Để giữ 6 tỷ đô ở lại Việt Nam

Để giữ 6 tỷ đô ở lại Việt Nam

(ĐTCK) Theo thống kê của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, năm 2016, có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, rút hầu bao chi tiêu tới 6 tỷ USD.

Điều đáng nói là cùng với mức sống tăng lên, mức chi tiêu của du khách Việt cũng tăng tốc cực nhanh bởi năm 2012, con số này chỉ có 3,5 tỷ USD.

Sức hấp dẫn của dòng tiền theo chân du khách Việt Nam chảy ra ngoài lớn đến nỗi tại rất nhiều thị trường du lịch, các nhà kinh doanh công phu chuẩn bị những “thực đơn” ăn chơi, trải nghiệm, khám phá, mua sắm phù hợp với văn hóa và thói quen của người Việt.

Chẳng hạn, theo quan sát của người viết, tại các điểm du lịch cũng như những khu mua sắm lớn ở Nhật Bản luôn có phiên dịch viên tiếng Việt, giúp du khách Việt Nam thuận tiện nhất trong việc… rút hầu bao.

Rõ ràng, nhu cầu du lịch, trải nghiệm các miền đất lạ trên thế giới luôn có. Nhưng liệu có cách nào “nắn” một phần dòng tiền này chuyến hướng vào du lịch nội địa thông qua các mô hình nghỉ dưỡng mới?

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, câu trả lời của hầu hết các thành viên thị trường là có!

Sự chắc chắn này xuất phát từ nền tảng còn rất thấp của các sản phẩm du lịch cũng như mối liên kết hạ tầng du lịch của các địa phương trọng yếu.

Chỉ con số ngày lưu trú của du khách cũng đủ nói lên điều này.

Theo công bố mới nhất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngay tại TP.HCM, mặc dù có lượng phòng khách sạn cao nhất cả nước nhưng khách đến đây chỉ tiêu không quá 300 USD và ở không quá 1 ngày; thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày, so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc - đều là những con số rất thấp so với thị trường trong khu vực.

Nó cho thấy, khách không có chỗ để tiêu tiền!

Hoặc câu chuyện kết nối “Con đường di sản miền Trung” đã được nói đến từ lâu lắm, nhưng đến bây giờ vẫn là mạnh ai nấy chạy. Sự thiếu kết nối không chỉ giữa các địa phương mà ngay cả giữa các khu du lịch trong một địa phương, giữa các khu du lịch với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bản địa…  

Lời giải tốt nhất cho bài toán kết nối hạ tầng du lịch, cho bài toán tăng số và chất lượng sản phẩm du lịch, theo các chuyên gia, đó chỉ là 3 từ “xã hội hóa”. Hãy để tư nhân tham gia sâu hơn vào các hoạt động kiến tạo hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho du lịch, thậm chí cả hoạt đầu đầu tư sân bay, cảng biển… Nói như ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines là “tư nhân thừa sức đầu tư”, vấn đề của Nhà nước là chỉ cần có cơ chế, chính sách đúng mà thôi.

Hãy xem các khu resort hiện nay, tất cả các khu đông khách nhất, tất cả đều được hình thành và quản lý bởi các nhà đầu tư tư nhân.          

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan