Nhiều khách hàng đã quen với việc giao dịch bất động sản qua sàn

Nhiều khách hàng đã quen với việc giao dịch bất động sản qua sàn

Các sàn bất động sản đang hoạt động ra sao?

(ĐTCK) Trong bài trước, Đầu tư Bất động sản đã đề cập, sau khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, ngày 1/1/2007, các sàn giao dịch bất động sản mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản “đóng băng”, hàng loạt sàn đã phải đóng cửa, chỉ còn một số lượng nhỏ hoạt động cầm chừng. Và qua đó, bức tranh chuẩn xác về thực lực của các đơn vị môi giới này cũng lộ rõ.

Lập sàn cho có

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong tổng số gần 500 sàn giao dịch bất động sản đăng ký trên địa bàn, có tới 122 sàn không hoạt động và hơn 200 sàn không có bất kỳ giao dịch thành công nào trong năm qua.

Cho đến thời điểm này, có thể phân ra 2 loại sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động chủ yếu trên thị trường, đó là sàn do các chủ đầu tư lập ra và sàn độc lập do cá nhân hoặc tổ chức thành lập, hoạt động theo nhu cầu thị trường.

Ở loại sàn giao dịch bất động sản do chủ đầu tư lập ra, đa phần nhân viên được tách ra từ một bộ phận của doanh nghiệp như phòng kinh doanh. Sàn này có nhiệm vụ bán những sản phẩm bất động sản do chính doanh nghiệp đó làm ra và gần như không bán sản phẩm của chủ đầu tư khác.

Do được thành lập để thực hiện nhiệm vụ bán hàng cho chủ đầu tư, nên mọi chi phí từ thành lập sàn, đến lương, thưởng của nhân viên đều do chủ đầu tư chi trả, dù có bán được hàng hay không. Chính vì vậy, loại sàn giao dịch này rất ít nhân viên bán hàng giỏi, thậm chí là nơi “gửi gắm” con em của  nhiều cán bộ doanh nghiệp chủ đầu tư.

Không những thế, trong nhiều trường hợp, các sàn giao dịch loại này còn bị giao nhiệm vụ hợp thức hóa việc “bán nhà qua sàn” bằng việc hoàn thiện những hồ sơ, hợp đồng với khách hàng, mà chính nhân viên sàn giao dịch chưa bao giờ gặp mặt.

Và không sợ thiếu việc làm

Đối với loại hình sàn giao dịch bất động sản tự độc lập do các cá nhân, tổ chức thành lập và hoạt động theo nhu cầu thị trường thì khác hẳn. Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thái Minh Quang cho biết, đa số các sàn này được lập nên do những người đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Họ có kinh nghiệm, có tích lũy được một lượng vốn nhất định và quan trọng hơn là sự gắn bó, say mê với nghề.

Do chi phí hoạt động bằng chính tiền túi của chủ sàn, nên nếu không tổ chức hiệu quả thì “chẳng mấy nỗi mà dẹp tiệm”, như lời ông Giang đã nói.

Cũng vì sức ép tồn tại, mà các sàn giao dịch đã có sự năng động trong hoạt động, nhất là trong giai đoạn thị trường vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Nếu như trước đây, nhiều sàn khi thành lập đã lựa chọn địa điểm phải “hoành tráng” để dễ làm ăn, thì nay, nhiều sàn đã tự thu nhỏ quy mô. Đổi lại, các sàn chủ động mở văn phòng giao dịch ngay tại dự án, các nhân viên bán hàng “nằm vùng” ngay tại dự án để bán hàng.

Không những thế, để tạo sức mạnh tổng hợp trên thị trường, các sàn giao dịch bất động sản còn bắt tay nhau để thành lập các liên minh. Tại Hà Nội, hiện đang tồn tại 2 liên minh sàn giao dịch bất động sản hoạt động khá hiệu quả là G5 và R9+.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh G5 chia sẻ, khi thành lập liên minh sàn, G5 hướng tới một hoạt động chuyên nghiệp hơn, tạo uy tín lớn hơn để từ đó thu hút khách hàng nhiều hơn. Ở khía cạnh khác, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland phân tích, việc bán hàng của chủ đầu tư sẽ không thể chuyên nghiệp bằng nhân viên tại các sàn giao dịch, vì việc tư vấn, chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi của chủ đầu tư sẽ kém đa dạng hơn sàn giao dịch.

Bình luận về việc Bộ Xây dựng đang kiến nghị bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quy định như vậy là “một mũi tên, trúng hai đích”. Ông Thành lý giải, mục đích của việc bắt buộc mua, bán bất động sản phải qua sàn là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mua, đồng thời, kết nối với thị trường hiệu quả hơn. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai đã xuất hiện nhiều bất cập, như làm tăng chi phí cho giao dịch. Vì vậy, việc bỏ quy định giao dịch phải qua sàn là hợp lý, hạn chế bất cập, hiệu quả cho nhà đầu tư, giảm chi phí cho người dân.

Đồng tính với ý kiến trên, ông Giang cho rằng, bỏ quy định bắt buộc giao dịch nhà đất  qua sàn sẽ giúp các chủ thể tham gia thị trường địa ốc có thêm quyền lựa chọn. Bản thân các sàn cũng phải đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và thực sự đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng nhằm thu hút người giao dịch qua sàn.

“Chúng tôi không sợ mất khách, vì đến nay, khách hàng đã bắt đầu quen dần với việc mua bán nhà đất thông qua sàn. Khi sàn làm ăn chuyên nghiệp, bài bản và đem lại sự tin tưởng cho khách hàng, thì không sợ thiếu việc làm”, ông Giang chia sẻ.

Kỳ 3: Bỏ giao dịch qua sàn: Tiếng nói người trong cuộc

Tin bài liên quan