CBRE, Savills… đang chia thị phần cho môi giới BĐS nội

CBRE, Savills… đang chia thị phần cho môi giới BĐS nội

Ba năm gần đây, khi vị thế độc quyền bán hàng của các công ty môi giới bất động sản quốc tế giảm bớt, thì cũng là lúc thị trường chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đơn vị môi giới trong nước.

Công ty môi giới ngoại hết độc quyền

Năm 2012, thị trường bất động sản (BĐS) bước vào giai đoạn khó khăn nhất cũng là lúc các chủ đầu tư dự án BĐS sẵn sàng loại bỏ các đơn vị bán hàng. Indochina Plaza Hà Nội (241 - Xuân Thuỷ) - dự án BĐS cao cấp mới ra thị trường năm đó đã liên tiếp mời 2 công ty kinh doanh dịch vụ quốc tế đình đám nhất ở Việt Nam làm độc quyền bán hàng. Song chỉ sau vài tháng, 2 nhà môi giới ngoại này đã lẳng lặng rút lui. Sự thay đổi ở Indochina Plaza Hà Nội đã trở thành tiền lệ chấm dứt tình trạng độc quyền môi giới của các công ty dịch vụ BĐS quốc tế tại các dự án cao cấp.

Trước đó, nhiều dự án BĐS, như Pacific Place (Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm), Sky City Tower (88 - Láng Hạ) hay Keangnam Landmark Tower (khu căn hộ - đường Phạm Hùng)… thường chỉ có 1 công ty kinh doanh dịch vụ BĐS nước ngoài làm đại diện bán hàng độc quyền. 

Tình trạng các chiến dịch quảng bá bán hàng trước đây đều do 1 công ty tư vấn đạo diễn nay đã không còn nữa. Thế nên mới có tình trạng, trong cùng 1 dự án, ở cùng 1 thời điểm có đến 2 sự kiện họp báo giới thiệu chương trình bán hàng do 2 nhà tư vấn khác nhau tổ chức. Trong nhiều trường hợp, việc tổ chức sự kiện PR, marketing đều do đích thân chủ đầu tư đứng ra đạo diễn, các nhà môi giới chỉ đóng vai trò là người phối hợp.

Ở chiều ngược lại, khi thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, thị phần bị thu hẹp, nên các công ty tư vấn quốc tế đã buộc phải mở rộng thành phần khách hàng. Từ năm 2012 đến nay, những dự án tầm trung như Star Tower, Green Park Tower, PVI Tower (Khu đô thị mới Cầu Giấy), Berriver Long Biên (quận Long Biên)… đã trở thành khách hàng của các đơn vị tư vấn quốc tế.

Yếu tố hiệu quả là quan trọng nhất

Thời gian gần đây, những ai hoạt động trong lĩnh vực BĐS đều biết đến những vụ “lùm xùm” của Sàn Giao dịch BĐS Cen Group tại các dự án Chung cư Binh đoàn 12, Văn Phú Victoria… Tuy nhiên, sàn giao dịch này vẫn được một số chủ đầu tư lựa chọn. Vào cuối năm 2013, Cen Group được Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát uỷ thác toàn bộ số hàng tồn kho ở Dự án CT2 Tân Tây Đô, huyện Hoài Đức (với tên mới là Phúc Thịnh Tower) khiến các đơn vị môi giới BĐS không khỏi ngỡ ngàng.

Sau thương vụ mua lại và bán đi thành công gần 200 căn hộ bị tồn kho tại Dự án CT2 Tân Tây Đô, mới đây, Cen Group đã tiếp tục đảm nhiệm vai trò điều phối bán hàng tại Dự án CT1 Vân Canh (với tên gọi mới là CT Number One) của “đại gia tai tiếng” AZ Land là điều không nhiều công ty môi giới BĐS làm được. 

Vì sao và bằng cách nào, Cen Group có thể giải quyết được số hàng tồn kho lớn tại các dự án như CT2 Tân Tây Đô - Báo Đầu tư xin đề cập trong khuôn khổ 1 bài viết khác - nhưng rõ ràng, khi quyết định lựa chọn Cen Group, chủ đầu tư đã chỉ chú trọng đến hiệu quả bán hàng, mà không quan tâm đến các khía cạnh khác.

Gần đây, khi vị thế độc quyền bán hàng của các công ty môi giới BĐS quốc tế giảm bớt, thì cũng là lúc thị trường chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đơn vị môi giới trong nước.

Ban đầu là Đất Xanh với sự tiến quân ra thị trường phía Bắc với Sàn Giao dịch BĐS Đất Xanh miền Bắc đặt ở phố Kim Mã. Trong một thời gian ngắn, Đất Xanh miền Bắc đã có trong tay hàng loạt hợp đồng bán hàng tại các dự án Khu đô thị Xuân Phương, Mỹ Đình Plaza, HUD 3 Tower, Tây Hà Tower (CT1 Phùng Khoang)…

Cùng với 3 sàn giao dịch BĐS khác là Maxland, DTJ, Bất động sản châu Á, Đất Xanh miền Bắc đã xây dựng được Liên minh Các sàn giao dịch BĐS G5, chiếm 1 thị phần môi giới đáng kể tại Hà Nội, với hàng trăm giao dịch thành công mỗi tháng. Khá nhiều chủ đầu tư đang phải trông cậy vào sự đông đảo của đội ngũ nhân viên môi giới của các sàn này để giải quyết số hàng tồn kho tại các dự án ở Hà Nội hiện nay. 

Câu hỏi đặt ra là, các công ty kinh doanh dịch vụ BĐS quốc tế sẽ xoay xở như thế nào khi vị thế độc quyền môi giới tại nhiều dự án bị ảnh hưởng do sự vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Một cách âm thầm, những bộ óc “ngoại” đã tính đến diễn biến này.

Ngoài việc trả tiền cho dịch vụ môi giới bán hàng, chủ đầu tư còn phải bỏ tiền cho một số dịch vụ khác, như quản lý, định giá hay tư vấn đầu tư... Với lợi thế hơn hẳn về kinh nghiệm quản lý, doanh nghiệp tư vấn đầu tư BĐS nước ngoài mạnh hơn nhiều so với các công ty dịch vụ địa ốc trong nước. Đến nay, các công ty nước ngoài vẫn thống trị các dịch vụ này ở hầu hết các dự án BĐS tại Việt Nam.

Tin bài liên quan