Một đoạn sông Cổ Cò trước đây đã bị bồi lấp

Một đoạn sông Cổ Cò trước đây đã bị bồi lấp

Đà Nẵng: Sông Cổ Cò đang “nghẹt thở”

(ĐTCK) Được đánh giá có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng và Quảng Nam, nhất là du lịch, bất động sản, nhưng sông Cổ Cò hiện nay đang được quy hoạch cát cứ, nên chưa khai thác hết tiềm năng.

Vị thế con sông Cổ Cò

Sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam), được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội hai địa phương. Con sông này từng là tuyến đường thủy an toàn nối liền phố cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng trong những thế kỷ trước. Hiện nay, do sự biến thiên của khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp và không còn được thông suốt như trước kia. Tuy vậy, trong các quy hoạch liên quan của hai địa phương (Đà Nẵng và Quảng Nam) sông Cổ Cò đều đóng vai trò rất quan trọng.

Chẳng hạn, trong quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc quy mô 2.700 ha (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, sông Cổ Cò được định vị là khu vực ranh giới phía Đông, đồng thời đây là điểm nhấn để góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái cho đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc khi dòng sông này được nạo vét khơi thông.

Quy hoạch cũng nêu rõ: “Khai thông hệ thống sông Cổ Cò từ Cửa Đại (Hội An) đến Non Nước và sông Hàn (Đà Nẵng) làm trục không gian chủ đạo của đô thị, tạo mặt nước và hành lang cây xanh, vùng cảnh quan và nghỉ ngơi cho đô thị”.

Tiếp đến, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể 2.600 ha không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An. Mục tiêu của quy hoạch nhằm định hướng phát triển không gian trọng tâm và kết nối các không gian còn lại, làm cơ sở phát triển hạ tầng hai bên bờ sông, gồm ba trọng điểm chính và hai khu vực phụ trợ.

 Cánh đồng lúa vốn là một đoạn sông Cổ Cò bị bồi lấp

Theo đó, khu A là khu vực phát triển khu phức hợp, thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn); khu B thuộc khu vực An Bàng, phường Cẩm An, TP. Hội An và khu C thuộc khu vực Cồn Tiến, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An. Hai khu vực phát triển kết nối gồm khu D, thuộc khu vực ngã ba Thống Nhất, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn và khu vực bãi tắm Cửa Đại hiện hữu, thuộc phường Cửa Đại, TP. Hội An.

Theo đó, khu vực phát triển du lịch chiếm gần 1.200 ha, các khu đô thị mới 433,5 ha, các khu vực cây xanh trung tâm hơn 205 ha…

Đối với Đà Nẵng, vai trò sông Cổ Cò cũng được đánh giá là rất quan trọng, đặc biệt là việc kết nối tuyến du lịch sông nước từ sông Hàn vào đến sông Thù Bồn - TP. Hội An thông qua sông Cổ Cò. Năm 2012, lãnh đạo TP. Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất kế hoạch đầu tư tập trung, dứt điểm khớp nối quy hoạch 600 m đoạn sông Cổ Cò nằm trên địa giới hành chính của hai địa phương. Tuy nhiên sau đó, mới chỉ có một số đoạn thuộc địa bàn Đà Nẵng được tiến hành khơi thông.

Đến giữa năm 2017, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) cũng đã tiến hành triển khai thực hiện dự án nạo vét sông Cổ Cò với chiều dài 14 km. Trong đó, chiều dài qua địa bàn TP. Hội An là 9,5 km, chiều dài còn lại đi qua thị xã Điện Bàn. Với dự án này, kinh phí từ Trung ương sẽ hỗ trợ 425 tỷ đồng, 425 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Thông tin này sau đó đã được các sàn giao dịch bất động sản tại khu vực Đà Nẵng sử dụng để quảng bá rầm rộ cho các dự án đất nền khu vực ven sông Cổ Cò. Đồng thời, giá đất cũng bị đẩy lên cao ngất ngưỡng so với trước đó.

Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện nay, dọc ven sông Cổ Cò có hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ, trong đó không ít dự án sử dụng tên “Co co” (Cổ Cò) để đặt tên thương mại cho dự án.

Cần có có một quy hoạch thống nhất

Kiến trúc sư Phạm Phú Bình, Ủy viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đánh giá, hiện nay, dọc ven sông Cổ Cò đang có tình trạng quy hoạch cát cứ từng đoạn, chủ yếu tập trung khu vực địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Bình, chính quyền của cả 2 địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam cần ngồi lại với nhau để đánh giá, xây dựng một quy hoạch tổng thể chung đồng bộ và thống nhất về cảnh quan dọc ven sông Cổ Cò kéo dài từ Đà Nẵng vào đến Hội An, dựa trên lợi ích chung của cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững cho tương lai. Tuy nhiên, cũng phải chú trọng lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư (đã đầu tư các dự án bất động sản), để nhà đầu tư cùng tham gia vào thực hiện quy hoạch.

Một dự án nằm sát khu vực sông Cổ Cò thuộc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc 

“Đồng bộ quy hoạch là phải tạo nên vệt không gian hai bên sông là các khu nghỉ dưỡng, khu giải trí, các khu công viên cây xanh… để tạo thành một trục cảnh quan mới phục vụ du lịch theo đường sông Cổ Cò. Điều này sẽ giải quyết được bài toàn phát triển du lịch cho Đà Nẵng - Quảng Nam, hình thành một loại hình du lịch sông nước mới, kết nối Đà Nẵng vào đến Hội An và ngược lên phía Tây theo con sông Thu Bồn”, ông Bình góp ý.

Còn theo ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quy hoạch chung tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, dọc hai bờ sông Cổ Cò đều được thiết kế với vệt cây xanh cách ly và tùy đoạn sông hay từng dự án mà vệt cây xanh đó ngắn hay dài.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, có một số các dự án thuộc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc khi đi vào triển khai đã có sự không “khớp” so với quy hoạch chung, trong đó có vệt cây xanh ven sông Cổ Cò.

“Thiết kế tổng thể là vậy, nhưng khi đi vào quy hoạch chi tiết 1/500 từng khu, từng dự án thì sẽ có những sự thay đổi so với quy hoạch tổng thể chung, do những nguyên nhân khác nhau, như chủ đầu tư dự án giải tỏa mặt bằng không thành nên phải điều chỉnh lại dự án, hoặc khi trình và bảo vệ dự án phía cơ quan chức năng không nắm, không quản lý hết, nên phê duyệt đi vào chi tiết đã bị thay đổi...

Thực tình mà nói, chủ đầu tư cũng có những cái khó của họ, như khi dân không chịu di dời, không giải tỏa mặt bằng được, thì dự án phải điều chỉnh lại quy hoạch, chứ không biết làm khác được”, ông Tâm giải thích

Cũng theo ông Tâm, với vai trò của sông Cổ Cò giờ đây, các nhà đầu tư kỳ vọng làm sao cho việc triển khai nạo vét khơi thông dòng sông được thực hiện kịp thời, đúng như thiết kế (bao gồm mở rộng bề ngang hay độ sâu). Khi đó, cảnh quan của cả khu vực sẽ đúng chuẩn quy hoạch, đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên cho các dự án. Còn khách hàng và nhà đầu tư cũng kỳ vọng các chủ đầu tư triển khai các dự án đúng chất lượng, đúng một đô thị quy chuẩn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan