Đầu năm, cân đong nguồn tiền cho thị trường địa ốc

Đầu năm, cân đong nguồn tiền cho thị trường địa ốc

(ĐTCK) Một trong những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản thời gian qua là thiếu vốn. Với động thái gần đây, các doanh nghiệp đang kỳ vọng nguồn vốn sẽ được khơi thông để tăng tính thanh khoản thị trường bất động sản.

Gói 30.000 tỷ đồng: Cần một góc nhìn mới

Trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài suốt từ năm 2011, tại Nghị quyết 02 đầu năm 2013, Chính phủ đã quyết định sử dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để tái cấp vốn cho 5 ngân hàng được chỉ định cho vay mua nhà xã hội đối với cá nhân và xây nhà xã hội đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, gói hỗ trợ vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn ban đầu của cơ quan quản lý và thị trường.

Bắt đầu vận hành từ ngày 1/6/2013, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31/1/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 2.246 khách hàng với tổng số tiền đạt 2.324,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.218 khách hàng với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng (gần 3,6% của gói 30.000 tỷ đồng), tăng 32,7% so với cuối tháng 12/2013.

Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho 2.231 khách hàng vay với tổng số tiền 801,6 tỷ đồng và đã giải ngân theo tiến độ cho 2.208 khách hàng với dư nợ 533,7 tỷ đồng.

Dẫn đầu là BIDV với cam kết cho 690 khách hàng vay 281,6 tỷ đồng và đã giải ngân cho 690 khách hàng với số tiền là 192,4 tỷ đồng; tiếp đó là VietinBank cam kết cho 754 khách hàng vay với số tiền 249,8 tỷ đồng, đã giải ngân cho 754 khách hàng với dư nợ 153,4 tỷ đồng; Vietcombank cam kết cho 559 khách hàng vay với số tiền 225 tỷ đồng, đã giải ngân cho 559 khách hàng với dư nợ 148,7 tỷ đồng; Agribank cam kết cho 149 khách hàng vay với số tiền 45,3 tỷ đồng, đã giải ngân cho 149 khách hàng với dư nợ 31,4 tỷ đồng; MHB cam kết cho 79 khách hàng vay với số tiền 21,2 tỷ đồng, đã giải ngân cho 56 khách hàng với dư nợ 7,7 tỷ đồng.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp, đến nay, NHNN đã xác nhận đăng ký của BIDV, VietinBank và Agribank ký hợp đồng tín dụng với 15 doanh nghiệp với tổng số tiền cam kết 1.501 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp. Trong đó, đã giải ngân cho 10 doanh nghiệp (11 dự án) với số tiền là 534,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm trễ là do thủ tục cho vay rườm rà và thủ tục chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội rất khó khăn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn để khai thông gói hỗ trợ này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tư pháp và NHNN soạn thảo dự thảo thông tư cho phép người dân được thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để vay vốn mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng được vay mua nhà ở xã hội không cần phải xác nhận thu nhập, mà chỉ cần xác nhận hiện trạng nhà ở theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.

Một thông tin đáng mừng khác đối với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được hưởng gói hỗ trợ tín dụng nhà ở là từ năm 2014, lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng giảm xuống còn 5%/năm, thay vì 6%/năm như quy định ban đầu. Ngoài ra, ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, hiện NHNN cũng đang xem xét nới thời hạn cho vay lên 15 năm thay vì 10 năm như hiện nay.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội lại cho rằng, muốn giải ngân nhanh gói hỗ trợ này thì chỉ cần quy định, khách hàng mua nhà trị giá dưới 500 triệu đồng là được vay từ nguồn vốn này, mà không cần thêm bất cứ điều kiện nào đi kèm.

Đặc biệt, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cần gia tăng nguồn vốn cung ứng cho thị trường bất động sản, trong đó tập trung vào các dự án lớn, các dự án sắp hoàn thiện, đồng thời, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ trong lĩnh vực bất động sản.

“Khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là do các khoản nợ cũ vẫn còn, nên không được xem xét cho vay mới. Vì vậy, Chính phủ nên cho phép các ngân hàng thương mại được khoanh nợ cũ đối với các doanh nghiệp có dự án tốt để tiếp tục được vay vốn hoàn thiện dự án nhằm sớm đưa sản phẩm ra thị trường, giải quyết tồn kho”, ông Hà kiến nghị.

Ngân hàng tiết kiệm nhà ở: Dòng vốn lớn cho thị trường

Về kiến nghị đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tín dụng bất động sản, ông Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép xây dựng đề án thí điểm thành lập Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở để hoạt động ngay trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Nam, ý tưởng cơ bản của tiết kiệm nhà ở là để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ, giúp nhau xây dựng nhà ở thông qua việc gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở để cho người có nhu cầu mua hoặc sửa chữa nhà ở vay, đồng thời, đây cũng là một giải pháp nhằm tạo ý thức tiết kiệm trong xây dựng nhà ở của người dân.

Theo mô hình này, mức tiền tiết kiệm sẽ do khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận, khi người gửi đã tiết kiệm được 50% tổng số tiền cần dùng để mua nhà, họ sẽ được ngân hàng cho vay 50% còn lại. Các khoản tiết kiệm của khách hàng có lãi suất cố định, đồng thời, tín dụng của ngân hàng cũng đảm bảo lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường đối với khoản tín dụng tương đương và cố định trong suốt kỳ cho vay. Do vậy, khách hàng không lo rủi ro biến động lãi suất trên thị trường vốn…

Nhiều ý kiến cho rằng, tiết kiệm nhà ở dưới hình thức ngân hàng là một mũi tên trúng nhiều đích. Nhà nước được lợi vì không phải bỏ tiền ra trợ cấp như với mô hình Quỹ phát triển nhà ở đang tồn tại, đồng thời, gia tăng nguồn thu từ thuế, giảm chi trợ cấp xã hội, thu hút vốn cho trái phiếu chính phủ và phát triển nhiều ngành khác… Người dân có lợi vì được vay thời gian dài với mức lãi suất thấp có thể biết trước. Còn ngân hàng cũng sẽ thu được những lợi ích không nhỏ.

Ông Nam cho rằng, cùng sự phát triển của đất nước, mô hình tiết kiệm nhà ở phù hợp với chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Bộ Xây dựng kiến nghị triển khai mô hình này theo hướng tránh ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Bản thân mỗi hộ gia đình muốn có được chỗ ở đều phải tích cực tham gia.

“Theo tôi, chắc chắn mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Mô hình này sẽ tạo được dòng vốn lớn cho thị trường bên cạnh vốn nhà nước và các ngân hàng thương mại. Chúng tôi dự kiến, dòng vốn này chủ yếu sẽ vào phân khúc nhà ở xã hội”, ông Nam nói.

Tin bài liên quan