Bên cạnh Hồng Hà Eco City là một con mương hôi thối nồng nặc, nhưng vẫn quảng cáo là dự án xanh, sinh thái. Ảnh: Nguyễn Thành

Bên cạnh Hồng Hà Eco City là một con mương hôi thối nồng nặc, nhưng vẫn quảng cáo là dự án xanh, sinh thái. Ảnh: Nguyễn Thành

Công trình xanh, làm thực hay làm màu?

(ĐTCK) Công trình xanh đang là xu hướng được nhiều chủ đầu tư và khách hàng hướng tới. Tuy nhiên, có vẻ như chữ xanh đang bị lạm dụng quá đà.

Lơ mơ về chuẩn xanh

Dự án Eco Nguyễn Xiển được rao bán và quảng cáo là dự án xanh một cách rất rầm rộ. Hiện mức giá căn hộ tại đây đang dao dộng trong khoảng 29 - 30 triệu đồng/m2. Dù nhân viên bán hàng của Sàn Ephatland quảng cáo rất nhiều về chữ xanh của dự án này, nhưng khi phóng viên hỏi về việc đơn vị áp dụng chuẩn xanh nào cho công trình hay các loại vật liệu, thiết bị hay giải pháp năng lượng, nước cho dự án, thì nhân viên này lại ú ớ. “Dự án được xây dựng theo thiết kế sẵn có chứ không có tiêu chuẩn nào”, nhân viên này cho biết

Tương tự, Dự án Hồng Hà Eco City của chủ đầu tư Hồng Hà Tứ Hiệp Dầu khí cũng đang được quảng cáo rầm rộ về không gian xanh và vô số tiện ích, nhưng xanh theo chuẩn nào cũng vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.

“Dự án bên em có đến 52 tiện ích, là cả một khu đô thị sinh thái, nhiều tiện ích hơn cả Times City hay, Park Hill. Bên em là khu đô thị xanh đã đăng ký bảo hộ, bản quyền bên Sở Công thương nên mới có chữ “Eco City”. Chuẩn này được Sở Công thương, Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép”, nhân viên kinh doanh chủ đầu tư Hồng Hà Tứ Hiệp Dầu khí cho biết.

Cư dân Hồng Hà tố chủ đầu tư về chất lượng yếu kém của công trình 

Điều lạ là đơn vị cấp chứng chỉ công trình xanh từ trước đến nay là Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC – chứng chỉ LOTUS), Hội đồng Xây dựng Mỹ (chứng chỉ LEED), IFC (chứng chỉ EDGE)…, chứ không phải Sở Công Thương hay Sở Xây dựng. Có lẽ, các nhân viên phân phối dự án đã cố tình đánh tráo khái niệm, mang chứng nhận sở hữu tên gọi và giấy phép xây dựng ra để thuyết phục khách hàng rằng đó là chứng nhận công trình xanh.

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bên cạnh dự án là hệ thống kênh mương nước đen như mực, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngoài ra, với vị trí như hiện tại, Hồng Hà Eco City đang phải vay mượn nhiều tiện ích của các dự án khác, chứ bản thân dự án thì các tiện ích “nhiều nhưng nhạt”.

Mượn “xanh” để bán hàng

Nhận định về việc nhiều doanh nghiệp mượn chữ xanh, sinh thái (Eco) để quáng cáo cho dự án nhưng thực tế lại thiếu thốn tiện ích, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay, có một số dự án chung cư lạm dụng danh xưng như “Eco” (sinh thái), “Green” (xanh), “Nature” (thiên nhiên) đặt tên cho các dự án. Còn thực tế, những dự án đã đăng ký chứng chỉ xanh phải được nghiệm thu, chủ đầu tư phải xây dựng đúng chuẩn, sau 3 năm đưa vào sử dụng mà kiểm tra lại không đạt sẽ bị thu hồi chứng chỉ”.

Tương tự, ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành VGBC cho biết, nhiều dự án chung cư gắn mác “xanh” được thiết kế không theo tiêu chuẩn xanh nào, phần lớn phục vụ mục đích bán hàng.

“Một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án”, ông Long cho biết.

Hiện nay, nước ta chưa có chuẩn xanh quốc gia cho các công trình, hầu hết các chủ đầu tư nếu muốn làm công trình xanh, sinh thái đều đăng ký các chứng chỉ như EDGE của IFC, Green Mark của Singapore, LEED của Mỹ hay LOUTS của VGBC.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, dù áp dụng theo tiêu chuẩn nào, thì cũng trùng nhau ở các yếu tố là địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; chất lượng môi trường trong nhà tốt; thiết kế sáng tạo, mới mẻ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan