tại dự án Home City Trung Kính, tối ngày 5/4 vừa qua, chủ đầu tư Văn Phú Invest đã có buổi đối thoại với cộng đồng cư dân.

Nội dung buổi đối thoại tập trung vào 3 nội dung chính: đường đi của dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư (cấp sổ đỏ, làm hộ khẩu, phí trông giữ xe, thành lập ban quản trị…) và các nội dung về quản lý, vận hành tòa nhà của Công ty SPS.

Địa ốc 7 ngày: Bế tắc chuyện tìm “lối đi” tại Home City Trung Kính ảnh 2 

Theo ghi nhận, điểm nóng nhất vẫn là bức xúc về lối đi của tòa nhà. Cụ thể, các cư dân phản ánh hợp đồng mua nhà (có dấu đỏ), biên bản bàn giao căn hộ, hợp đồng nước, điện… đều ghi rõ địa chỉ dự án là 177 Trung Kính nhưng khi nhận nhà, chủ đầu tư lại không cho đi đường này mà phải đi đường tạm ra Nguyễn Chánh.

Nhiều người cho rằng, ngay từ đầu chủ đầu tư đã không trung thực, cố tính mập mờ thông tin dự án bởi con đường vào dự án nhiều khả năng là quy hoạch treo, vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Lý giải vì sao các tài liệu của dự án lại có địa chỉ là 177 Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, đại diện pháp lý của Văn Phú cho biết đó là bởi địa chỉ đó gắn liền với tổng thể dự án.

Theo quy hoạch, công trình trường tiểu học có lối đi ra phía Trung Kính. Home City có lối đi theo đường quy hoạch 21m trước mặt công viên nối từ Mạc Thái Tổ ra Mạc Thái Tông, chứ không phải dự án Home City không có lối đi.

Con đường quy hoạch 21m lẽ ra thuộc dự án khác do thành phố làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì lý do khách quan, dự án chưa được triển khai.

Theo quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt từng công trình đi đường nào thì phải đi đường đó, trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Bìa hợp đồng ghi 177 Trung Kính là đúng bởi dự án đều có cơ sở pháp lý, chẳng qua là do sự hiểu lầm và cách hiểu khác nhau của cư dân. 

Về phương án giải quyết, chủ đầu tư Văn Phú đã đưa ra giải pháp là mượn tạm đất thuộc dự án công viên để làm tạm con đường kết nối Home City với đường Nguyễn Chánh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân lối đi này không đảm bảo an toàn giao thông, và thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Mong muốn của đa phần cư dân Home City tại buổi đối thoại là mở lối đi ra phía Trung Kính cho đến khi có đường quy hoạch 21m. Nhiều cư dân tỏ ra bức xúc và đòi câu trả lời ngay của chủ đầu tư là có mở đường 177 Trung Kính hay không mở?

Đại diện chủ đầu tư khẳng định vấn đề này sẽ được đưa ra giải pháp trong buổi họp giữa chủ đầu tư và các bên liên quan với sở, ban ngành vào thứ 2 tuần tới (tức ngày 10/4).

3.  Cháy lớn tại nhà xưởng, gara ôtô ở Hà Nội, cảnh báo hiểm họa từ các Dự án “treo”  

Địa ốc 7 ngày: Bế tắc chuyện tìm “lối đi” tại Home City Trung Kính ảnh 5

Tuần qua,  tại Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy. Trong đó có vụ cháy tại khu vực nhà xưởng(kho chứa gỗ và điều hòa) của CTCP địa ốc dầu khí Viễn thông (có địa chỉ tại lô E 1.2 đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cũng tại quận Cầu Giấy, một vụ cháy khác xảy ra tại gara ô tô ở số 79, phố Trần Kim Xuyến.

Được biết, khu vực nhà xưởng tại đường Phạm Hùng thuộc Dự án Nam Dan Plaza. Dự án được xem là bị “treo” từ lâu và lâu nay đã trở thành một khu vực nhà kho, gara sửa chữa ô tô tạm bợ.

Theo Đời Sống Pháp Luật, quyết định số 7100 năm 2002 của UBND Thành phố Hà Nội cho thấy dự án Nam Đàn Plaza do Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương làm chủ đầu tư có thời gian thuê đất là 30 năm.

Đến nay, sau 14 năm, nghĩa là gần nửa thời hạn thuê đất trôi qua, trải qua nhiều lần “thay tên”, đổi quy hoạch chức năng,  nhưng dự án Nam Đàn Plaza giờ đây bên ngoài trơ trọi những phông bạt và khung sắt hoen rỉ, bên trong là các nhà kho mái tôn được dựng lên.

Cũng mới đầu năm 2017, Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1 (CX3) được UBND huyện Thanh Trì đồng ý cho Công ty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được phép xây dựng tạm văn phòng điều hành, nhà kho để vật tư, thiết bị máy móc, nhà ở cho công nhân phục vụ thi công Dự án Khu đô thị Tây nam Kim Giang.

Tuy nhiên, DN này bị tố đã “hô biến” diện tích đó thành nhiều nhà xưởng gara ô tô, xưởng quần áo, quán ăn, trạm trộn bê tông, gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường sống của hàng nghìn hộ dân địa phương, đường sá xuống cấp bởi xe quá tải cày xới, có dấu hiệu trốn thuế và làm trái các quy định nhà nước về sử dụng đất đai…

Với tình trạng này, hiểm họa cháy nổ đang hiển hiện bởi thực tế gara oto, kho hàng là các địa điểm thường xuyên xảy ra các vụ cháy do được xây dựng tạm bợ và chứa nhiều vật liệu dễ cháy như như đệm mút, cao su, nhựa…

Chuyển động địa ốc

Ngày 4/4, Chủ đầu tư Tập đoàn T&T ra mắt Dự án T&T Riverview. Tọa lạc tại số 440 phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, T&T Riverview có vị trí thuận lợi ngay cửa ngõ Đông Nam của thành phố.

Địa ốc 7 ngày: Bế tắc chuyện tìm “lối đi” tại Home City Trung Kính ảnh 6 

Các căn hộ tại dự án có nhiều diện tích linh hoạt với giá từ 21 triệu đồng một m2. Hiện, dự án T&T Riverview đã xây xong phần thô, đang thi công hoàn thiện để kịp bàn giao ngay đầu quý III/2017. Lễ mở bán sẽ diễn ra tại khách sạn Deaewoo ngày 15/4.

Ngày 7/4, CTCP Địa ốc Kim Oanh (đơn vị phân phối) phối hợp cùng Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội (chủ đầu tư) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhơn Thành (nhà thầu) tổ chức lễ động thổ dự án khu đô thị Phú Hội tại thành phố Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Theo quy hoạch, khu đô thị Phú Hội có quy mô 84 ha, gồm các sản phẩm nhà phố, biệt thự và căn hộ. Dự kiến, vào khoảng quý 3/2017, sản phẩm của khu đô thị Phú Hội sẽ được chính thức giới thiệu ra thị trường.

Ngày 9/4, lễ mở bán đợt cuối nhà phố thương mại Sapa Jade Hill (BĐS nghỉ dưỡng núi) được tổ chức tại phòng Văn Miếu 12, khách sạn Pullman, số 40 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.

Chủ đầu tư Công ty Trường Giang Sapa tung ra 30 căn nhà phố thương mại, 8 biệt thự cùng 5 đất nền cuối cùng tại dự án này. Hiện nay, giai đoạn 1 của Sapa Jade Hill đã đi vào hoạt động từ năm 2016 và được quản lý bởi thương hiệu nổi tiếng thế giới Accor.