Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư từ thị trường BĐS trong nước sang đầu tư, kinh doanh BĐS ra nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư từ thị trường BĐS trong nước sang đầu tư, kinh doanh BĐS ra nước ngoài

Đầu tư bất động sản ra nước ngoài: Bắt đầu có "sóng"

"Hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS) ra nước ngoài, đặc biệt là các thị trường DN Việt Nam đang có các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu" - ông Vũ Văn Chung - Phó Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN)- Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) - cho biết.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu chính là cơ hội cho các DN biết chớp thời cơ do giá nhà đất tại các thị trường đã "hạ nhiệt". Tuy nhiên, để biến cơ hội thành những khoản lợi nhuận thì không dễ.

 

Đã có dự án tỷ USD

 

Năm 2009, lần đầu tiên vốn đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vượt ngưỡng 2,4 tỷ USD thì riêng dự án đầu tư phát triển sân golf, khách sạn 5 sao và villa tại thủ đô Viêngchăn (Lào) của Công ty TNHH Long Thành đã có tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 1 tỷ USD.

Một dự án khác của một công ty tại TP. HCM đầu tư mua lại trung tâm thương mại tại Hoa Kỳ, với tổng vốn đầu tư 18,5 triệu USD để đầu quân vào thị trường BĐS thương mại tại đây đã mở màn cho hàng loạt dự án đầu tư BĐS tại nước ngoài trong năm nay.

 

Dù mới manh nha, song trong năm 2009, lĩnh vực dịch vụ, chủ yếu là nhà hàng, khách sạn, kinh doanh BĐS đã thu hút tới 24 dự án của các DN Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 58,5% về số dự án và 75,1% về vốn đầu tư đăng ký trên tổng số dự án và vốn đầu tư mà các DN đầu tư ra ngoài nước.

 

Theo số liệu vừa được cập nhật của FIA, 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực đầu tư BĐS ra nước ngoài cũng thu hút khoảng 6 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 15,317 triệu USD.

Ông Chung cho biết, hiện Hoa Kỳ đã vươn lên hàng thứ ba về đầu tư của các DN Việt Nam, với 17 dự án trong năm qua, thu hút tổng vốn đầu tư lên tới 1,361 tỷ USD (đứng sau Lào và Campuchia).

 

Tuy nhiên, sau cơn bão khủng hoảng tài chính và đặc biệt là sự sụp đổ của “bong bóng” nhà đất tại Hoa Kỳ, hiện nhiều DN và nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã nhắm đến thị trường này như một cơ hội khả quan để đầu tư, kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, hiện Chính phủ Việt Nam cũng rất khuyến khích các DN đầu tư ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận về nước. Ông Chung khẳng định, chính sách về ĐTRNN khá thông thoáng. Hiện Nghị định 78/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, quy định: Chỉ trừ các dự án thuộc các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, tài chính, tín dụng, hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có sử dụng vốn nhà nước từ 150 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế khác từ 300 tỷ đồng trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

 

Các lĩnh vực còn lại (sử dụng vốn nhà nước từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 600 tỷ đồng trở lên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS, khai khoáng, trồng rừng, nhà đầu tư bắt buộc phải xác định địa điểm đầu tư dự án để cấp có thẩm quyền Việt Nam tiện theo dõi trong quá trình hoạt động sau cấp phép.

 

Doanh nghiệp phải minh bạch hoá thông tin

 

Trên thực tế, do nhạy bén nắm bắt cơ hội mà nhiều DN ở Việt Nam đã khá thành công tại thị trường nước ngoài. CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House)  là một ví dụ. Mới đây, Hội đồng quản trị DN này đã ra nghị quyết về việc sẽ thông qua nguồn vốn huy động để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản tại Uzbekistan.

 

Theo đó, nguồn vốn chủ sở hữu của Thuduc House để đầu tư tại thị trường Uzbekistan sẽ vào khoảng 40%, tương đương 32,5 tỷ đồng, còn lại huy động từ các cổ đông. Theo một thành viên HĐQT Công ty cho biết, tiếp theo việc đầu tư BĐS tại thị trường Hoa Kỳ, Uzbekistan đã nằm trong chiến lược kinh doanh dài hạn và đã được lên kế hoạch nghiên cứu từ lâu bởi tại đây, giá đất khá rẻ, chính sách đầu tư đất đai của nước sở tại khá thông thoáng và thị trường có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển nhà ở. Hiện tại, khu vực Uzbekistan cũng có khá đông người Việt đang sinh sống, họ sẽ là đối tượng khách hàng của Công ty và nhiều người bản địa cũng có nhu cầu về nhà ở giá rẻ.

 

Thuduc House cũng là công ty đang triển khai dự án liên doanh BĐS tại Hoa Kỳ từ tháng 2/2009. Dự án còn có sự tham gia của 2 đối tác Hoa Kỳ là California Newland Ventures LLC và Nature Coast Horries of Central Florida LLC, đầu tư, kinh doanh các khu nhà ở để bán tại một số tiểu bang là California, Mississippi... với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD (trong đó Thuduc House chiếm 50% vốn), thời gian hoạt động của dự án trong khoảng 20 năm.

 

Ông Vũ Văn Chung nhận xét: Nhu cầu sinh sống, học tập của nhiều người Việt Nam có con em du học bên Mỹ là một thực tế, khiến nhiều người sẽ tìm mua các dự án chung cư phù hợp túi tiền, nhiều nhà đầu tư XNK có nhu cầu mở văn phòng đại diện tại đây hoặc một số nước khác để thuận tiện cho việc kinh doanh sẽ là thị trường tiềm năng cho các công ty kinh doanh, đầu tư BĐS; hơn nữa, các công ty này lại khá am hiểu thị trường sở tại do liên doanh, liên kết với các DN Mỹ.

 

“Vấn đề là khi gia nhập thị trường, các DN Việt Nam phải am hiểu pháp luật kinh doanh của nước sở tại” - một DN đang triển khai dự án đầu tư tại Mỹ cho biết. Thị trường BĐS ở các nước có tính minh bạch rất cao, mua hay bán đều phải đăng ký giao dịch trên thị trường, có sự giám sát của nhiều cơ quan như ngân hàng, tổ chức trung gian, thẩm định giá, giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ thuế...

 

DN cũng phải chứng minh năng lực hành vi dân sự như hoạt động ổn định, có lợi nhuận trên 3 năm liên tiếp và trình được phương án kinh doanh cụ thể. Điều này, không phải DN nào ở Việt Nam cũng có thể đáp ứng đủ điều kiện để được chấp nhận kinh doanh tại các thị trường BĐS nước ngoài.