Cách nào mài sáng “viên ngọc thô” bất động sản du lịch?

Cách nào mài sáng “viên ngọc thô” bất động sản du lịch?

(ĐTCK) Với bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam có tiềm năng để phát triển bất động sản du lịch hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn còn là viên ngọc thô chưa được rèn rũa, chau chuốt. Làm gì để đánh thức được tiềm năng bất động sản du lịch Việt Nam, ông Askhay Kulkarni, Giám đốc Dịch vụ tư vấn bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng Cushman & Wakefield đã trao đổi với Đầu tư Bất động sản xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam?

Thị trường du lịch khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là lượng du khách và yêu cầu của du khách xét về chất lượng khu bất động sản nghỉ dưỡng, cũng như bất động sản khách sạn. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và nâng cao chất lượng.

Đâu là những hạn chế tại các điểm du lịch, nghĩ dưỡng mà Việt Nam cần khắc phục, thưa ông ?

Tôi nghĩ, mỗi địa điểm có một lợi thế riêng. Lấy Đà Nẵng làm một ví dụ. Địa phương này lâu nay chỉ tập trung khai thác loại hình du lịch biển là chủ yếu và du lịch biển cũng là lựa chọn duy nhất của du khách khi tới Đà Nẵng. Vì vậy, du khách đến Đà Nẵng chỉ có thể ở lại từ 3 - 4 ngày, trong khi nếu là ở Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia), du khách có thể ở lại 7 ngày, thậm chí 20 ngày. Tại Bali, khách du lịch có nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch của mình như du lịch biển, du lịch phật giáo, du lịch tâm linh, trong khi Đà Nẵng lâu nay chỉ tập trung khai thác loại hình du lịch biển là chủ yếu.

Có phần khập khiễng khi so sánh một ốc đảo du lịch đã phát triển được 20 năm như Bali với thành phố mới bắt đầu thu hút khách du lịch trong một vài năm gần đây như Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng không có một chiến lược phát triển tập trung, thành phố này khó có thể đón những du khách trở lại lần sau.

Theo tôi, để trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng, cần có một chiến lược phát triển dài hạn và nhất quán. Nếu một địa điểm du lịch không hoàn thiện về chất lượng, cũng như cơ sở hạ tầng, địa điểm này sẽ mau chóng bị lãng quên và bị thay thế bởi những địa điểm khác mới mẻ và tiện ích hơn. Ví dụ như Lombok và Bali, cùng là đảo biển của Indonesia, cùng có hệ sinh thái biển - núi - rừng, cùng là điểm đến du lịch, nhưng Lombok không thu hút khách du lịch nhiều như Bali do cơ sở hạ tầng nghèo nàn, giao thông không thuận tiện. Đến Lombok, khách du lịch không biết phải làm gì ngoài nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng, xung quanh không có dịch vụ vui chơi giải trí.

Đà Nẵng cũng nên xem xét giải quyết vấn đề này. Khách du lịch đến khu nghỉ dưỡng, chỉ có thể trải nghiệm các món ăn trên đường Sơn Trà Điện Ngọc dọc bãi biển, nhưng khi vào Thành phố, không có nhiều lựa chọn vui chơi cho họ trải nghiệm. Phát triển thành một thành phố lớn hay là một trung tâm du lịch, Đà Nẵng nên chỉ theo đuổi 1 trong 2 mục tiêu này.

Vậy ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam?

Thời gian gần đây, có khá nhiều nhà đầu tư đang triển khai dự án bất động sản nghĩ dưỡng tại Việt Nam như Rockefeller mới đầu tư 2,5 tỷ USD vào dự án tại Vũng Rô (Phú Yên), hay nhà tỷ phú Israel Igal Ahouvi với Dự án Alma Resort tại Bãi Rồng (Cam Ranh, Khánh Hòa), trị giá 300 triệu USD… và các nhà đầu tư đến từ châu Á khác. Từ đây cho thấy, các nhà đầu tư đã thấy được tiềm năng phát triển của bất động sản du lịch Việt nam và mạnh dạn đầu tư.

Liệu đây có phải là một làn sóng đầu tư mới không, thưa ông?

Là một nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi, tôi có thể xem xét đầu tư tại Việt Nam, Singapore, Myanmar, Malaysia, Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Những quốc gia này đều là những điểm đến đầu tư của khu vực châu Á. Tuy nhiên, khi tôi phân tích và so sánh môi trường đầu tư tại Việt Nam với môi trường đầu tư tại Indonesia hay Malaysia, tôi cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn hơn. Việt Nam không thể so sánh được với Singapore hay Trung Quốc, vì những khác biệt rõ ràng về quá trình phát triển và quy mô đầu tư, nhưng so với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện, nâng cao tính cạnh tranh và trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư hơn. Nói tóm lại, Việt Nam có tiềm năng phát triển dài hạn. Tuy nhiên, bất động sản du lịch tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tìm đường phát triển.

Vậy theo ông, để Việt Nam thực sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng, cần có những thay đổi gì?

Theo tôi, để thu hút đầu tư ở lĩnh vực bất động sản khách sạn, nghĩ dưỡng, Việt Nam cần phải tập trung vào 3 điểm sau.

Thứ nhất, phải phổ cập và minh bạch chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài không hiểu về luật pháp và chính sách đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, về phương diện bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài rất nghi ngại về giá trị đất. Giá đất quá cao cũng là một yếu tố bất lợi cho Việt Nam trong quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dù có kinh doanh vận hành tốt đến đâu, thì cũng phải một thời gian rất dài mới có thể khấu hao được.

Cuối cùng, Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, sinh sống tại Việt Nam, nhưng điều kiện và thủ tục để tiếp cận những hỗ trợ này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không biết tìm thông tin ở đâu. Khắc phục được những điều cơ bản này, Việt Nam sẽ cải thiện được môi trường đầu tư và trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn.

Tin bài liên quan