Chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B vắng bóng người dân sinh sống. Ảnh: Gia Phú

Chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B vắng bóng người dân sinh sống. Ảnh: Gia Phú

Chung cư tái định cư “vắng bóng người”

(ĐTCK) Sau nhiều năm xây dựng với mục đích đưa hàng ngàn hộ dân tại các khu dân cư bị giải tỏa về sinh sống, nhưng đến nay, những chung cư tái định cư mà TP.HCM xây dựng lại bị người dân “chê” không về sinh sống, nên xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Dân chê nhà tái định cư

Trong những năm qua, TP.HCM đưa ra chính sách và quỹ đất lớn dành cho việc xây dựng nhà tái định cư, trong đó báo cáo từ UBND TP.HCM cho biết, hướng phát triển từ giờ tới năm 2020 sẽ xây dựng thêm hàng loạt những dự án tái định cư mới cho hơn 20.000 hộ dân trong diện giải tỏa từ các dự án chung cư cũ tại các quận trung tâm, đang di dời từ các dự án trọng điểm của thành phố sắp triển khai…

Tuy nhiên, một nghịch lý đang xuất hiện tại thành phố lớn nhất nước này, đó là có rất nhiều người dân đang phải sinh sống trong điều kiện nhà ở đi thuê, chật hẹp, thì hiện đang có hàng loạt khu chung cư tái định cư đang bị bỏ không vì bị người dân “chê” không về sinh sống.

Cụ thể, dự án chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) đang nằm trong danh sách những chung cư tái định cư vắng người dân sinh sống. Dự án có số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, chủ yếu cho những hộ dân bị di dời từ ven kênh Lò Gốm (quận 6) khi Thành phố di dời để xây dựng cải tạo kênh Lò Gốm với gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất. Mặc dù dự án đã được hoàn thành từ năm 2010, nhưng đến nay, số lượng dân nhận nhà và dọn về sống rất ít.

Được biết, đây là giai đoạn 1 của dự án, được Sở Xây dựng TP.HCM giao cho Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh xây dựng và quản lý các lô chung cư kể trên. Dự án có 22 lô chung cư với tổng số 940 căn hộ, trong đó Công ty đã bàn giao 115 căn, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 100 hộ vào ở. Có lô chỉ có độc nhất 1 hộ sinh sống.

Không chỉ chung cư tái định cư Vĩnh Lộc bị dân “chê”, mà tại chung cư tái định cư Tân Hưng, đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Mặc dù chung cư này chỉ cách chợ Bến Thành 3 km, có thể nói là một chung cư tái định cư có vị trí cực kỳ đắc địa hiện nay. Tuy nhiên, dù được khánh thành từ năm 2006, nhưng tới nay, vẫn chỉ vỏn vẹn 23 hộ dân ở, còn 57 căn còn lại bị bỏ hoang.

Nguyên nhân, theo một số doanh nghiệp bất động sản, khi Thành phố xây dựng chung cư này đã bị một “lỗi” rất lớn, là tầm nhìn ngắn hạn, bởi xây dựng chung cư này chỉ cao 5 tầng, với cầu thang bộ. Chính điều này đã biến chung cư này thành “chung cư lùn”, bởi khi chung cư này vừa xây xong, thì các cung cư như Sunrise, Thanh Bình xây sát bên cao từ 30 tới 40 tầng, khiến chung cư trên lọt thỏm.

Tương tự, tại chung cư 481 Bến Ba Đình (quận 8), cảnh tượng vắng vẻ bao trùm khắp nơi. Khu chung cư khá khang trang gồm 2 khối nhà cao 15 tầng, với tổng số 350 căn hộ diện tích từ 59 - 97 m2 cũng bị bỏ hoang 5 năm nay.

Chung cư tái định cư Bắc Rạch Chiếc (quận 9) cũng chung hoàn cảnh. Khánh thành đã 7 năm nay, nhưng hiện chỉ có khoảng 15 hộ dân sinh sống. Do không có người ở, nên cửa sổ, lan can, nền, tường… nhiều căn hộ đã xuống cấp, nứt toác.

Không chỉ những chung cư tái định cư vùng ven bị dân “chê”, mà ngay cả những chung cư tại quận chung tâm thành phố cũng trong cảnh này. Đơn cử như chung cư tái định chung cư 234 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), chung cư tái định cư của những hộ dân tại dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện cũng vắng bóng người. Lý do người dân không về ở là sống giữa quận Bình Thạnh, nhưng những hộ dân tại chung cư này phải sử dụng nước giếng khoan đầy phèn.

Giải pháp nào để dân không chê tái định cư?

Câu hỏi này mới đây đã được chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt ra với Sở Xây dựng TP.HCM và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Ông Phong cho biết, theo con số ông nắm được, thì khu tái định cư lớn nhất Thành phố hiện nay là Vĩnh Lộc B sau nhiều năm xây dựng và đưa vào hoạt động, vẫn chỉ có hơn 200 hộ dân vào ở. Sau đó, Thành phố có chuyển 200 căn hộ tại đây sang diện nhà ở xã hội, nhưng vẫn không có người vào ở, tại sao người dân lại không vào ở?

“Vì sao nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư lại bị dân chê, yêu cầu các cơ quan như Hiệp hội Bất động sản Thành phố và Sở Xây dựng rà soát, cũng như lấy ý kiến người dân để khắc phục tình trạng này, bởi vấn đề này đang làm lãng phí rất lớn đối với ngân sách thành phố. Ngoài ra, một vấn đề nữa, đó là nhiều người dân tại Thành phố không có nhà ở, mà những nhà tái định cư lại bỏ hoang như vậy?”, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt câu hỏi.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, tất cả các nhà cao tầng, xã hội và tái định cư của Thành phố đều có chứng chỉ là đảm bảo chất lượng công trình quy trình của Bộ Xây dựng quy định, nhưng dù đủ như vậy mà dân vẫn chê. Lý do được cho là do khách quan khi chính quyền thành phố áp đặt khu vực đó là nhà tái định cư chứ không phải xuất phát từ mong muốn của những người dân được di dời về nơi tái định cư.

“Những khu tái định cư hiện nay được cho là không tạo điều kiện cho người dân tái định cư có thể sinh sống. Chẳng hạn, người dân quận 1 nhưng lại đưa về tái định cư ở huyện Bình Chánh, thì người dân chắc chắn sẽ không về ở”, vị này cho biết.

Theo các chuyên gia, giải pháp hiện nay là phải làm ngay một cuộc khảo sát xã hội học với những người dân tái định cư, để nghe nguyện vọng của người dân xem họ cần gì với khu tái định cư, từ đó tìm cách thỏa mãn với nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, Thành phố cần xây dựng khu tái định cư và tạo công ăn việc làm tại chỗ, thì người dân mới có kinh tế để có thể sinh sống. Một vấn đề nữa, đó là khu tái định cư phải đầy đủ tiện ích và kết nối giao thông công cộng giữa khu tái định cư với quận trung tâm, để người dân có thể đi tới nơi làm việc và học tập nhanh chóng.

“Đối với những chung cư tái định cư đã xuống cấp vì không có người ở, Thành phố cần duy tu bảo dưỡng, tạo thêm tiện ích để người dân về sinh sống. Đồng thời, Thành phố cần quảng bá những dự án tái định cư này cho người dân xem có phù hợp không để họ về sinh sống, trong một số trường hợp, Thành phố cũng cần bán khu tái định cư cho tư nhân để có quỹ làm những khu tái định cư khác.

Ngoài ra, Thành phố cũng cần có một quỹ đất tái định cư với nhà trống để phục vụ những dự án trọng điểm cần có nhà tái định cư trước. Những dự án tái định cư này có thể đóng vai trò là khu tạm cư để người dân đợi khu tái định cư chính thức”, lãnh đạo HoREA cho biết.

Thiếu tiện ích, xa trung tâm khiến nhiều khu tái định cư bị người dân chê không về ở.  Ảnh: Gia Phú

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM thì cho rằng, lý do người dân chê chung cư tái định cư là vì người dân vẫn chưa quen với việc ở chung cư. Người dân lao động buôn bán ở trung tâm thành phố quen rồi, nên việc chuyển họ về sống tại quận vùng ven không có điểm buôn bán và phát triển kinh tế. Ngoài ra, khi về chung cư tái định cư, mỗi tháng phải chi trả nhiều khoản như phí dịch vụ chung cư, tiền giữ xe, tiền rác…, trong khi người dân ở chỗ cũ không mất những khoản tiền này.

“Nhà nước hiện thiếu ngân sách để thực hiện nhà tái định cư nên sẽ phải kết hợp cùng với doanh nghiệp để thực hiện xây dựng nhà tái định cư với tiêu chí phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc định giá nhà tái định cư và nhà cần giải tỏa với người dân là vấn đề khó, vì người dân không chịu giá đền bù hiện nay, nên họ không chấp nhận đền bù để về nới tái định cư”, ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, Sở đang tìm hiểu và sẽ sớm đưa ra giải pháp cho vấn đề này đối với những nhà tái định cư vắng bóng người dân hiện nay. Vấn đề chính vẫn là chính sách và kinh phí để thực hiện những giải pháp này tuy nhiên vấn đề này thành phố vẫn đang khó khăn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan