Quỹ đất bất động sản vùng ven đang là điểm ngắm của doanh nghiệp địa ốc TP.HCM. Ảnh: Gia Huy

Quỹ đất bất động sản vùng ven đang là điểm ngắm của doanh nghiệp địa ốc TP.HCM. Ảnh: Gia Huy

Chủ đầu tư địa ốc phía Nam bước vào cuộc đua mới

(ĐTCK) Thị trường bất động sản 2017 đang đi về những ngày cuối cùng, các doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu lập kế hoạch cho năm 2018. Trong đó, với việc quỹ đất trung tâm TP.HCM đang dần hạn hẹp, các doanh nghiệp đang hướng tới việc săn quỹ đất vùng ven để phát triển dự án.

Cuộc chiến săn đất vùng ven

Với quỹ đất lớn, kết nối vùng được xây dựng hài hòa, cộng thêm với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù, TP.HCM được cho là có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đấy kinh tế-xã hội Thành phố phát triển mạnh trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Giới chuyên gia dự báo, thời gian tới đây, TP.HCM sẽ thu hút thêm nhiều lao động, nhà đầu tư nước ngoài về thành phố để đầu tư, làm việc. Điều này sẽ thúc đẩy nhiều ngành, nghề phát triển, trong đó có thị trường bất động sản.

Để đón đầu cơ hội trên, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu tìm hướng đi mới cho mình, trong đó có kế hoạch săn quỹ đất vùng ven để phát triển dự án bất động sản.

Đi đầu trong câu chuyện săn quỹ đất vùng ven là Công ty Địa ốc Phú Đông với việc phát triển chuỗi 3 dự án Him Lam Phú Đông tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tại đây, chủ đầu tư xây dựng chuỗi dự án với đầy đủ tiện ích từ trường học, siêu thị, trung tâm thương mại…, tạo ra một cuộc sống khép kín cho cư dân của mình.

Đại diện chủ đầu tư này cho biết, dự kiến năm 2018, các dự án Phú Đông 2 và 3 sẽ được mở bán, Phú Đông 1 sẽ đưa cư dân vào sinh sống.

Một dự án vùng ven đáng chú ý khác là Dự án VinCity (quận 9, TP.HCM) của Vingroup, hiện cũng đang trong quá trình xây dựng hạ tầng để mở bán vào năm 2018.

Giới quan sát đánh giá, đây là những doanh nghiệp thuộc diện đi trước đón đầu cơn sóng đầu tư dự án vùng ven. Lợi thế của người đi trước là mua được quỹ đất rộng, đẹp, thuận tiện giao thông và có thể phát triển dự án ngay khi cơn sóng thị trường diễn ra. Điều này tạo lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp.

Thị trường đất nền TP.HCM “xôn xao” trước quy định mới

Theo chân ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản BV Land đi “săn” quỹ đất vùng ven những ngày cuối tháng 11 vừa qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nhận thấy, thị trường này đang khá sôi động. Quỹ đất ông Vũ đi coi lần này là của một doanh nghiệp nhà nước, nằm tại đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM, có diện tích hơn 10 ha. Ông Vũ cho biết, nếu mua thành công khu đất này, doanh nghiệp ông sẽ bắt tay phát triển dự án nhà phố.

“Dù quỹ đất vùng ven hiện khá lớn, nhưng hầu như đã có chủ. Do đó, giờ đây, doanh nghiệp muốn thâu tóm quỹ đất vùng ven phải chịu khó đi xa và chấp nhận giá cao hơn giá năm 2015 và 2016. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn khó có được những quỹ đất đẹp và mua những quỹ đất này chỉ để đầu tư lâu dài, chứ chưa thể phát triển ngay, bởi thủ tục đầu tư dự án mất nhiều thời gian. Đó là điều mà doanh nghiệp không mong muốn.

Do đó, ưu tiên của các doanh nghiệp đi săn quỹ đất vùng ven hiện nay là quỹ đất sạch, không vướng đền bù, đặc biệt quỹ đất nào đang có pháp lý phát triển dự án rồi thì càng được ưu tiên hàng đầu để có thể phát triển dự án ngay lập tức”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, từ tháng 6/2017 tới nay, ông đã phải cho nhân viên đi khắp các quận vùng ven tìm quỹ đất, nhưng mới thực hiện được một thương vụ mua lại quỹ đất tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Hiện ông đang quan tâm các quỹ đất tại huyện Hóc Môn và Bình Chánh, vì Thành phố đang có chính sách giãn dân về hai khu vực này trong giai đoạn 2018 - 2020.

Tương tự, Hưng Thịnh Land cũng quan tâm tới các quỹ đất vùng ven TP.HCM để phát triển dự án.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land kể, ông đang tìm hiểu một quỹ đất rộng 200 ha tại huyện Hóc Môn. Để có thể thực hiện thương vụ mua lại quỹ đất này, sau khi có thông tin quỹ đất chào bán, Công ty phải tiến hành kiểm tra pháp lý quỹ đất, quy hoạch phát triển của Thành phố với khu vực có quỹ đất chào bán, tính toán mức độ phát triển khu vực này, để có thể thực hiện thương thảo mua quỹ đất.

“Chủ đất lớn hiện nay rất khó tính. Trước đây, chủ đất cần người mua, nhưng giờ người mua cần chủ đất. Do đó, để có thể đàm phán với chủ đất, hiện các doanh nghiệp phải chứng minh được tài sản của mình có đủ khả năng mua được quỹ đất đó hay không, thì chủ đất mới quyết định gặp và thương thảo mua bán”, ông Hiền nói.

Cơ hội phát triển đồng bộ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản TP.HCM có thể phát triển đồng bộ. Theo ông Châu, hiện nay, thị trường TP.HCM chủ yếu phát triển các dự án trung tâm, sản phẩm đa số là các dự án chung cư, trong khi đó nhiều năm qua tại vùng ven, bất động sản chủ yếu là sản phẩm phân lô bán nền tự phát, không bài bản và hậu quả là quy hoạch quận, quy hoạch vùng bị phá vỡ.

Theo ông Châu, lỗi một phần do định hướng phát triển chưa rõ ràng, doanh nghiệp địa ốc chưa nhận ra nhu cầu thực của đại bộ phận người dân để đưa ra những sản phẩm phù hợp. Trong khi đó, nhà đầu tư thứ cấp lại nhìn thấy tiềm năng của đất vùng ven, nên đã tự phát triển các dự án bất động sản kém chất lượng tại các quận vùng ven. Tuy nhiên, thời điểm này đã khác, việc các doanh nghiệp lớn tiến hành săn quỹ đất vùng ven để phát triển dự án cho thấy rằng, các doanh nghiệp hiện đã nhìn nhận ra vấn đề để phát triển.

“Khi doanh nghiệp lớn đầu tư vào thị trường vùng ven, họ sẽ đưa ra sản phẩn tốt nhất, giúp thị trường phát triển đồng đều trên mọi phân khúc. Ngoài đất nền, thị trường vùng ven thời gian tới sẽ có những dự án chung cư từ giá rẻ đến cao cấp.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cũng sẽ được đầu tư phát triển, các dịch vụ tiện ích như trung tâm thương mại, trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học hiện đại cũng theo các dự án bất động sản xuất hiện theo, tạo đà cho việc đồng bộ hóa thị trường trung tâm tới vùng ven”, ông Châu nói.

Bất động sản Bình Dương trở lại cuộc đua

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã đến lúc phải phát triển vượt ra khuôn khổ vốn có là thị trường trung tâm. Hướng cụ thể của Sở Xây dựng trong việc phát triển các dự án bất động sản vùng ven đã được UBND TP.HCM thông qua, đó là tạo cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thủ tục cũng như khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, kết hợp với Sở Giao thông - Vận tải phát triển hạ tầng giao thông, mở đường cho thị trường bất động sản vùng ven phát triển.

“Đặc biệt, Thành phố có hướng mở rộng thị trường bất động sản vùng ven sẽ không chỉ bó hẹp ở ngoại ô TP.HCM, mà các doanh nghiệp sẽ hướng rộng ra các tỉnh lân cận giáp ranh với TP.HCM để phát triển dự án bất động sản. Những dự án này sẽ tạo cho Thành phố một hướng tích cực trong việc giãn dân từ TP.HCM qua các tỉnh vùng ven sinh sống.

Ngoài ra, các tỉnh lân cận cũng sẽ được hưởng lợi từ doanh nghiệp bất động sản khi đầu tư dự án tại địa phương mình. Sự dịch chuyển này sẽ tạo sự cân bằng trong phát triển kinh tế vùng, nâng cao đời sống người dân…”, ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan