Nhiều doanh nghiệp và người mua nhà đang chờ đợi gói tín dụng ưu đãi mới thay thế gói 30.000 tỷ đồng đã hết hạn

Nhiều doanh nghiệp và người mua nhà đang chờ đợi gói tín dụng ưu đãi mới thay thế gói 30.000 tỷ đồng đã hết hạn

Chủ dự án bình dân vẫn mong ngóng gói vốn ưu đãi mới

(ĐTCK) Việc gói tín dụng lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng dừng triển khai đã kéo theo nhiều dự án gặp khó.

Giai đoạn năm 2012-2013, thị trường bất động sản đóng băng, để sưởi ấm thị trường, Chính phủ ban hành gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhằm với phân khúc nhà ở xã hội, sau đó mở rộng thêm ra với các dự án nhà ở giá rẻ. Để được hưởng gói tín dụng này, nhiều dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, hoặc điều chỉnh lại diện tích.

Tính đến năm 2015, Hà Nội có đến hơn 20 dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà xã hội. Việc thay đổi chiến lược kinh doanh này được xem như phao cứu sinh đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, thành công chỉ đến với các dự án mà chủ đầu tư tận dụng được chính sách hỗ trợ ưu đãi để đẩy nhanh triển khai dự án khi chính sách hỗ trợ còn hiệu lực, còn với các dự án mà chủ đầu tư triển khai ỳ ạch, đến khi gói 30.000 tỷ đồng không tiếp nhận khách mới và giải ngân hết, cả chủ đầu tư và khách hàng đều bị mắc kẹt.

Chẳng hạn, tại Dự án nhà xã hội Bright City, huyện Hoài Đức của AZ Land. Dự án này nằm trong nhóm dự án đầu tiên được chuyển đổi, nhưng doanh nghiệp lại bị khách hàng khiếu nại và quá chậm trong khâu triển khai, khiến kế hoạch bán hàng bị trì hoãn.

Sau khi thông tin gói 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn lan rộng, Dự án Bright City cho đến nay đã không thể tiếp tục bán hàng. Do không bán được sản phẩm nên tiến độ Dự án Bright City lại chững lại, khiến những khách hàng đã mua trước đó lo lắng.

Mới đây nhất, thông tin Tập đoàn BIDGroup sẽ tham gia giải cứu một loạt dự án của chủ đầu tư AZ Land làm nhiều khách hàng mua nhà tại Dự án Bright City khấp khởi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, AZ Bright City không nằm trong danh sách cứu của BIDGroup.

Cũng rơi vào tình cảnh gặp khó như dự án AZ Bright City, Dự án Tứ Hiệp Plaza do Công ty TNHH Vinh Hạnh làm chủ đầu tư ban đầu cũng dự tính ăn theo gói 30.000 tỷ đồng. Với mức giá khoảng 17 triệu đồng/m2, nhiều căn hộ của dự án này cũng nằm trong điều kiện được vay vốn gói 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng, việc gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai khiến kế hoạch mở bán của dự án này phải thay đổi.

Tuy nhiên, khác với Bright City, Tứ Hiệp Plaza vẫn được triển khai tiếp khi chủ đầu tư chuyển hướng sang tìm kiếm các gói hỗ trợ tài chính khác. Với chính sách ưu đãi lãi suất 0%, 12 tháng ân hạn nợ gốc và có mức giá vừa phải, Tứ Hiệp Plaza bắt đầu có thanh khoản trở lại từ cuối tháng 11/2016.

Việc gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai cũng khiến dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden do CEO Group làm chủ đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Trước đó, dự án này đã được CEO Group hoàn thành toàn bộ  432 căn hộ tại 2 tòa nhà CT9A và CT9B, cũng như toàn bộ hạ tầng tiện ích xung quanh, nhưng với việc gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc bán hàng của dự án này cũng gặp một số khó khăn.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, để hỗ trợ khách hàng khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, CEO Group đã thực hiện chương trình hỗ trợ trả góp với lãi suất 5%/năm trong 5 năm hoặc đến khi Chính phủ có gói vay mới. Nhờ đó, dự án vẫn tiếp tục tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ của khách hàng, dù không nhiều như trước.

Tại một số đang triển khai và bán hàng dở, Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng áp dụng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng tương tự CEO Group.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, giúp dự án có thanh khoản, hoặc được triển khai tiếp và không phải chủ đầu tư nào cũng có tiềm lực và chủ động được như trên. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm xây dựng các gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất thay thế gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho cả người mua nhà lẫn các doanh nghiệp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan