Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản đến Đồng Nai

Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản đến Đồng Nai

(ĐTCK) Đồng Nai hiện có khoảng 300 dự án đã và đang bồi thường và xu hướng đầu tư bất động sản tại Đồng Nai hiện nay được chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm tiệm cận và gắn liền khu đô thị hiện có gồm TP. Biên Hòa, thị trấn Trảng Bom, thị trấn Long Thành, thị trấn Long Khánh, huyện Nhơn Trạch.

Nhóm này phát triển ngắn hạn, quỹ đất trung tâm hiện đã hết, mật độ dân số đông, hạ tầng kỹ thuật và xã hội đầy đủ, trong đó Biên Hòa là đô thị loại 1, Long Khánh đô thị loại 3, còn lại là đô thị loại 5. Nhà đầu tư mua đất tại các khu vực này cách đây 5 năm nếu không vay vốn ngân hàng, thì đang thắng lớn.

Nhóm thứ hai là nhóm vùng ven thị trấn, ngoại ô. Hiện nay, có một số nhà đầu tư như Tập đoàn Donacoop hay Đệ Tam đang đầu tư nhóm này. Khi đầu tư vùng ven, vấn đề lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật kết nối và hạ tầng kỹ thuật chính. Hiện tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng các khu vực này theo hình thức BOT, BT.

Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản đến Đồng Nai ảnh 1

 Ông Nguyễn Thanh Lâm

Một số dự án hạ tầng đang triển khai theo hình thức này như dự án Hương Lộ 2 rộng 60 m2, dài 15 km nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, đoạn 6,5 km từ Quốc lộ 51 đến dự án của Donacoop giao cho Donacoop làm đầu mối. Hiện UBND tỉnh đang họp bàn phương án triển khai.

Từ đây đến phê duyệt khoảng vài tháng, dự kiến hoàn thành trong 1,5 - 2 năm. Giấy phép đoàn 6,5 km do Donacoop làm chủ đầu tư đã có, còn lại 6,5 km chủ trương đã có, nhưng chưa chọn đơn vị triển khai, trong 6 tháng nữa sẽ chốt vấn đề này.

Đối với dự án cầu Cát Lái, nối huyện Nhơn Trạch và TP.HCM, mới chỉ là chủ trương, cả TP.HCM và Đồng Nai đều ủng hộ, nhưng bài toán hiện nay là phải giải quyết nguồn vốn cho dự án.

Trong đầu tư bất động sản, rủi ro là bình thường, nhưng năng lực nắm bắt thông tin của nhà đầu tư sẽ quyết định sự thành công

- Ông Nguyễn Thanh Lâm,
Phó giám đốc Sở Xây dựng, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đồng Nai

Nhóm thứ ba là quanh Sân bay Long Thành. Nhóm này đầu tư có tính dài hạn hơn, bởi nếu có triển khai dự án thì cũng phải mất 10 năm mới có thể hình thành. Trước đây 7-8 năm, Đông Nai quy hoạch 21.000 ha quanh Sân bay Long Thành để làm khu công nghiệp, khu đô thị, phụ trợ cho dân cư. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội đã khác, nên tỉnh đã dừng lại quy hoạch 21.000 ha để điều chỉnh quy hoạch và xin phép Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài.

Cá nhân tôi cho rằng, nhóm 1 và 2 nếu đầu tư vào thì sẽ có hiệu quả hơn trong ngắn hạn, trong khi nhóm 3 là dài hơi hơn, có rủi ro vì chưa có quy hoạch và định hướng rõ ràng.

Nhìn chung, tiềm năng để các dự án bất động sản Đồng Nai phát triển là lớn. Ngoài lợi thế giáp ranh TP.HCM, cơ sở hạ tầng kết nối tốt, thì Đồng Nai hiện có khoảng 35 khu công nghiệp tập trung và lấp đầy hầu như 100%. Dân số Đồng Nai hiện nay khoảng 3 triệu người, trong đó tỷ lệ dân nhập cư khoảng 40%. Đây chính là cơ hội cho một số chủ đầu tư vào các dự án nhà ở thu nhập thấp, dự án đất nền giá vừa phải, nhưng cần lưu ý vấn đề phân lô đất nền.

Trước đây, có quy định tách thửa 1.000 m2, tách được 10 hộ, sau đó được tách bao nhiêu thì pháp luật không quy định rõ ràng, dẫn đến tách thửa tự phát và phân tán. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại tính pháp lý trong quy định tách thửa, cũng như phân lô bán nền sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn, đối với những nhóm đối tượng có nhu cầu thực tế phù hợp với quy hoạch, tuân thủ theo các quy định của Nhà nước, thì vẫn được phân lô bán nền, chứ không phải cấm hoàn toàn.

Còn với một số dự án như Long Hưng, Tam Phước, phân khúc nhà liên kề là chủ yếu. Mặc dù trong quy hoạch là có khu đô thị, nhà cao tầng, nhưng trước mắt trong phân kỳ đầu tư, cho phép xây nhà liền kề. Quan trọng nhất ở phân khúc này là chính sách giá bán linh hoạt, minh bạch, linh hoạt trong thánh toán mới hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, sẽ có rủi ro nếu nhà đầu tư vay vốn ngân hàng, bởi với các dự án lớn, trung bình 5 - 7 năm dự án mới hoàn chỉnh.

Trong đầu tư bất động sản, rủi ro là bình thường, nhưng quan trọng là năng lực nắm thông tin của nhà đầu tư. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã giao lại cho các Sở Xây dựng và UBND cấp tỉnh thành lập ngay hệ thống hạ tầng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Dự kiến, tháng 11/2017, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) sẽ tổ chức tập huấn về phần mềm để kết nối toàn quốc. Với hệ thống thông tin để kết nối toàn quốc, mỗi người dân truy cập có thể kiểm tra thông tin dự án, nhà đầu tư, các thông tin về dự án, ngay cả nhà môi giới, chỉ cần có người bị lừa thì cơ quan chức năng sẽ phát hiện ngay.       

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan