Đất công và số phận sau cổ phần hóa

Đất công và số phận sau cổ phần hóa

Số lượng dự án bất động sản được khởi công ngày một nhiều mà phần lớn xuất phát trên nền đất cũ của các doanh nghiệp nhà nước.

Cách đây hơn 10 năm, một công ty nhà nước chuyên về sản xuất đay, bao bì có trụ sở chính ở quận 1 đã tiến hành cổ phần hóa. Tài sản của Công ty khi đó ngoài máy móc từ thời Pháp để lại không đáng kể thì còn có mảnh đất rộng hơn hơn 2 ha tại quận 4 làm trụ sở sản xuất.

Chỉ sau đó vài năm, xưởng sản xuất đay và dệt may tại quận 4 không còn nữa mà các cổ đông của Công ty đã xin quyết định chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển một khu căn hộ khá bề thế. Các hoạt động kinh doanh may mặc và dệt sợi được chuyển về các địa phương khác như quận 12, Bến Cát (Bình Dương).

Nhưng sau hơn 10 năm cổ phần hóa, trong khi Công ty đang xúc tiến giai đoạn 2 của dự án tại quận 4 thì hoạt động kinh doanh chính, tức sản xuất đay, bao bì... lại gặp khá nhiều khó khăn. Thậm chí, chi nhánh hoạt động tại Bình Dương đã thua lỗ trong nhiều năm qua và Công ty đang đàm phán để cho một đối tác ngoại thuê lại mặt bằng tại đây.

Trường hợp của công ty sản xuất đay, bao bì nói trên không phải là câu chuyện của số ít. Và tất cả bắt đầu từ chuyện cổ phần hóa.

Sau nhiều năm khá im ắng, làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lại trở nên rầm rộ. Các bộ ngành ngoài Trung ương và các thành phố lớn lên danh sách hàng trăm doanh nghiệp nhà nước để thực hiện định giá tài sản, đấu giá rồi bán cổ phần ra bên ngoài. Trong danh sách được IPO, dễ thấy có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ, ít tên tuổi nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ sở hữu các mảnh đất có vị trí đắc địa như ven sông, gần tuyến đường giao thông chính hay trung tâm đô thị.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi gần đây, số lượng dự án bất động sản được khởi công ngày một nhiều mà phần lớn xuất phát trên nền đất cũ của những xưởng sản xuất, kho bãi hay mặt bằng kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Điển hình như ở quận 4, mảnh đất của Công ty Diêm Sài Gòn ngày xưa giờ đang mọc lên một công trình xây dựng căn hộ bề thế. Mảnh đất tại cảng Nhà Rồng Khánh Hội của Cảng Sài Gòn cũng đang tích cực được dọn dẹp để chuẩn bị phát triển một khu phức hợp siêu sang dự kiến trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng.

Trong khi đó, ngay mặt tiền của 2 trong số những con đường đắt đỏ nhất TP.HCM là Đồng Khởi và Ngô Đức Kế (quận 1), Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) đang gấp rút triển khai dự án cao ốc thương mại - văn phòng sau khi trở thành doanh nghiệp cổ phần vào năm 2015.

Nhưng trong Đại hội cổ đông vừa qua, các cổ đông cũ và mới của Công ty vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức phát triển dự án. Đáng chú ý, các tranh cãi liên quan đến dự án này lại chiếm phần lớn thời lượng cuộc họp thay vì tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là con cá, con tôm, vốn đang gặp nhiều thách thức về xuất khẩu trong năm nay.

Sắp tới đây, một trong những cảng sông lớn nhất Việt Nam là cảng Phú Định (quận 8) với tổng diện tích 10 ha cũng chuẩn bị khởi công một dự án bất động sản lớn. Đó còn là mảnh đất vàng tại Bình Thạnh trên nền đất của bến xe miền Đông.

Thị trường cũng đang nóng lòng xem thiết kế các dự án tại 4 mảnh đất vàng nằm rải rác khu trung tâm quận 1 của Công ty In Trần Phú sau khi công ty này đón nhà đầu tư mới hồi cuối năm ngoái.

Còn tại Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn hậu cổ phần hóa, có lẽ các cổ đông mới của Công ty cũng đang suy tính nên làm gì với 16 khu đất có tổng diện tích 40.341 m2. Ngoài các lô đất tại TP.HCM, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn cũng đang quản lý khu đất 5.625 m2 tại Đà Nẵng theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.

Theo CBRE Việt Nam, trong năm nay khu vực trung tâm TP. HCM sẽ có khoảng 8 dự án siêu sang được chào hàng. Mức giá cao nhất có thể lên đến 7.500 USD/m2. Một con sóng lớn về địa ốc dường như đang dần lộ diện trong năm nay và các năm tới.

Cũng cần nói thêm rằng việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém,  là chủ trương đúng đắn. Và sự xuất hiện của các cổ đông mới là cần thiết để thổi luồng sinh khí mới vào các doanh nghiệp ốm yếu này. Trong khi đó, Nhà nước sẽ thu về một số tiền không nhỏ để bổ sung vào ngân sách, tái đầu tư vào các dự án công và hạ tầng giao thông quy mô lớn.

Tuy vậy, lại có khá nhiều trường hợp cổ phần hóa, mà trong đó các cổ đông mới hầu như chỉ quan tâm đến giá trị đất đai và không mang đến những kinh nghiệm, lợi thế giúp tạo sự khác biệt để thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty đi lên.

Hệ quả của việc kết hợp công - tư có thể chỉ nhiều năm sau mới thấy, như trường hợp của công ty sản xuất đay và bao bì nói trên. Cũng có trường hợp khi rơi vào tay các nhà đầu tư tư nhân, số phận của các mảnh đất vàng lại hẩm hiu vì tay chơi mới không đủ năng lực triển khai như thân phận của dự án Lavenue nằm tiếp giáp 3 mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Chiêm nhiều năm qua.

Theo Bộ Tài chính, trong kế hoạch thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, trên cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước còn lại, với mục tiêu số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 sẽ chỉ còn gần 200, giảm 50% so với năm 2015. Cơ hội nắm giữ tài sản công sẽ được rộng mở.

Tin bài liên quan