Châu Á chưa đủ xanh

Châu Á chưa đủ xanh

(ĐTCK) “Châu Á vẫn chưa đủ xanh trước thực trạng sử dụng nguồn tài nguyên khó phục hồi, đô thị hoá, phát thải CO2… Các công trình của châu Á đang dần lấy đi diện tích và mảng xanh của vùng nông thôn”.

Đó là nhận định của GS. Nirmal Kishnani, Giảng viên cao cấp trường Đại học Quốc gia Singapore . Cũng theo GS. Nirmal Kishnani, bên cạnh yếu tố tự nguyện áp dụng các công cụ đánh giá công trình xanh, để thúc đẩy “tính xanh”, các chính phủ cần quy định tối thiểu cho các toà nhà. Đơn cử tại Singapore , đến nay có tổng cộng 1.500 toà nhà được cấp giấy chứng nhận tòa nhà xanh, chiếm khoảng 19% các toà nhà. Mục tiêu đến năm 2030 là 80% các toà nhà tại Singapore được cấp giấy chứng nhận tòa nhà xanh.

Trong khi đó, tại Việt Nam , công trình xanh vẫn đang là khái niệm mơ hồ. Chính phủ cũng chưa có quy định bắt buộc việc sử dụng năng lượng xanh. Kiến trúc xanh vẫn phụ thuộc vào ý tưởng của chủ đầu tư.

Châu Á chưa đủ xanh ảnh 1

Chủ đầu tư các tòa nhà tại Việt Nam đang ngày càng chú trọng sử dụng vật liệu xanh cho công trình của mình

Kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Giám đốc Công ty TTT cho biết, phần lớn các kiến trúc sư vẫn phải thiết kế theo “đơn đặt hàng” của chủ đầu tư. Rất nhiều công trình đạt giải thưởng quốc tế, nhưng khi đưa vào sử dụng thì không được chấp nhận, bởi nhiều yếu tố như không quen, vật liệu không phổ biến, giá thành cao…

Kiến trúc xanh cũng chưa xây dựng được “bộ quy chuẩn” như ý tưởng về một nền kiến trúc xanh đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam . Chính vì thế, khi các công trình tham gia Giải thưởng Holcim Awards - giải thưởng có quy mô toàn thế giới tôn vinh các giải pháp xây dựng bền vững với tổng trị giá 2 triệu USD, phải lấy tiêu chí công trình xanh Lotus làm điều kiện, dù vẫn có một số khác biệt trong các tiêu chí đánh giá giữa Holcim Awards và Lotus.

Riêng về vật liệu, Holcim Awards ưu tiên mức độ cao tái sử dụng vật liệu, vật liệu có thành phần tái chế, vật liệu không nung. Công trình phải hướng đến nhu cầu thiết thực của cộng đồng, khai thác năng lực tại chỗ và mục tiêu giá thành tại chỗ. Cũng chính từ mục tiêu “xây dựng bền vững”, mà Giải vàng Holcim Awards năm 2012 đã thuộc về Đồ án “trường trung học với hệ thống thông gió thụ động” của 2 kiến trúc sư người Đức.

Đồ án thiết kế cho một ngôi trường trung học thuộc làng Gando, phía Nam của Bukina Faso, là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Vật liệu được dùng chủ yếu là đất sét nung tại chỗ và đến cả những tấm ngăn, vách lợp có thể dùng công cụ bằng tay mà không cần thiết bị hiện đại.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, điều phối viên xây dựng bền vững của Holcim Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, hơn 150 dự án đoạt giải trải rộng trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ việc cung cấp các nhu cầu cơ bản cho các cộng đồng đang phát triển, tới các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Tuy nhiên, tại Việt Nam , khái niệm kiến trúc xanh còn khá mới mẻ và việc tuyên truyền để người dân sử dụng vật liệu xanh không mấy dễ dàng.

Ông Phạm Trọng Hoàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trọng Danh cho biết, sản phẩm tấm ghép tường, ngói lợp được sản xuất từ vỏ trấu, nhựa và phế thải công nghiệp của doanh nghiệp chủ yếu là xuất khẩu. Sản phẩm này mới đây mới được đưa vào chương trình nhà ở cho vùng nông thôn Hà Tĩnh.

“Nhà xây dựng bằng tấm ghép tường có thể nổi trên mặt nước, thích hợp với vùng miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, nơi thường xảy ra ngập lụt. Giá thành xây dựng từ 30 - 40 triệu đồng, tương ứng 1 triệu đồng/m2, nhưng để đồng bào dùng sản phẩm không dễ”, ông Hoàn tâm sự.

Không riêng gì ông Hoàn, nhiều nhà sản xuất vật liệu xanh trong nước khác cũng đều phải tìm đến con đường xuất khẩu để tồn tại.

Con đường của vật liệu xanh dù còn nhiều gian nan, nhưng TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới nhận xét, kiến trúc xanh là hướng đi tất yếu của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn phát triển nhanh, quá trình đô thị hoá ngày càng tăng.

“Đô thị hoá ở góc độ nào đó là điều kiện tốt để chuyển dịch hiệu quả về năng lượng xanh. Theo số liệu thống kê, mỗi năm châu Á có 37 triệu người di cư từ nông thôn lên thành phố. Năm 2010, hơn 42% dân số châu Á sống tại thành phố và dự kiến năm 2050 sẽ là 64%. Những quốc gia và vùng lãnh thổ có mức sống cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông thì tốc độ đô thị hoá nhanh hơn, đồng nghĩa với việc phát thải cacbon cao. Riêng ở Việt Nam , trong giai đoạn 1990 - 2007, lượng phát thải cacbon đã tăng lên hơn 420 lần. Hy vọng, trong tương lai không xa vật liệu xanh sẽ là hướng đi chủ đạo trong kiến trúc, xây dựng của nước ta”, TS. Nguyên cho biết.