Đến hẹn lại lên!

Đến hẹn lại lên!

(ĐTCK) Tuần qua, khách hàng của một dự án hạng sang ngay trong nội đô Hà Nội điện thoại đến đường dây nóng của Báo Đầu tư Bất động sản “dò hỏi” về kết luận thanh tra dự án này từ năm ngoái.

Chả là dự án dính nghi án xây dựng sai phép, vượt phép và cơ quan quản lý đã vào cuộc thanh tra từ đầu năm 2015. Vị khách hàng này cũng như nhiều người khác rất băn khoăn về tính pháp lý của dự án, cùng hướng xử lý phần sai phép nếu có của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt gặng hỏi, chủ đầu tư đều lắc đầu bảo họ chưa nhận được quyết định thanh tra. Chính vì vậy, ông mới tìm đến Đầu tư Bất động sản, hy vọng nhà báo “nhạy” thông tin mà hỏi được kết luận thanh tra về dự án đó chăng!?

Tuy nhiên, vị khách hàng đã thêm một lần thất vọng, vì thực tế chưa hề có một kết luận thanh tra nào được ban hành.

Chuyện trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc trên thị trường bất động sản mà khoảng cách từ thanh tra cho đến ra kết luận và xử lý rốt ráo là chặng đường rất dài.

Cách đây không lâu, Hà Nội có kết luận hàng loạt dự án trên phố Tây Sơn, Thái Hà chây ỳ triển khai và hoàn thiện, làm mất mỹ quan đô thị và kiến nghị thu hồi, chuyển chủ đầu tư. Thế nhưng, kết luận là vậy, việc xử lý lại không quyết liệt, khiến các dự án đến nay vẫn không có gì thay đổi.

Đó là những cuộc thanh tra khi phát hiện những dấu hiệu sai phạm cụ thể. Còn tại thị trường bất động sản Hà Nội, năm nào địa phương cũng thành lập đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra các dự án. Tuy nhiên, việc thông báo kết luận thanh tra và đặc biệt là công tác xử lý dường như chưa đủ răn đe, khiến sai phạm vẫn cứ diễn ra tại nhiều dự án. Những cuộc thanh tra “đến hẹn lại lên” vì thế vẫn cứ tái diễn hết năm này qua năm khác.

Đã trở thành một mô típ thường thấy. Ấy là khi lập đoàn thanh tra thì “cờ rong, trống mở”, nhưng kết luận và xử lý dự án thanh tra có sai phạm của cơ quan chức năng lại không quyết liệt, thậm chí nước đôi, khiến nhiều doanh nghiệp có sai phạm bị thanh tra nhiều đến nỗi đã “nhờn” với các quyết định thanh tra, xử lý sai phạm.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội lại vừa ban hành quyết định về việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra đối với các dự án, khu đô thị có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất.

Với hàng trăm dự án đang triển khai trên địa bàn, việc thanh tra các dự án nhà ở tại Hà Nội hứa hẹn trở thành một trong các cuộc thanh tra liên ngành lớn nhất và kéo dài nhất trong năm.

Đây là điều người dân thành phố, nhất là người mua nhà tại các dự án có sai phạm mong chờ nhất. Bởi những sai phạm này, nếu không gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe người dân, thì cũng khiến cư dân, người mua nhà khốn đốn trong thủ tục giấy tờ, nhất là việc làm sổ đỏ.

Hàng chục dự án trên địa bàn Hà Nội hiện nay, cư dân đã nhận nhà, nhưng chưa thể làm được sổ đỏ, chính là hệ lụy từ những sai phạm của chủ đầu tư. Ngoài ra, việc các sai phạm của chủ đầu tư không được phát hiện và xử lý kịp thời, khiến tranh chấp dự án sau đó phát sinh kéo dài, mà người chịu thiệt không ai khác, chính là các cư dân khi đã nộp tiền đầy đủ và nhận nhà.

Do đó, các cuộc thanh tra vẫn được người dân kỳ vọng sẽ sớm xử lý những sai phạm, đồng thời răn đe những dự án, doanh nghiệp đang nhăm nhe... vượt rào.

Chính vì ý nghĩa rất lớn của các cuộc thanh tra, nên báo chí vẫn tốn nhiều giấy mực mỗi khi Hà Nội có quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra các sai phạm dự án bất động sản. Thế nhưng, việc thanh tra dự án sai phạm, kết luận dự án sai phạm và xử lý sai phạm của cơ quan nhà nước tại nhiều dự án dường như không giống với sự kỳ vọng, có thể khiến người dân mất niềm tin.

Trên thực tế, các chủ đầu tư, với bộ phận pháp chế hùng hậu của mình, luôn “nắm đằng chuôi” mỗi khi giao kết hợp đồng mua bán bất động sản với khách hàng. Những sai phạm làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cư dân sau này như lấn chiếm không gian chung, xây vượt tầng, thiếu tiện ích tối thiểu đã cam kết… hầu như đều do lòng tham của một số chủ đầu tư mà ra, chứ không phải chuyện "vô tình"!

Khi đó, cư dân hầu như chỉ còn biết trông chờ vào sự phân xử của cơ quan chức năng. Trong khi đó, những cách thức xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” có thể là những “quả bom nổ chậm” cho những tranh chấp, khiếu kiện dai dẳng sau này.

Vô hiệu hóa những ngòi nổ tranh chấp này trên thị trường bất động sản chỉ có thể bằng những kết luận rốt ráo, minh bạch và càng sớm càng tốt của các cơ quan có liên quan!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan