Các dự án bất động sản mới sẽ bị ảnh hưởng nếu Thông tư 36 sửa đổi theo hướng siết chặt tín dụng vào địa ốc như dự thảo được thông qua - Ảnh: Dũng Minh

Các dự án bất động sản mới sẽ bị ảnh hưởng nếu Thông tư 36 sửa đổi theo hướng siết chặt tín dụng vào địa ốc như dự thảo được thông qua - Ảnh: Dũng Minh

Cửa gọi vốn tín dụng sau Thông tư 36 sửa đổi

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN với nội dung siết lại tín dụng bất động sản khiến các doanh nghiệp địa ốc lo ngay ngáy.

Doanh nghiệp địa ốc thay đổi kế hoạch

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty Bách Đạt, chủ đầu tư Dự án Sentosa City (Đà Nẵng) cho biết, kể từ khi ban hành từ cuối năm 2014 cho tới nay, với việc nới lỏng “van” tín dụng với bất động sản, Thông tư 36 đã góp phần không nhỏ trong việc “kích hoạt” đà tăng trưởng của thị trường, góp phần giải quyết hàng tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, khi thị trường chưa phục hồi được bao lâu, việc Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu siết lại “van” này là một điều không hợp lý vào thời điểm này, có thể gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.

Theo vị này, hiện doanh nghiệp đang tập trung kinh doanh các dự án hiện tại và cơ bản nguồn vốn cho các dự án này cũng đã sắp xếp xong, nên trước mắt sẽ chưa ảnh hưởng nhiều nếu Thông tư 36 sửa đổi được thông qua. Tuy nhiên, với những dự án mới, Bách Đạt cũng sẽ phải tính toán nhiều hơn, bởi Thông tư 36 sửa đổi chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, đặc biệt là niềm tin của người mua nhà.

Ở các nước phát triển, cấu trúc nguồn tín dụng cho bất động sản khá đa dạng, từ các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí…, còn tại Việt Nam, cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào 2 nguồn chính đó là từ ngân hàng và vốn huy động từ người dân.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội cho biết, năm 2015, thị trường bất động sản tăng trưởng tốt, nên doanh nghiệp mạnh dạn mua lại các dự án để phát triển. Năm nay, công ty cũng đã tiến hành thương lượng mua lại một dự án khá lớn để bổ sung nguồn cung hàng sắp tới. Tuy nhiên, sau khi có thông tin sửa đổi Thông tư 36, thì ngân hàng bảo lãnh cũng dừng gói tín dụng này để chờ hướng dẫn, khiến số phận dự án bị treo.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản toàn cầu (GP.INVEST) cho biết, phần lớn các dự án bất động sản thương mại, nguồn vốn phải trông cậy vào tín dụng ngân hàng, nên chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản.

Việc Ngân hàng Nhà nước quan tâm đến tính an toàn của hệ thống tín dụng là điều dễ hiểu, nhưng nếu theo hướng như dự thảo Thông tư 36 sửa đổi sẽ tác động không chỉ kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn kéo theo sự liên lụy đến các ngành khác như sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng....

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, thắt chặt tín dụng sẽ đẩy lãi suất tăng. Nếu để lãi suất tiếp tục tăng lên, toàn bộ nỗ lực về phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được. Do đó, để tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý, có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá một cách bài bản, khoa học. Các chính sách kiểm soát thị trường đưa ra phải trên cơ sở nghiên cứu, tính toán cụ thể, nếu không sẽ gây méo mó thị trường. 

Cần đa dạng nguồn vốn

TS. Ngô Thị Phương Thảo, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ở các nước phát triển, cấu trúc nguồn tín dụng cho bất động sản khá đa dạng, từ các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí, đến các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài…, còn tại Việt Nam, cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào 2 nguồn chính đó là từ ngân hàng và vốn huy động từ người dân.

Đây là giai đoạn cần có sự tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng theo hướng nới lỏng cơ chế cho vay với chi phí vốn hợp lý, hỗ trợ trực tiếp cho các chủ đầu tư có sản phẩm dở dang, có tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng ngân hàng với những ràng buộc của chính sách tiền tệ, nên trong thời gian tới, cần đa dạng hóa các loại hình huy động vốn khác, như nguồn vốn từ quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở… để tạo kênh huy động vốn dài hạn cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, cũng cần có quy định, đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phải hoàn thành công trình với một tỷ lệ nhất định bằng nguồn vốn tự có trước khi huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân trong nước để đầu tư.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan