Cần có cơ chế hỗ trợ công trình xanh

Cần có cơ chế hỗ trợ công trình xanh

(ĐTCK) Thời gian vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, dự án bất động sản bình dân vẫn có thể “xanh”, nhưng thực tế, đa phần dự án nhà dành cho người thu nhập thấp hiện tại không có được điều đó.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ sự hạn chế về hiểu biết trong cách thức đầu tư để công trình mang dáng dấp chuẩn “xanh”, dẫn đến lầm tưởng về việc đầu tư cho yếu tố “xanh” sẽ làm tăng chi phí xây dựng lên từ 20 - 30%.

Tại Hội thảo quốc tế Công trình xanh diễn ra vào ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ xây dựng Đỗ Đức Duy đã cho biết, xây dựng công trình theo hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới. Tại hầu hết các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Singapore…, Chính phủ đều yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình.

Tại Việt Nam, xây dựng công trình xanh được khởi xướng và tiếp cận từ năm 2007, cho đến nay, đã có khoảng 60 công trình xây dựng tại Việt Nam được chứng nhận là công trình xanh bởi các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn khiêm tốn so với quy mô của thị trường xây dựng Việt Nam. Đồng thời, các công trình xanh chủ yếu mới chỉ được quan tâm ở phân khúc bất động sản thương mại cao cấp và do các chủ đầu tư là các tập đoàn lớn với mục tiêu quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu, cũng như mục đích giảm thiểu chi phí vận hành là chính.

Theo ông Duy, việt phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn chậm, chưa thực sự bắt nhịp với các nước trong khu vực và thế giới do có nhiều nguyên nhân, như sự hiểu sai về chi phí xây dựng khi thực hiện xây dựng công trình xanh (với quan niệm có thể làm tăng thêm 20-30% chi phí); thiếu các thông tin về hiệu quả sử dụng tài nguyên của công trình, gia tăng tiện nghi của người sử dụng hoặc như các chủ đầu tư, nhà thầu, giới hành nghề trong nước còn chưa được tiếp cận rộng rãi với các khái niệm, kỹ năng, công nghệ về thiết kế và xây dựng công trình xanh. Nhưng trên hết là thiếu sự nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng về lợi ích của công trình xanh của các bên có liên quan.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, gắn nhà ở giá thấp với vấn đề xanh là rất cần thiết, vì nó sẽ làm giảm chi phí vận hành, sử dụng thường xuyên, tạo ra cân bằng và làm thay đổi nhận thức ở nhà giá thấp vẫn có cuộc sống tốt. Tuy nhiên, phải có sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và người mua nhà. Vì khi có những giải pháp xanh, thì phải tăng thêm chi phí, nhưng phải cân nhắc không để đội chi phí quá cao.

Tuy nhiên, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô cho biết, dù các giải pháp kiến trúc xanh, hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ làm tăng chi phí đầu tư khoảng 3%, nhưng chi phí này cũng sẽ tính vào giá thành. Do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ, thì những dự án này sẽ khó cạnh tranh.

“Một doanh nghiệp thì không thể làm được. Chúng tôi có thể chịu được 1 - 2 dự án, nhưng khi điều chỉnh vào giá bán, thì đương nhiên người mua chỉ chọn những dự án có giá thấp hơn. Cần có sự tuyên truyền để nâng cao nhận thức, dần dần cầu sẽ chuyển sang những công trình xanh. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, ghi nhận và tạo cơ chế hỗ trợ các công trình xanh”, ông Trung nêu ý kiến

Trong khi đó, ông Đặng Thành Long, Tổng giám đốc Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) cho rằng, chi phí có cao hay không, quan trọng ở cách làm. Nếu xác định, có ý tưởng sớm ngay từ đầu, thì nên sử dụng quy trình thiết kế thích hợp, đưa ra những mô phỏng tiêu chí “xanh” dự án có thể đạt được trước khi triển khai, rồi sau đó ngồi lại cùng lúc với tất cả các bên trong phát triển dự án, bao gồm kiến trúc sư thiết kế chính, kỹ sư thi công… Công đoạn này mất thêm thời gian, nhưng khi đã đạt được sự thống nhất, có sự đánh giá từ trước, thì thực tế, chi phí xanh hóa dự án có thể giảm khá mạnh.

“Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới cho thấy, mức phí tăng thêm thường dao động thường không nhiều, kể cả đối với các dự án cao cấp. Chẳng hạn, từ Mỹ là từ 0 - 9%, ở Malaysia là khoảng 6%, còn ở Hàn Quốc khoảng 3%”, ông Long nói và cho biết, khi hướng tới yếu tố xanh, một số khoản chi phí ngầm lại được giảm đi, chẳng hạn chi phí marketing, bởi chủ đầu tư nhận được giá trị tăng thêm về thương hiệu của dự án, cũng như uy tín khi chủ đầu tư gắn trách nhiệm trong việc đảm bảo cho người mua nhà có một môi trường sống hoàn hảo, tiện ích.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan