Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

(ĐTCK) Với hơn 3.200 km đường bờ biển, thiên nhiên mang lại cho Việt Nam thật nhiều ưu đãi với những bãi biển thuộc vào danh sách đẹp nhất hành tinh. Nhưng để đánh thức những “nàng công chúa ngủ trong rừng”, đánh thức những vùng đất còn ngủ quên giữa cát trắng và cây bụi, rất cần những người đi mở đất dám nghĩ, dám làm.

Cũng khoảng thời gian này 2 năm về trước, ngày 24/4/2015, theo chân đoàn khảo sát dự án của Tập đoàn FLC, tôi đặt chân đến Eo Gió, Bình Định - nơi được coi là địa điểm ngắm bình minh đẹp nhất Việt Nam. Giữa trưa nắng chang chang, người phụ nữ trông giữ xe nằm đung đưa võng, chẳng buồn ngồi dậy khi nhìn thấy chúng tôi. Bà nghĩ, chúng tôi là khách lẻ, đến đây chơi, giống như hàng loạt người khác, thường đảo qua ghé thăm Eo Gió một chốc lát rồi lại quày quả đi ngay bởi chỗ ăn không có, chỗ nghỉ càng không.

Thế nhưng, tâm trạng bà bỗng vui hẳn, khi tôi nói đây là đoàn khảo sát để về đây xây dựng quần thể nghỉ dưỡng 5 sao. Câu chuyện của người phụ nữ bắt đầu le lói hy vọng về một cơ hội làm ăn mới.

Nơi nào có dự án nghỉ dưỡng, nơi đó, giao thông, dịch vụ phát triển và đi kèm là rất nhiều công ăn việc làm cho người dân được giải quyết, giá trị đất đai tăng lên

Người phụ nữ kể, nhà bà có 4 người con. Hai con gái lớn chưa học hết cấp 2 đã nghỉ học. Cô con gái lớn 25 tuổi hiện đã có chồng con, ở cách đó chừng 30km. Cô thứ hai vào TP.HCM từ năm 17 tuổi, giờ làm nghề cắt tóc, gội đầu. Hai cậu con trai, một 8 tuổi còn đi học, một 15 tuổi, đã nghỉ học từ hồi lớp 9 và đang theo ba đi biển đánh cá.

“Sau này dự án có làm thật, cô quen với ông chủ, nhớ xin cho tôi được bán hàng nước ở gần đó nha cô. Nhà tôi đi biển thu nhập bấp bênh lắm. Cô nhớ đừng quên tôi nha cô”, bà nói với tôi, giọng ánh lên niềm hy vọng.

Một năm sau, tôi lại có dịp trở lại dự án FLC Quy Nhơn, lúc này đang trong giai đoạn thi công nước rút. Gặp lại tôi, bà cười tít mắt. Vẫn trông giữ bãi đỗ xe đó, nhưng bà đã quên hẳn ý tưởng mở quán hàng nước sát dự án FLC. Bà vẫn nhận ra tôi, đon đả mời tôi ly nước mía và nói đủ thứ chuyện.

Từ ngày FLC Quy Nhơn khởi công, làm ăn ở đây tốt lên trông thấy do lượng cầu đến từ hàng nghìn công nhân, kỹ sư làm việc tại dự án. Không những thế, từ dự án lớn này, cái tên Quy Nhơn, Eo Gió được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn, kéo theo lượng du khách về đây tấp nập.

Ngoài việc trông giữ xe đông khách hơn, bà mở thêm quá nước mía giải khát, và bán kèm đồ hải sản khô cho du khách muốn mua làm quà. Cũng nhờ trông giữ xe, bà còn kiêm luôn người môi giới cho thuê cano để du khách đi thăm san hô, ra đảo Kì Co.

Eo gió tuyệt đẹp nhưng còn rất hoang vu khi chưa có FLC Quy Nhơn 

Với nước biển trong xanh, bãi san hô nổi rất đẹp, và đảo Kì Co rất hoang sơ được ví đẹp hơn cả Maldives, Eo Gió bỗng chốc trở thành nơi thu hút lượng lớn du khách. Bà, từ người phụ nữ trông giữ bãi xe đầy vất vả bỗng trở thành một bà chủ kiêm trong tay rất nhiều dịch vụ, và cả mấy cô cháu làm nhân viên phụ giúp.

Cuộc đời bà, trước khi có FLC Quy Nhơn chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh này, bởi vùng đất này chỉ hơn 1 năm trước còn được xếp vào diện đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ của tỉnh Bình Định.

Đầu năm 2017, lại một lần nữa tôi trở lại FLC Quy Nhơn. Lần này, câu chuyện của người tài xế taxi già khiến những hành khách chúng tôi thấy quãng đường từ dự án vào khu di tích Tây Sơn thật gần.

Bác tài kể chuyện, từ ngày có dự án FLC Quy Nhơn, cánh lái xe taxi của bác làm ăn dễ hơn hẳn. Trước kia, Quy Nhơn hiếm khách, nên lượng khách ít, quãng đường đi cũng ngắn. Giờ vào vụ, bác làm không hết việc, mỗi lần đi từ thành phố về dự án là kiếm được gần 300.000 đồng, nhưng đa phần, khách sẽ thuê luôn ngày để đi đây đó, nên thu nhập được khoảng hơn 1 triệu đồng một ngày với khách, chưa tính có thể tranh thủ đi thêm 1 vài cuốc giữa chừng hoặc cuối ngày làm việc.

“Nhà tôi trước nghèo lắm cô ạ. Chúng tôi dồn tiền góp mua xe, nên không còn tiền để mua nhà, vợ con ở dưới quê, nhà cũ. Nhờ dự án này (FLC Quy Nhơn), giờ chúng tôi mua một miếng đất nhỏ, cất 1 tấm và không còn nợ nần nữa”, ông nói với giọng đầy tự hào, bởi không chỉ có được một tổ ấm, ông và gia đình còn có thêm công ăn việc làm có thu nhập ổn định lo cho cuộc sống, cháu nội đã có chỗ ở đàng hoàng.

FLC Quy Nhơn đã mang lại công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn người dân Bình Định 

Câu chuyện của người tài xế già chợt khiến tôi nhớ đến một người tài xế taxi Nha Trang. Lần đầu tiên đến với thành phố biển xinh đẹp này, tôi thuê một taxi, nhờ tài xế đưa đi ngắm hết đường phố.

Cảnh tượng Nha Trang khiến tôi khá ngạc nhiên, bởi ngoài các khu khách sạn được xây dựng đẹp, hoành tráng, đa số nhà dân thường nằm nép mình bên đường, nhỏ nhoi, lặng lẽ. Trả lời câu hỏi về việc, hình như người dân ở đây không thích xây nhà cao tầng, người tài xế trả lời, Nha Trang hiện giờ đã thay da đổi thịt rất nhiều.

“Trước khi có Vinpearl, Nha Trang buồn lắm và nghèo nữa vì chủ yếu trông chờ vào đánh bắt thủy hải sản và làm nghề truyền thống. Theo thời gian, Nha Trang được biết đến nhiều hơn, có nhiều du khách. Trước kia chỉ phụ thuộc khách Nga, giờ sôi động và kinh tế khá hơn nhiều. Đất mặt biển đã trở thành đất vàng, người dân không còn vất vả như trước nữa”.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, khi tổng kết về thành mà FLC làm được, ngoài những con số lợi nhuận, quỹ dự án, số phòng khai thác, một điểm được ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc FLC nhấn mạnh, chính là tác động kinh tế - xã hội tại các địa phương mà dự án nghỉ dưỡng đó tọa lạc.

“Các dự án của FLC đều mang lại hiệu ứng tích cực về kinh tế - xã hội tại các địa phương. Thêm vào đó, mỗi năm, FLC đưa vào vận hành ít nhất 1 quần thể nghỉ dưỡng, cũng góp phần tạo ra thêm từ 1.000 - 2.000 việc làm mới cho người lao động”, ông Lê Thành Vinh nói về những đóng góp cho xã hội mà các dự án quần thể nghỉ dưỡng do Tập đoàn đầu tư mang lại.

FLC chỉ là một. Còn nhiều nữa những dự án nghỉ dưỡng của rất nhiều tập đoàn kinh tế như Vingroup, Sun Group, CEO Group… đang được xây dựng trên khắp dải đất Việt Nam. Nơi nào có dự án nghỉ dưỡng, nơi đó, giao thông, dịch vụ phát triển và đi kèm là rất nhiều công ăn việc làm cho người dân được giải quyết, giá trị đất đai được tăng lên.

Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, và gần đây là Sầm Sơn, Quy Nhơn, Quảng Ninh… đều đã nâng hạng rất nhiều trong cung cấp dịch vụ du lịch nhờ xuất hiện các quần thể bất động sản nghỉ dưỡng lớn. Không chỉ là những công trình làm đẹp, việc đầu tư lớn dẫn tới phải chịu sức ép kinh doanh, các chủ đầu tư chính là những người đã đóng vai trò quảng bá cho vùng miền, tăng cầu tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân địa phương và từ đó, tạo ra một cú huých lớn cho xã hội.

Tất nhiên, sẽ có những lo ngại nhất định về cảnh quan thiên nhiên, về môi trường có thể bị tác động tiêu cực bởi lý do này lý do khác. Nhưng làm nghỉ dưỡng có nghĩa là bỏ “tiền cục” ra để thu “tiền lẻ”, phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực mới chịu thấu. Mà đã là nhà đầu tư chuyên nghiệp, xác định đi dài hạn với thị trường thì thật khó thể hủy hoại danh tiếng bằng việc ra những quyết định hủy hoại môi trường.

Chưa kể, gu của du khách ngày nay là du lịch trải nghiệm, chứ không phải “nghỉ dưỡng” trong phòng khách sạn. Vì vậy, sự nguyên sơ của thiên nhiên, vẻ đẹp mang bản sắc bản địa được giữ gìn tốt bao nhiêu, cơ hội mang lại cho chủ đầu tư các dự án nghỉ dưỡng nhiều bấy nhiêu.

Và chắc chắn, các chủ đầu tư đều thấu hiểu điều này.  

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan