Theo đó, HoREA cho rằng, vướng mắc lớn nhất là Nhà nước chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, do "danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" chưa được cập nhật, bổ sung vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên trong Nghị quyết chưa có danh mục chi này để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 28/5/2018, Bộ Xây dựng cũng có Văn bản số 1248/BXD-QLN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Trong văn bản này, Bộ Xây dựng nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc là do nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí; Không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
"Trong các nguyên nhân trên, việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu", Bộ Xây dựng đánh giá.
Từ đó, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công khai giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cụ thể là việc bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020; Cấp cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 9716/NHNN-TCKT ngày 21/12/2016 để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng".
Trước đó, vào ngày 22/5/2018, HoREA kiến nghị về việc áp dụng một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội ưu đãi là 4,8%/năm và lãi suất nợ quá hạn là 130% lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng hưởng thụ chính sách nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hay tại tổ chức tín dụng được chỉ định, không phân biệt vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP hay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Sau đó, Ngân hàng nhà nước cho biết, đến nay, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa được bố trí nguồn ngân sách giai đoạn 2016-2020 cấp bù chênh lệch lãi suất để cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, ngay sau khi được bố trí nguồn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện việc cấp bù chênh lệch lãi suất để cho vay nhà ở xã hội theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg.