Để TTTM phát triển, các doanh nghiệp phải thay đổi được thói quen mua sắm của người dân. Ảnh: Chí Cường

Để TTTM phát triển, các doanh nghiệp phải thay đổi được thói quen mua sắm của người dân. Ảnh: Chí Cường

Cuộc chiến của các trung tâm bán lẻ

(ĐTCK) Cuộc chiến đằng sau con cá mớ rau của các đại gia bán lẻ đang nhòm ngó thị trường hơn 90 triệu dân như Việt Nam ngày càng khốc liệt. Phần thắng sẽ thuộc về chủ đầu tư nào thay đổi được thói quen mua sắm của người dân.

Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) là nhà phân phối của những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới như Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry, Bally, Tumi, Bulgari, Paul&Shark, Just Cavalli, Versace Jeans... Hay các thương hiệu thời trang trẻ em như Fendi, Roberto Cavalli, Miss Blumarine, Monnalisa, Simonetta, Moschino, Pinko, Polo Ralph Lauren... Các thương hiệu này xuất hiện dày đặc tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Tràng Tiền Plaza Hà Nội - TTTM do IPP làm chủ.

Cuối năm 2015, với chương trình “Private sale” lớn nhất năm, DAFC đã tạo cơ hội cho dân văn phòng có thể sở hữu những món đồ hiệu đắt tiền như giày Salvatore Ferragamo nơ huyền thoại hoặc sản phẩm mang họa tiết sọc nổi tiếng toàn thế giới của thương hiệu Burberry với giá chỉ bằng 50% giá niêm yết khi mua sắm tại Tràng Tiền Plaza.

"Dù cho lương có tăng lên 30% trong 2 năm tới đi chăng nữa, thì người dân cũng sẽ không dùng phần lớn lương cho mua sắm tại các TTTM" - Cushman & Wakefield.

Trong khi đó, đối với công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ngoại ô phía Đông Hà Nội, từ ngày có Aeon Mall Long Biên, họ đã có thêm cơ hội trải nghiệm mua sắm. Thậm chí, những ngày cuối tuần, người dân tại các quận, huyện khác của Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo nhau đến TTTM này rất đông, gây hiện tượng tắc nghẽn giao thông.

Từ lúc có Aeon Mall Long Biên, vợ chồng chị Hương ở phường Giang Biên, quận Long Biên cuối tuần nào cũng cho con đến đây thay vì đến Time City, Royal City như trước kia. Phần vì gần nhà, phần vì TTTM này cũng xuất hiện những mặt hàng trung cấp, bình dân từ ăn uống, quần áo, giày dép, đến mỹ phẩm để chị có thể mua được hàng chính hãng với giá cả phải chăng, phù hợp với mức thu nhập của gia đình chị. 

Tất cả trong một

Trong quý IV/2015, hai trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh và Aeon Mall Long Biên chính thức ra mắt với tổng diện tích sàn là 152.500 m2 (diện tích cho thuê là 106.500 m2). Hai dự án này đều khai trương với công suất thuê lên tới hơn 95%.

Lý do là cả 2 dự án này đều áp dụng mô hình “tất cả trong một”, giúp khách hàng có thể kết hợp mua sắm, vui chơi giải trí và ăn uống. Trong đó, Aeon Mall Long Biên có rạp chiếu phim, khu vui chơi cho thanh thiếu niên, trung tâm vui chơi quy mô lớn cho trẻ em và khu ẩm thực phong phú. Còn Vincom Nguyễn Chí Thanh bao gồm khu mua sắm mỹ phẩm thời trang, siêu thị, ẩm thực, nội thất và rạp chiếu phim...

Tương tự, tại thị trường bán lẻ TP.HCM, trong quý cuối cùng của năm 2015 cũng đã đón 3 trung tâm mua sắm là Pearl Plaza ở quận Bình Thạnh, Vincom Megamall ở quận 2 và Emart ở quận Gò Vấp - thương hiệu bán lẻ của Hàn Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Riêng ở quận 1 chào đón 1 hình thức mới của bán lẻ trên đường Nguyễn Huệ với sự mở cửa của Saigon Garden.

"Tiền và thói quen là hai việc hoàn toàn khác nhau, kể cả thu nhập có tăng đi chăng nữa, thì chưa chắc họ vào trung tâm mua sắm nếu họ không có thói quen" - ông Theodore Knipfing, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù diện tích đất hạn chế, nhưng TTTM này rất thu hút thanh niên và người nước ngoài, vì họ có thể tìm thấy các quán ăn, cửa hàng mua sắm, nhà hàng, triển lãm trên cùng một sàn. Đây là một trải nghiệm thú vị mà trước đây họ khó có thể tìm thấy ở không gian nào khác tại khu vực bận rộn như quận 1.

Trong năm 2016, thị trường bán lẻ TP. HCM đang chờ đợi cú hích từ 15 cửa hàng đến từ một nhà bán lẻ của Pháp - AuchanSuper. Điều này có thể cải thiện sự hiện diện của các thương hiệu siêu thị nước ngoài tại TP. HCM. Bởi hiện Big C vẫn là tên tuổi đình đám nằm trong Top các nhà bán lẻ, sở hữu nhiều siêu thị nhất (32) hiện nay trên thị trường Việt Nam.

Ngoài việc mở rộng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước trong năm 2015, một trong những xu hướng nổi bật khác được giới đầu tư bất động sản nhắc đến là xu hướng “bình dân hóa”.

Việc các siêu thị, cửa hàng bình dân, giảm giá đang ngày càng trở nên phổ biến đã chứng minh rằng, người tiêu dùng rất coi trọng đến giá trị và giá cả. Gần đây, nhu cầu thưởng thức ẩm thực đa dạng và gu thời trang trung cấp đang trở thành điểm lôi kéo người tiêu dùng đến các trung tâm mua sắm.

Theo nhận định của CBRE, trong năm 2016, các TTTM mới sẽ theo xu thế bình dân, nhắm tới khách hàng trung cấp, nên giá thuê có thể sẽ không cao như một số dự án trong quá khứ. Hiện các TTTM chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ, nhưng đã có vài dấu hiệu cho thấy viễn cảnh bức tranh về thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi lớn trong 5 năm tới.

Trong đó, Vingroup vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường về diện tích TTTM với hàng loạt dự án mới mở. Hiện nhà đầu tư này đang xây một lúc 20 TTTM. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang có kế hoạch tăng mạnh số lượng TTTM của mình với các con số cụ thể. Chẳng hạn, như LotteMart sẽ nâng từ 11 TTTM hiện nay lên 60 TTTM đến năm 2020, Aeon nâng từ 4 TTTM hiện nay lên 20 TTTM đến năm 2020... 

Thay đổi thói quen mua sắm

Một câu hỏi được đặt ra là mất bao lâu để các TTTM hiện nay thay đổi và cải thiện chất lượng nhằm thu hút người dân vào mua sắm? Điều này thật khó nói, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vướng mắc về thủ tục, chính sách, tiềm năng và sự phát triển của thị trường, sức mua và thói quen mua sắm của người dân…

Ông Theodore Knipfing, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á - Thái Bình Dương nhận định, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng không lạc quan đến mức vào thị trường, xây dựng nhiều TTTM và mong đợi sẽ thành công. Họ sẽ nghiên cứu và học hỏi từ những thành công của doanh nghiệp bản địa.

“Họ sẽ phải tìm cách để thu hút người dân đến trung tâm của mình bằng cách trả lời câu hỏi: Làm thế nào để thay đổi thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân địa phương? Tiền và thói quen là hai việc hoàn toàn khác nhau, kể cả thu nhập có tăng đi chăng nữa, thì chưa chắc họ vào trung tâm mua sắm nếu họ không có thói quen”, ông Theodore Knipfing nói và đưa ra ví dụ, tại Mỹ, khi các TTTM hoạt động kém hiệu quả, các nhà đầu tưđã nghĩ đến những hoạt động sáng tạo để lôi kéo người dân.

Thậm chí, họ có thể đầu tư xây hẳn trường đại học ở liền kề hoặc trong trung tâm mua sắm để thu hút người trẻ, vì sinh viên lúc nào cũng có nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí; hoặc họ xây bệnh viện, viện dưỡng lão, hiệu thuốc và kể cả nhà thờ nhỏ trong đó. Họ tìm mọi cách để gắn TTTM vào cuộc sống của từng người dân, khiến người dân làm gì cũng phải liên quan đến TTTM.

Các chủ đầu tư TTTM tại Việt Nam có thể học hỏi điều đó, hãy tìm hiểu các bạn trẻ, các gia đình thường làm gì, đi đâu vào cuối tuần để có những hoạt động liên quan thu hút họ.

Hiện các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào sức tăng trưởng của thị trường bán lẻ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC). Những hiệp định thương mại này là những điểm tích cực cho thị trường, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, kỳ vọng này hơi quá lớn.

Về lý thuyết, sẽ có rất nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam khi các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu khi hoạt động giao thương nhộn nhịp hơn, nhưng thách thức vẫn rất lớn với các nhà bán lẻ.

Theo Cushman & Wakefield, với số dân trên 90 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, trong đó tỷ lệ dân cư sống tại đô thị khoảng 30% và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD/năm, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân vẫn chưa thực sự gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại.

Dù cho lương có tăng lên 30% trong 2 năm tới đi chăng nữa, thì người dân cũng sẽ không dùng phần lớn lương cho mua sắm tại các TTTM. Đó là một những thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ cả trong nước và nước ngoài. Kể cả họ đã phần nào sở hữu lợi thế từ việc mua lại các công ty đã có kinh nghiệm gia nhập thị trường.

Vậy nên, các chủ TTTM, các nhà phát triển bất động sản cần phải thúc đẩy kinh tế hộ gia đình cao hơn, cải thiện thói quen sinh hoạt và mua sắm gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại... Và điều này cần nhiều thời gian hơn chúng ta tưởng.    anh hoa

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan