Ảnh: Kim Đức

Ảnh: Kim Đức

Chọn gỗ công nghiệp “xịn“: Khó như... lên trời

(ĐTCK) Cũng giống như nhiều loại vật liệu, nội thất khác, gỗ công nghiệp rất đa dạng chủng loại, mẫu mã, thương hiệu và người tiêu dùng khó phân biệt được thật - giả.

Muôn màu thị trường gỗ công nghiệp

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thị trường gỗ công nghiệp hiện nay có nhiều loại khác nhau, từ hàng nhập khẩu, tới hàng sản xuất trong nước. Ngay cả hàng sản xuất trong nước cũng nhiều chủng loại, mẫu mã và thương hiệu khác nhau, từ các thương hiệu tên tuổi, đến các hộ sản xuất thủ công.

Tính đến nay, tại Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất gỗ ván công nghiệp với nhiều nhãn hiệu khác nhau, nổi bật nhất là những nhãn hiệu như Pago, Newsky, Jawa, hay một số nhãn hiệu chuyển đổi từ sản phẩm nhập ngoại như Morser, Wilson, Galamax, Glomax… Những sản phẩm này đã dần có chỗ đứng trên thị trường và đã phần nào đánh bật được hàng Trung Quốc.

Ngoài mẫu mã ngày càng đa dạng, chất lượng ngày một nâng cao, thì gỗ sản xuất trong nước còn có lợi thế cạnh tranh khi tiết kiệm được chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu.

Sàn gỗ Việt Nam hiện nay tập trung phát triển ở phân khúc thị trường giá rẻ và bình dân, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người Việt.

Nhưng khó nhận biết thật giả

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ Cầu Giấy, Hà Nội), gia đình anh đang hoàn thiện những giai đoạn cuối cùng cho ngôi nhà. Là người kỹ tính, nên anh rất quan tâm đến chất lượng các loại vật liệu xây dựng, nội thất. Gia đình anh Tuấn hướng đến nhu cầu về độ an toàn, thân thiện môi trường, cũng như các yếu tô “xanh” cho ngôi nhà của mình.

Tuy nhiên, việc lựa chọn gỗ nội thất khiến anh mất nhiều thời gian, vì thiếu kiến thức và thông tin nhận biết. Theo chia sẻ của anh Tuấn, gia đình đang quan tâm đến gỗ công nghiệp An Cường của Công ty cổ phần Gỗ An Cường có địa chỉ ở tỉnh Bình Dương, vì được giới thiệu đây là sản phẩm có chất lượng.

Tuy nhiên, điều anh băn khoăn là khó phân biệt được hàng thật - giả, bởi anh khảo giá thì thấy chênh lệch nhau quá lớn giữa các cửa hàng.

"Có showroom báo giá khoảng 7 triệu đồng/m2, nhưng có cửa hàng bảo gỗ An Cường với giá chỉ 2-3 triệu đồng/m2", anh Tuấn băn khoăn.

Không chỉ anh Tuấn, nhiều khách hàng khác cũng đang băn khoăn trong việc phân biệt đồ thật giả của đồ gỗ công nghiệp. Thậm chí, ngay cả người bán hàng nhiều khi cũng khó phân biệt thật - giả.

Theo chia sẻ của nhiều đại diện cửa hàng bán gỗ công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, những nhãn hiệu được nhập khẩu từ Trung Quốc thường được gắn mác công nghệ Đức hoặc công nghệ Malaysia, nhưng không in rõ ràng về xuất xứ trên sản phẩm, nên giới trong nghề không coi đó là những loại ván gỗ chính hãng. Hiện nay, trên thị trường chỉ có những loại ván gỗ công công nghiệp được nhập khẩu từ châu Âu, Malaysia, Thái Lan… được in rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ trên sản phẩm.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, sản phẩm của An Cường được nhập khẩu từ những thị trường uy tín và được chứng nhận về chất lượng, cũng như độ an toàn bởi các tổ chức có tên tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường có khoảng 50% gỗ trôi nổi, nhái tên sản phẩm của An Cường. Trong khi đó, chỉ có dân trong nghề mới có thể nhận biết thật - giả, còn người dân thì gần như rất khó phân biệt.

“Với sản phẩm của An Cường, cách nhận biết trực quan nhất là độ mịn của sản phẩm, giá cả đắt hơn, trọng lượng nặng hơn ván gỗ ép nhái, giả...”, ông Vĩ cho biết.

Để tránh bị lừa, người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu, nhà sản xuất lớn, có uy tín, sản phẩm phải ghi cụ thể địa chỉ, xuất xứ cũng như thông tin về sản phẩm… Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng lựa chọn ván gỗ công nghiệp với các chung cư, nên chọn chủ đầu tư, hoặc gọi điện trực tiếp cho công ty mình cần mua hàng để tư vấn. Tốt nhất, người tiêu dùng nên tìm đến showroom hoặc đại lý chính hãng để tìm hiểu.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thông mình của người tiêu dùng, thì các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để thanh lọc những “hạt sạn” trong thị trường gỗ công nghiệp hiện nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan